Top

Ăn chênh căn hộ, dân không dại gì vay tiền đánh quả

Cập nhật 23/04/2015 11:36

Theo TS Kinh tế Nguyễn Minh Phong, mẹo kinh doanh có thể gây ra một không khí sôi động mọi người có tâm lý dự án chênh nhau nhiều thì giá gốc rất là thấp hoặc bán giá rất đúng nhu cầu này nọ có thể gây tâm lý rất sốt nhưng người mua phải tỉnh táo.

Loạn giá bán, chênh tiền tỷ

Sau thời gian dài thị trường rơi vào cảnh trầm lắng, từ giữa năm 2014 đầu năm 2015, thị trường bất động sản đã có sự chuyển biến rõ rệt. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, lượng sản phẩm được giao dịch tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM đều cao hơn gấp 3 lần cùng kỳ năm 2014. Cụ thể, tại Hà Nội, lượng căn hộ giao dịch thành công đạt gần 4.000 căn; trong khi tại TP. HCM, con số này là trên 4.200 căn.

Báo cáo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn như Savills, CBRE đều đưa ra những đánh giá khả quan.

Nhưng ngay khi thị trường vừa có dấu hiệu ấm lên, trên thị trường đã xuất hiện hiện tượng chênh giá trở lại. Để tiếp cận được với sản phẩm khách hàng phải trả từ vài chục tới vài trăm triệu đồng tiền giá chênh.

Bảng giá chênh căn hộ “tái xuất” ở nhiều dự án

Ghi nhận trên thị trường cho thấy, giá chênh có thể được tạo ra từ việc đưa ra các mức giá khác nhau với sự tăng giá “chóng mặt” của các chủ đầu tư trong các đợt mở bán.

Như tại dự án Home City (đường Trung Kính) của chủ đầu tư Văn Phú Invest khi bắt đầu tung ra thị trường vào giữa tháng 11/2014, dự án này có mức giá dao động 24 – 26 triệu đồng/m2, nhưng ngay trong đợt mở bán thứ hai, dự án này đã tăng 2 - 3 triệu đồng/m2, lên mức 28 - 29 triệu đồng/m2, đặc biệt đối với những căn đẹp, mức giá lên đến trên 30 triệu đồng/m2 dù dự án chỉ vừa chuyển qua giai đoạn thi công phần đế.

Dự án FLC Complex Phạm Hùng, chủ đầu tư đã công bố giá bán từ 27,5 - 28,5 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay, giá thứ cấp trên thị trường đã được đẩy lên đến 30 - 30,5 triệu đồng/m2, thậm chí căn nhỏ có giá đến 31 triệu đồng/m2, tăng đến 15% trong chưa đầy một tuần.

Và mới đây nhất, thông tin trên báo chí dự án CT4 Trung Yên (quận Cầu Giấy) của Vimeco, dù vẫn chưa hoàn thiện móng, nhưng các hợp đồng góp vốn cũng đã kịp điều chỉnh với tiền chênh 300 - 400 triệu đồng so với giá hợp đồng góp vốn ban đầu.

Nhìn nhận thị trường với sự tăng giá qua các đợt mở bán, anh Vũ Viết – một nhà đầu tư bất động sản cho rằng: Không cần phải tính toán cao siêu, chỉ cần nhìn vào thực tế việc chủ đầu tư tăng giá theo đợt bán đã tạo ra mức giá chênh rõ rệt cho thị trường.

“Giới đầu cơ thường ôm các suất bán đợt 1, đến đợt 2 khi chủ đầu tư tăng giá lên 2 – 3 triệu đồng/m2, đến lúc này họ đẩy hàng chỉ cần bán lại với giá tăng từ 1 – 1,5 triệu đồng/m2 là đã "lời" hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó lại tạo được tâm lý cho khách hàng là mình mua được hàng rẻ” – Anh Viết phân tích.

“Dân không dại gì vay tiền đánh quả”

Nhìn nhận về thị trường bất động sản quý I/2015, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam hiện tượng tăng giá nhẹ chỉ diễn ra đối với những dự án sắp hoàn thành và có hạ tầng tốt.

“Người tiêu dùng nên thận trọng trong tất cả việc khảo giá. Đặc biệt trong việc quảng bá và quảng cáo phải hết sức tỉnh táo tránh rơi vào bẫy thôi miên của các nhà mô giới”.

Cũng theo đánh giá từ Hiệp hội, hiện tượng tăng giá đột biến tại một số dự án được cho là do một số sàn giao dịch, một số cá nhân môi giới "làm giá" được đánh giá là một trong các hoạt động chưa chuyên nghiệp của thị trường BĐS hiện nay.

Trong khi đó, TS Kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sự tăng giá của nhiều dự án thời gian qua điều đó chứng tỏ hệ thống ăn theo nhiều đẩy giá lên. Đây là điều không tốt gây ra tình trạng thiệt thòi cho người mua. Đấy là chưa kể tự nó làm tắc thị trường. Khi giá bị đẩy lên quá cao không ai muốn mua nữa thì thôi thì tự nhiên tự họ sẽ lại giết họ.

“Mẹo kinh doanh có thể gây ra một không khí sôi động mọi người có tâm lý à nó ăn chênh nhau nhiều thì giá gốc rất là thấp hoặc bán giá rất đúng nhu cầu này nọ có thể gây tâm lý rất sốt nhưng nó có thể gây hại cho chính họ bởi nó gây ra tình trạng đầu cơ hoặc tình trạng người dân e ngại.

Vấn đề là người tiêu dùng nên thận trọng trong tất cả việc khảo giá. Đặc biệt trong việc quảng bá và quảng cáo phải hết sức tỉnh táo tránh rơi vào bẫy thôi miên của các nhà mô giới. Hiện nay cơ hội lựa chọn rất nhiều không dại gì mua trung gian cả. Người dân bây giờ rất tỉnh táo không dại gì đi vay đánh quả như trước đây nữa” – TS. Nguyễn Minh Phong phân tích.

DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet