Top

Đà Nẵng:

Công nhân xây dựng ngoại tỉnh tràn ngập

Cập nhật 01/11/2011 16:10

Một nghịch lý xuất hiện vài năm gần đây là trong khi khá nhiều người trong độ tuổi lao động ở thành phố thất nghiệp hoặc không có công việc làm thường xuyên, thì trên các công trình thi công lớn ở Đà Nẵng chủ yếu lao động địa phương khác đến làm việc.

Làm việc ở những tòa nhà cao tầng thường rất nguy hiểm nên lao động địa phương không mặn mà với công việc.

Đông đúc lao động ngoại tỉnh

Chỉ tính riêng trên 3 công trình xây dựng cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý, cầu Rồng và cầu Nguyễn Tri Phương có gần 1.000 công nhân đang thi công thì tất cả đều đến từ các tỉnh phía Bắc. Trong số này, cả hai công trình cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý và cầu Rồng cùng một nhà thầu là Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 1. Cách đây vài tháng, chủ đầu tư hai dự án này là Sở Giao thông-Vận tải khi kiểm tra tiến độ đã yêu cầu đơn vị thi công phải tăng cường ít nhất là từ 250 công nhân lên 400 công nhân mỗi công trình, nếu gặp khó khăn nên tuyển chọn công nhân địa phương.

Mặc dù sau đó nhà thầu tăng thêm lực lượng lên hơn 300 công nhân/công trình, thế nhưng tất cả công nhân này đều từ các tỉnh phía Bắc vào, không có lao động địa phương. Tương tự, trên công trình cầu Nguyễn Tri Phương do Tổng Công ty Xây dựng Công trình giao thông 4 đảm nhận cũng duy trì mỗi ngày 400 công nhân, hầu hết đều đến từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình..., không có lao động người Đà Nẵng.

Ngay như công trình xây dựng Nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng, do Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội thi công cũng sử dụng công nhân các tỉnh phía Bắc. Do cùng lúc thi công nhiều công trình trên cả nước nên trong suốt thời gian qua, đơn vị thi công chỉ bảo đảm tại công trình này từ 200 đến 250 công nhân mỗi ngày, đây là một trong những nguyên nhân khiến cho công trình chậm trễ đến 2 năm. Ban Quản lý Dự án cho biết, đã nhiều lần yêu cầu đơn vị thi công nên tuyển thêm lao động địa phương để bảo đảm tiến độ, nhưng kết quả là có rất ít lao động tại thành phố làm việc tại công trình này. Thậm chí tại các tòa nhà cao tầng đang thi công hiện nay như Azura, khách sạn Sông Hàn, các khu nghỉ mát ven biển... thì lực lượng lao động chủ yếu cũng đến từ các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam như Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, trong khi đó lao động Đà Nẵng chiếm số lượng rất ít.

Lao động địa phương không mặn mà


Theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, nguyên nhân chính là do các nhà thầu quá cầu toàn. Họ chỉ tin vào tay nghề người lao động của các đơn vị trực thuộc, nên không muốn tiếp nhận lao động từ ngoài vào. Còn Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Đinh La Thăng trong chuyến kiểm tra tại công trình Nhà ga Sân bay Quốc tế Đà Nẵng mới đây đã nghiêm khắc phê bình Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội để công trình chậm trễ kéo dài và chỉ ra lý do chính là số lượng công nhân quá ít nên không bảo đảm tiến độ. Bộ trưởng khẳng định về tay nghề thì công nhân của Đà Nẵng không những làm được mà còn nổi tiếng trên cả nước, cái chính là nhà thầu muốn kéo dài công trình để “nuôi quân” của mình.

Theo một chủ thầu xây dựng công trình ở thành phố, những lý do trên đều đúng và cũng rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế còn có lý do nữa đến từ chính lao động Đà Nẵng là họ không mặn mà với các công trình lớn đang xây dựng vì không kinh tế. Chia sẻ với nhận định này, anh Lê Tấn Phát, công nhân thuộc Tổ xây tô Công ty TNHH xây dựng Tiến Phát, đơn vị đang nhận thi công phần xây và tô tường từ tầng 20 đến 36 của tòa nhà Azura cho biết thêm: “Ở quê tôi (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), tiền lương của thợ hồ mỗi ngày 120 ngàn đồng, phụ hồ 80 ngàn đồng, vì vậy khi công ty trả cho thợ chính 170 ngàn đồng/ngày và thợ phụ 120 ngàn đồng/ngày là khá hấp dẫn nên chúng tôi quyết định đến Đà Nẵng để làm việc”.

Trong khi đó, thợ hồ của Đà Nẵng nếu làm các công trình như nhà dân thì tiền công cũng ngang bằng, thậm chí là cao hơn, lại được nhiều ưu đãi như chủ nhà lo ngày ăn hai bữa phụ, cuối tuần còn có nhậu lai rai. Đặc biệt, làm nhà dân thì đỡ vất vả hơn vì độ cao thấp hơn, còn làm các công trình lớn như tòa nhà Azura chẳng hạn là quá cao, nên công việc rất vất vả và nguy cơ tai nạn luôn rình rập, vì vậy lao động Đà Nẵng không muốn làm ở các công trình lớn là điều dễ hiểu.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Đà Nẵng