Top

Khó khăn khi chuyển đổi sang nhà ở xã hội

Cập nhật 19/08/2013 13:16

 Ngày 7/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 cho phép doanh nghiệp chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Ngày 8/3, Bộ Xây dựng chính thức có thông tư hướng dẫn. Phao cứu sinh đã được đưa ra và đã có 50 dự án đăng kí xin chuyển đổi, Hà Nội 21 dự án và TPHCM 24 dự án. Tuy nhiên, tính đến nay, việc chuyển đổi vẫn bị vướng mắc.


Một số DN tại TPHCM cho biết, Thông tư 02 của Bộ Xây dựng có rất nhiều quy định làm khó doanh nghiệp như phải đạt được 100% sự đồng thuận của khách hàng mua nhà. Còn với những dự án khi đã triển khai xây dựng thì với việc đã bán hàng, đã vay ngân hàng thì việc xin hưởng ưu đãi chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội gần như là điều không tưởng.

Bàn về những khó khăn, vướng mắc khi xin hưởng ưu đãi chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, ông Lê Tấn Hòa – Tổng GĐ CTCP Lilama SHB cho rằng, Để nhận được gói ưu đãi này, doanh nghiệp bất động sản phải chưa mua bán, chưa vay vốn ở đâu.

Còn theo phân tích ông Trương An Dương – Công ty Savills Việt Nam, mặc dù chủ trương của chính phủ được ban hành từ đầu năm 2013 nhưng phải đến 6 tháng sau, các bộ ban ngành mới liên kết lại đưa ra những chính sách thực thi. Song, việc triển khai chính sách chưa đi sâu vào cuộc sống. Trong bối cảnh như hiện nay, chúng ta phải nhanh chóng hơn để tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng như giải tỏa những rào cản về thủ tục hành chính.

Thực tế xin chuyển đổi cho thấy, hiện vẫn chưa có quy định riêng về giá đất, tiền sử dụng đất, mức bù trừ cho những dự án đã giải phóng mặt bằng, thi công 1 phần hay như quyền lợi của khách hàng khi đã ký hợp đồng mua bán

Vai trò của nhà ở xã hội đã rõ, tuy nhiên, với thực tế triển khai của dự án nhà ở thu nhập thấp tại Đặng Xá, Kiến Hưng, Hà Nội thì 1 vấn đề đặt ra là dù khảo sát tốt hay không tốt nhu cầu thì vẫn chưa đảm bảo tính chính xác của bài toán hấp thụ của thị trường. Như vậy, bài toán dư cung rất có thể xảy ra. Và đương nhiên, trong bối cảnh BĐS đang đình trệ thì 1 lần nữa, khó khăn của các DN lại được nhân lên gấp bội.

DiaOcOnline.vn - Theo VITV