Top

Chứng khoán còn ngại điều gì?

Cập nhật 12/03/2010 15:15


Nhiều NĐT kỳ vọng VN-Index sẽ tăng đột biến trong tháng 3 này. Ảnh: Hưng Thịnh.
Hai phiên gần đây, thị trường đã có sự tăng trưởng bất ngờ. Dù vẫn còn nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận NĐT do dự, nhưng nếu tháo gỡ được VN-Index có triển vọng đột biến trong tháng 3 này.

Bối rối "chẩn đoán” chính sách

Các giải pháp điều hành giá năm 2010 do một số bộ, ngành đưa ra vừa qua xem ra vẫn trong tình trạng “dò đá qua sông” với những nguyên tắc chung chung như kiểu “theo cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước; phù hợp với mục tiêu và điều kiện kinh tế vĩ mô; tiếp tục, tăng cường...” mà ít thấy có những giải pháp rõ ràng về liều lượng, thời gian có tính mục tiêu xác định.

Có cảm giác một số chính sách đang được ban hành theo kiểu tháo gỡ dần những vướng mắc mà chưa đi trước đón đầu giải quyết tình hình trên cơ sở dự báo chính xác. Tình trạng như vậy có thể khiến thị trường thiếu niềm tin vào sự ổn định lâu dài của chính sách, rủi ro chính sách lớn, làm ảnh hưởng nhiều đến dự báo và quyết định của các NĐT.

Ẩn số tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) đang đối diện với áp lực tăng giá đầu vào và cả chi phí sử dụng vốn. Chỉ số giá tiêu dùng riêng 2 tháng đầu năm tăng 3,35%, tuy được các cơ quan chuyên môn cho là không tăng đột biến so thông lệ cùng kỳ, nhưng rõ ràng đang là một nỗi lo lớn khi các nhóm nguyên - nhiên liệu đầu vào của cả thế giới và Việt Nam đều đang trong xu hướng tăng làm tăng giá đầu ra của dịch vụ-hàng hóa.

Ngay từ cuối năm 2009, nhiều tổ chức đầu tư đã dự báo năm 2010 tỉ suất lợi nhuận DN sẽ giảm so năm 2008, 2009. Dự báo đó nay có nguy cơ thành hiện thực khi mà điện, nước, than, dầu và các nguyên vật liệu nhập khẩu... đều tăng giá, cộng hưởng là lãi suất cho vay tăng của NH. Những yếu tố này khiến chi phí đầu vào của DN đang có đà tăng nhanh hơn đầu ra. Điều chỉnh tỉ giá có thể tác dụng tích cực về lâu dài, nhưng ngay trong quý I/2010 này, nhiều DN sẽ phải trích lập một khoản không nhỏ cho chênh lệch tỉ giá, việc tìm kiếm nguồn thu để bù lỗ khoản chênh lệch tỉ giá này không dễ thực hiện với khá nhiều DN.

"Cởi trói” lãi suất

Khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế của hệ thống NHTM vẫn đang trục trặc vì căn bệnh thanh khoản trầm kha. Các NHTM vẫn đang tìm cách làm thế nào để cho vay với lãi suất cao hơn bởi lãi suất đầu vào của họ thực tế đã vượt lãi suất trần (do phải ngầm thỏa thuận với khách hàng để hút tiền gửi). Tình trạng hiện nay tín dụng chợ đen đang lấp chỗ trống và tín dụng NH bỏ ngỏ.

TTCK vẫn lình sình thì có không ít NĐT đổ tiền cho vay ngắn hạn với lãi suất cao (trên chợ đen) để thu lợi nhuận trong lúc chờ TTCK hồi phục. Do đó, nguồn tiền vào TTCK ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nếu thời gian tới, NHNN không có các giải pháp “cởi trói” cho lãi suất tiền gửi thì các NH cũng khó có vốn để đẩy mạnh cho vay ra. Áp lực về vốn kinh doanh trong bối cảnh nguồn tín dụng NH khó khăn và lãi suất cho vay được dự báo sẽ tăng trên 15%/năm tạo khó khăn lớn cho DN trong bối cảnh cần lực để nắm bắt chu kỳ phục hồi.

DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động