Top

Dự trữ cho “ngân hàng đất”

Cập nhật 27/12/2010 09:40

Nếu lập một biểu đồ giá đất của 10 năm qua, sẽ thấy, một hình xoắn ốc với những tầng giá cao “ngất trời”. Nhiều chuyên gia khi nhận định về vấn đề này cũng chỉ ra rằng, trong mười năm qua, quản lý đất đai theo quy hoạch đã bị buông lỏng, cộng thêm thiếu chính sách, chế tài xử lý, hạn chế nạn đầu cơ, thao túng giá cả khiến giá BĐS năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cho đến bây giờ, nếu soi vào hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM, sẽ thấy, giá nhà, đất tại Hà Nội luôn cao hơn TP.HCM từ 30 - 50%. Bên cạnh sự thiếu chuyên nghiệp trong công tác quản lý, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ và người dân cũng góp phần tạo nên thực trạng này. Thêm nữa, những rối rắm trong thủ tục tiếp cận đất đai cộng thêm cả phí “ngoài luồng” đã đẩy giá thị trường lên chóng mặt.

Các chuyên gia cũng cảnh báo, để kiểm soát tốt thị trường, quản lý chặt theo quy hoạch là phương thuốc hữu hiệu. Vấn đề mấu chốt hiện nay là phải xóa bỏ tư tưởng quy hoạch theo nhiệm kỳ đã diễn ra bấy lâu nay. Ngoài ra, phải ngăn chặn được tình trạng quy hoạch sau phá vỡ quy hoạch trước. Vì thấy, trong phát triển đô thị, cần làm tốt công tác quản lý quy hoạch, cái nào đã thống nhất thực hiện, thấy tốt thì phải bảo vệ, phải làm đến cùng nếu không tình cảnh “sốt” đất sẽ còn tái diễn. Một trong những đề xuất được đưa ra là: Thời gian gần, rất cần chuyển nguồn vốn tĩnh (đất đai) sang nguồn vốn động (tài chính) - đây là giải pháp cốt lõi để kiểm soát thị trường. Trong giai đoạn trước đây (1993 - 2003), các tỉnh thành đã áp dụng chính sách đổi đất lấy hạ tầng. Từ năm 2003 trở đi, cơ chế này đã bị dẹp bỏ nhưng thực chất vẫn đang tồn tại theo kiểu “bình mới, rượu cũ” theo hình thức dự án BOT, BT. Điều này có nghĩa, cơ chế định giá đất và hạ tầng vẫn không được áp dụng. Các sai phạm cũ vẫn có thể tiếp tục xảy ra nhưng được bao bọc khá kỹ. Kết cục, nguồn lợi từ đất đai đã không được phát huy thành nguồn lực tài chính.

Các chuyên gia cũng nhìn nhận, sở dĩ thị trường luôn lộn xộn còn do hầu hết công trình bị chậm tiến độ do ách tắc trong GPMB và Hà Nội chưa có dự trữ quỹ đất đô thị. Chính vì vậy, việc tạo lập một quỹ đất “sạch” cho các dự án sẽ là lực đẩy quan trọng để thị trường BĐS không bị thao túng, không rơi vào tình cảnh hỗn loạn và bị chi phối bởi các nhóm lợi ích. Đây là giải pháp không mới, đã được các nước trên thế giới sử dụng từ hàng chục năm nay. Việc dự trữ đất được xem như ngân hàng đất cho tương lai cũng như lo quỹ đất phát triển nhà ở hiện tại. Quỹ đất này sẽ tạo điều kiện cho chính quyền đô thị điều hành được thị trường chứ không chạy theo phục vụ thị trường như hiện nay. Điểm quan trọng nhất là ngân sách đô thị sẽ thu được phần lớn lợi ích mà tài nguyên đất đai đem lại chứ không để giới kinh doanh BĐS siêu lợi nhuận từ kinh doanh đất đai.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng