Top

Cầu vượt thép: Hiệu quả chưa như mong đợi

Cập nhật 14/09/2015 10:36

TPHCM hiện có 6 cầu vượt bằng thép đã đưa vào sử dụng tại một số khu vực nội thành đông xe cộ lưu thông. Thế nhưng ngoài việc chia lửa cho gánh nặng áp lực về mật độ giao thông cho các điểm giao nhau, nhìn chung hệ thống cầu vượt này chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Chia lửa cho đường bộ

Mục tiêu khi đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép là giải quyết vấn nạn kẹt xe nghiêm trọng tại các tuyến cửa ngõ TPHCM. Điều đáng nói, trong hoàn cảnh ngân sách TP ngày càng khó khăn, việc xây dựng các công trình cầu vượt bằng thép vẫn là giải pháp phù hợp nhất, bởi trung bình 1 cầu vượt bằng thép được xây dựng có nguồn vốn vài trăm tỷ đồng với thời gian thi công chưa đầy 1 năm. Xây cầu vượt bằng thép so với việc thi công hầm hay cầu bê tông, tổng vốn đầu tư chỉ bằng khoảng 1/10 và thời gian thi công bằng 1/5.

Đã đến lúc cần so sánh làm cầu vượt hay chỉ cần giải tỏa mở rộng tầm nhìn kết hợp với các biện pháp tổ chức giao thông. Theo đó phải đánh giá lại cả thành công lẫn thất bại từng công trình cầu vượt tạm bằng thép để có các giải pháp khắc phục và rút kinh nghiệm cho những công trình cầu vượt sẽ làm trong tương lai.

TS. Phạm Sanh, chuyên gia giao thông
 

Trao đổi với ĐTTC, ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, Sở GTVT TPHCM, cho biết cầu vượt bằng thép đã góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông tại các nút giao trọng điểm của TP, đồng thời chia sẻ và giảm tải lưu lượng giao thông cho các tuyến đường huyết mạch cửa ngõ TP vào nội thành và ngược lại.

“Việc xây cầu vượt bằng thép có đặc điểm nổi trội như thi công nhanh, giải quyết ngay ùn tắc giao thông. Trong khi nếu xây dựng hầm chui tại các điểm giao ngã tư, ngã năm hay sáu, sẽ mất 3 - 4 năm, và như thế chẳng những cần vốn lớn (chưa tính trượt giá, chi phí nhân công, vật liệu…) còn gây thiệt hại không nhỏ từ việc ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nhiều” - ông Thiết phân tích.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên ĐTTC, tại cầu vượt bằng thép ngã tư Thủ Đức - cửa ngõ Đông Bắc TP, việc đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép tại đây đã giải quyết bài toán về áp lực lưu lượng giao thông rõ rệt. Cụ thể, nếu như trước năm 2013 khi chưa có cầu vượt này, chỉ với mật độ giao thông khoảng trên 10.000 lượt xe/ngày (chủ yếu xe tải, xe container ra vào Cảng Cát Lái) nhưng việc ùn tắc tại ngã tư này diễn ra gần như hàng ngày với nhiều vụ kẹt nhiều giờ liền kéo dài hàng cây số.

Thế nhưng khi đưa vào sử dụng cầu vượt bằng thép từ năm 2013 đến nay, với lưu lượng xe cộ tăng gấp đôi (khoảng 22.000 lượt xe/ngày - thống kê từ Ban An toàn giao thông TP), nhưng hầu như không có diễn ra kẹt xe tại đây, chỉ có một vài vụ ùn tắc nhỏ, chủ yếu do rào chắn phục vụ thi công mở rộng Xa lộ Hà Nội.

Còn nhiều bất cập

Bên cạnh hiệu quả thấy rõ, hệ thống cầu vượt bằng thép hiện nay trên địa bàn nhìn chung vẫn chưa phát huy hiệu quả cao nhất. Đơn cử, tại 2 cầu vượt bằng thép Hoàng Hoa Thám - Cộng Hòa và Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa (ngã tư Lăng Cha Cả) được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, dù đưa vào sử dụng hơn 2 năm nay nhưng thực tế vẫn chưa phát huy hiệu quả, trái lại còn phát sinh nhiều điểm nghẽn mới.

Theo ghi nhận, trong những giờ cao điểm sáng chiều, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra và kéo dài trên nhiều tuyến đường lân cận có công trình cầu vượt bằng thép. Ngay điểm giữa 2 cầu vượt (trên đường Cộng Hòa) người đi đường luôn phải chứng kiến cảnh ùn ứ hàng dài. Điều đáng nói, trong khi nhiều cây cầu vượt khác trên địa bàn TP, xe máy không được phép lưu thông vẫn không xảy ra kẹt xe, tại 2 cầu vượt này hình ảnh lại ngược lại.

Đặc biệt, nếu trước kia nhiều tuyến đường liên đới không xảy ra kẹt, nay cùng chung số phận. Cụ thể, tại các nút giao gần cầu vượt Hoàng Hoa Thám như Cộng Hòa - Núi Thành, Ngô Bệ, Bình Giã, Thân Nhân Trung, đều ùn ứ từ khoảng 7 đến 8 giờ sáng và 17 đến hơn 18 giờ chiều hàng ngày. Tại đây do lượng xe từ cầu vượt Hoàng Hoa Thám đổ xuống đụng với các điểm giao làm tình hình giao thông bi đát hơn.

Trong khi tuyến đường Trường Chinh song song gần đó, vốn dĩ lâu nay đã quá tải nên lưu lượng người tham gia giao thông chuyển về đường Cộng Hòa cũng gây nên quá tải. Tương tự, cách đó hơn 1km, tại cầu vượt Lăng Cha Cả, các tuyến đường như Đồng Khởi, Út Tịch hay Thăng Long cũng thường xuyên kẹt xe nghiêm trọng trong giờ cao điểm.
 

Hệ thống cầu vượt bằng thép vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn.

Không thể phủ nhận mục tiêu giảm ùn tắc giao thông khi 2 cầu vượt bằng thép đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, lưu thông trên tuyến đường Cộng Hòa (từ Lăng Cha Cả đến mũi tàu Cộng Hòa - Trường Chinh) lại phát sinh hàng loạt điểm ùn tắc mới. Từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng khi đưa vào xây dựng hệ thống cầu vượt bằng thép này, các đơn vị quy hoạch và thi công đã không tính toán được bài toán tổng quan và lâu dài đối với trục giao thông quan trọng này của TP.

Suất đầu tư các công trình cầu vượt bằng thép này không nhỏ hơn chi phí làm công trình vĩnh cửu. Thực tế, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng của hãng xe Phương Trang vào ngày 9-9 trên cầu vượt Cây Gõ cũng chỉ rõ bất cập của cầu vượt bằng thép. Theo các chuyên gia giao thông, hầu hết cầu vượt trên địa bàn TPHCM đang có thiết kế lan can quá thấp chỉ từ 80-90cm, trong khi chiều cao an toàn của lan can cầu vượt phải 2,4m và có lưới bảo vệ.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư