Mức phí mỗi m2 từ 10.000 đến 70.000 đồng/tháng. Cao hơn cả thuế là không hợp lý và không phù hợp với thực tế thu nhập của người dân.
Theo Quyết định 74 năm 2008 của UBND TP.HCM, tất cả những trường hợp cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng, lề đường đều phải nộp phí. Liên sở Tài chính và Giao thông Vận tải (GTVT) chuẩn bị trình UBND TP đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, lòng, lề đường trên các tuyến giao thông đường bộ của TP. Dự thảo của đề án này đề xuất hai phương án thu phí:
- Tính theo tiền thuê đất trên cơ sở bảng giá đất hàng năm của TP.
- Tính theo mục đích sử dụng vỉa hè, lòng đường, lề đường.
Theo giá đất: Thu không đủ chi
Ở phương án thứ nhất, liên sở Tài chính và GTVT tính theo đơn giá thuê đất ở bình quân (giữa tuyến đường có giá cao nhất và tuyến đường có giá thấp nhất của một quận theo bảng giá đất hàng năm của TP). Phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng, lề đường bằng 60% giá đất ở, nhân với hệ số khu vực mà UBND TP đã quy định về đơn giá thuê đất trên địa bàn TP.
Do giá đất ở khu vực ngoại thành và nội thành khác nhau nên mức phí cũng được chia làm ba nhóm khác nhau. Nhóm một bao gồm các quận khu trung tâm: 1, 3, 4, 5, 10, 11 và Phú Nhuận. Sau khi tính toán, mức phí sử dụng tạm vỉa hè của nhóm 1 có giá 20.622 đồng/m2/tháng. Nhóm hai là các quận vùng ven 6, 7, 8, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú, Bình Thạnh với mức phí 5.662 đồng/m2/tháng. Các quận, huyện ngoại thành thuộc nhóm ba: 2, 9, Bình Tân, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ có mức phí sử dụng tạm vỉa hè là 1.840 đồng/m2/tháng.
Cách tính này được nhiều đơn vị ủng hộ do có căn cứ rõ ràng. Tuy nhiên, theo nhận định của liên sở Tài chính và GTVT, phương án này phí thu được rất ít, không đủ bù đắp chi phí cần thiết cho việc cấp giấy phép và việc kiểm tra quá trình quản lý sử dụng sau khi cấp phép. Nhiều quận, huyện cũng cho rằng nếu tính phí theo phương án này phải phụ thuộc vào bảng giá đất hàng năm. Như vậy, mỗi năm phải thay đổi mức phí một lần. Hơn nữa, giá đất ở mỗi tuyến đường khác nhau sẽ cho ra nhiều mức phí khác nhau dễ gây rối rắm khi thực hiện.
Theo doanh thu: Phí sẽ cao
Đối với phương án thứ hai, đề án chia làm sáu trường hợp cụ thể. Trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán thì sẽ bằng 25% mức thu phí chợ đối với người buôn bán cố định của các loại chợ. Mức phí trên các tuyến đường của quận, huyện được chia thành ba nhóm (bảng) lần lược có mức phí: 50.000 đồng, 35.000 đồng và 25.000 đồng/m2/tháng. Riêng huyện Cần Giờ mức phí là 10.000 đồng/m2/tháng. Việc phân loại các tuyến đường chính và các tuyến đường được phép sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường sẽ do UBND TP phê duyệt theo đề xuất của Sở GTVT.
Trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường để giữ xe, đậu xe công cộng có thu phí sẽ tính theo doanh thu. Cụ thể mức phí đề xuất cũng chia thành ba loại theo từng nhóm vị trí tuyến đường: 70.000 đồng/m2/tháng (15% doanh thu trông giữ xe), 50.000 đồng/m2/tháng (10% doanh thu), 20.000 đồng/m2/tháng (5% doanh thu). Đối với xe gắn máy, cũng có ba mức: 60.00 đồng/m2/tháng (20% doanh thu), 45.000 đồng/m2/tháng (15% doanh thu) và 30.000 đồng/m2/tháng (10% doanh thu). Riêng huyện Cần giờ thu 20.000 đồng/m2/tháng.
Đối với xe tự quản phục vụ kinh doanh trong nhà, mức phí bằng 50% mức thu đối với trường hợp sủ dụng vỉa hè, lòng, lề đường để giữ, đậu xe có thu phí. Việc sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường để thi công, xây dựng, lắp đặt, sửa chữa công trình, trung chuyển vật liệu xây dựng cũng được áp dụng bằng mức phí để xe tự quản các hộ kinh doanh trong nhà. Còn để xe tự quản cho sinh hoạt gia đình và sử dụng vào các hoạt động xã hội, tang lễ, tiệc cưới thì không thu phí.
Những trường hợp sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường để cắm biển quảng cáo mức phí sử dụng tạm vỉa hè sẽ bằng 50% phí cấp phép quảng cáo. Cụ thể mức phí đề xuất tùy loại mà dao động từ 25.000 đồng đến 200.000 đồng/giấy phép quảng cáo.
Chưa có cơ sở rõ ràng
Phương án hai được đa số các đơn vị đồng tình và cũng được liên sở Tài chính và GTVT đề xuất chọn để chuẩn bị trình UBND TP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn cách tính toàn chỉ có thể ước tính và thiếu cơ sở rõ ràng nên khó có thể đưa ra con số chính xác. Hơn nữa, việc phân loại nhóm các tuyến đường của các quận cũng khó xác định. Điều đáng chú ý là mức phí theo phương án này quá cao, người dân không chịu đóng dẫn đến khả năng thất thu.
Nhiều quận, huyện cho rằng mức phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng, lề đường để kinh doanh, mua bán quá cao. Nếu một quán cà phê cóc ở quận 10 sử dụng 20 m2 vỉa hè thì mỗi tháng họ phải đóng một triệu đồng tiền thuê vỉa hè. Như vậy, phí còn cao hơn cả thuế là không hợp lý và không phù hợp với thực tế thu nhập của người dân. Một số quận, huyện cũng tỏ ra e ngại mức phí sử dụng vỉa hè, lòng, lề đường để giữ xe, đậu xe công cộng có thu phí như đề xuất là cao. Như vậy dễ dẫn đến tình trạng các bãi giữ xe sẽ đẩy giá giữ xe lên cao.
Trước những băn khoăn này, có ý kiến cho rằng có thể áp dụng linh động cả hai phương án. Đối với những trường hợp để xe cố định có thể áp dụng phương án một, thu theo giá thuê đất ở. Còn những trường hợp để xe cơ động, áp dụng phương án hai tính theo doanh thu giống như hiện nay quận 1, 3 và 5 đang thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, nếu áp dụng như vậy sẽ cần một lực lượng khá đông để thực hiện.
Hiện Sở Tài chính và Sở GTVT đã hoàn thành việc góp ý cho dự thảo này và đang hoàn chỉnh để chuẩn bị trình UBND TP.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP