Top

Khan hiếm đất nghĩa địa ở đô thị Trung Quốc

Cập nhật 08/04/2012 10:10

Trong thời giá đất ngất ngưởng, kiếm được một chỗ làm mồ mả cũng trở thành một nỗi chật vật với người dân đô thị Trung Quốc, bởi giá một mảnh đất nghĩa trang có khi bằng tiền mua biệt thự.

Một gia đình Bắc Kinh đến thăm mộ ở nghĩa trang tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: xinhua

Hầu hết người dân Trung Quốc đều muốn có nghĩa địa rộng rãi nhưng đất đai lại đang ngày một trở nên khan hiếm ở những thành phố đông đúc như Bắc Kinh. Sự khan hiếm không những đẩy giá nhà ở tăng vọt mà còn khiến nhiều người phải lận đận ra tận các tỉnh lân cận mua đất làm mồ.

Một mảnh đất rẻ nhất ở nghĩa trang Tonghui, huyện ngoại thành Tongzhou, Bắc Kinh, có giá 32.800 nhân dân tệ, tương đương 5.200 USD, nhưng chỉ rộng chưa đến ba phần tư của một mét vuông. Một mét vuông đất ở nghĩa trang thành phố Bảo Định, gần Bắc Kinh, lại có giá chỉ hơn 10.000 nhân dân tệ, tức gần 1.600 USD.

"Trong những năm gần đây, tôi chứng kiến nhiều người Bắc Kinh đến mua đất ở nghĩa trang chúng tôi, nhưng hầu hết họ là người gốc ở Bảo Định", Feng Yi, quản lý nghĩa trang cho hay.

Ở nhiều thành phố, không có gì là quá ngạc nhiên khi giá đất mộ lên tới 350.000 nhân dân tệ một mét vuông, tương đương 55.000 USD. Một mảnh đất nghĩa trang được thiết kế để chôn cất toàn bộ gia quyến được bán hơn một triệu nhân dân tệ, tức 160.000 USD.

Với việc đất nghĩa địa ngày càng khan hiếm và việc tích trữ đất mộ để đầu cơ, giá cả sẽ còn tiếp tục tăng lên. Vì vậy, nhiều người cho rằng ở Trung Quốc, chung cư là dành cho người giàu và những ngôi mộ cũng là của người giàu nốt.

Bao Yuan, giám đốc Viện Nghiên cứu Tang lễ Huanqiu, cho rằng việc tiêu thụ bất hợp lý và quan điểm phù phiếm là nhân tố đóng vai trò lớn đẩy giá nghĩa địa lên cao ở các thành phố lớn của Trung Quốc.

"Không có gì là ngạc nhiên khi giá nghĩa địa ở Bắc Kinh cao như thế", ông nói. "Các mặt hàng khác như nhà ở tại Bắc Kinh cũng rất đắt đỏ, do nguồn cung thì có hạn mà nhu cầu thì quá lớn".

Jiang Xiaogang, phó chủ Hiệp hội Tang lễ Bắc Kinh, thì cho rằng hầu hết người dân không đủ tiền mua một mảnh đất tốt ở thủ đô nhưng vẫn có một số dịch vụ giá rẻ do chính phủ cung cấp, như hộp đựng tro giá rẻ, hải táng miễn phí. Tuy nhiên, các dịch vụ này không phổ biến trong người dân.

Những ngôi mộ xây theo kiểu biệt thự của các gia đình giàu có ở nghĩa trang tỉnh Giang Tô. Ảnh: chinabuzz

Doanh số bán đất nghĩa trang chỉ là một phần nhỏ trong cả chuỗi lợi nhuận của ngành công nghiệp tang lễ, trong đó có dịch vụ trang trí, cung cấp các đồ dùng tang lễ như hộp đựng tro cốt và vòng hoa.

"Việc thiếu luật và quy định trong công nghiệp tang lễ là nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp này gặt hái được lợi nhuận cao", ông Bao nói.

Theo các báo cáo, một hộp gỗ tiêu chuẩn để đựng tro cốt có giá chưa đến 100 tệ, gần 16 USD, có thể được các nhà tang lễ bán cho hàng nghìn người. Các nhà tang lễ đều do chính phủ quản lý và theo nguyên tắc là không có mục tiêu lợi nhuận. Tuy nhiên, trên thực tế, họ nhận được rất ít hỗ trợ từ chính phủ và buộc phải tăng giá để bù lại chi phí.

"Mọi người nên thay đổi suy nghĩ và từ bỏ quan điểm phù phiếm về chuyện tổ chức tang lễ", ông Bao nói. "Có nhiều cách chôn cất, như hải táng, chôn tro dưới gốc cây. Không nhất thiết phải có bằng được một ngôi mộ lớn".

Tuy nhiên, nhiều người dân lại cho rằng những hình thức mới này khó thực hiện được. Quan điểm truyền thống của người Trung Quốc tin rằng người chết sẽ không thể thanh thản cho đến khi được chôn cất dưới lòng đất.

Theo ông Bao, giải pháp để kiểm soát sự phát triển của ngành công nghiệp tang lễ, trong đó có việc giá tổ chức tang lễ bị đẩy lên quá cao, là thiết lập hệ thống luật pháp điều chỉnh ngành này, dù thực tế là giải pháp này khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress