Kính chào Café Luật!
Tôi muốn trình bày một vấn đề là:
Tôi hiện sống ở Đức chỉ có quốc tịch Đức. Vợ tôi sống ở Đức nhưng có Quốc tịch Việt nam và có hộ khẩu ở đây.
Mẹ tôi, các em tôi và cháu tôi cho tôi 3 mảnh đất ở Việt nam, giấy tờ đầy đủ, nhưng chưa có sổ đỏ.
Một mảnh đứng tên cháu tôi. Một mảnh đứng tên bố tôi (bố tôi đã chết nhưng không để lại di chúc) Mảnh thứ ba đứng tên bố và mẹ tôi.
Sắp tới tôi sẽ về nhận tài sản một mình
Tôi muốn hỏi là:
1. Khi làm giấy tờ sang tên thì tôi cần phải mang về giấy tờ gì và có cần sứ quán Việt nam xác nhận không?
2. Hình thức chuyển sở hữu nào là tốt nhất cho tôi?
3. Người nhà tôi trong nước cần giấy tờ gì?
Rất mong nhận được sự tư vấn tận tình từ luật sư!
Tôi xin chân thành cảm ơn !
Kính gửi Quý bạn đọc
Café Luật – Chuyên mục hợp tác giữa Cổng thông tin và giao dịch DiaOcOnline.vn và Công ty luật hợp danh Thiên Thanh xin gửi đến bạn lời chào trân trọng. Theo nội dung thư bạn gửi; Căn cứ vào những quy định của pháp luật hiện hành Café Luật xin phúc đáp đến bạn như sau:
Đối với vấn đề của bạn tôi xin được tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất: Bố bạn mất không để lại di chúc, do đó thửa đất thuộc quyền sử dụng của bố bạn sẽ được chia cho các thừa kế theo pháp luật theo Điều 676 Bộ luật Dân sự:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định trên, bạn sẽ được hưởng phần di sản là quyền sử dụng đất do bố bạn để lại. Tất cả những người được hưởng phải làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế để nhận phần di sản mà mình được hưởng theo quy định của pháp luật; sau đó mới có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó.
Thứ hai:
Để được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài phải thuộc đối tượng được mua, thừa kế, tặng cho và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, những điều kiện cần bao gồm:
1. Cá nhân người nước ngoài phải có hộ chiếu hoặc các giấy tờ có giá trị thay thế hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp kèm theo một trong các giấy tờ sau:
a) Trường hợp là người vào đầu tư trực tiếp tại Việt Nam thì phải có tên trong giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy tờ tương ứng còn thời hạn từ 01 năm trở lên hoặc có giấy chứng minh là thành viên HĐQT, hội đồng quản trị của doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam.
b) Trường hợp là người được các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuê giữ các chức danh quản lý thì phải có hợp đồng thuê giữ chức danh quản lý hoặc có quyết định được bổ nhiệm được lập bằng tiếng Việt. Đối với những người có công với đất nước thì phải có huân chương hoặc huy chương của Chủ tịch nước CHXHCN VN trao tặng; người có đóng góp đặc biệt cho đất nước thì phải có giấy xác nhận của cơ quan cấp bộ phụ trách lĩnh vực có đóng góp, và gửi tới các bộ có lien quan xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản cho phép.
c) Người vào Việt nam làm việctrong lĩnh vực kinh tế, khoa học, công nghệ, môi trường, giáo dục-đào tạo… thì phải có văn bằng chứng minh có trình độ kỹ sư, cử nhân trở lên do cơ quan có thẩm quyền của Việt nam hoặc của nước ngoài cấp, kèm theo giấy phép lao động hoặc giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
d) Đối với người nước ngoài có kỹ năng đặc biệt thì phải có giấy tờ xác nhận về chuyên môn, kỹ năng của hiệp hội, hội nghề nghiệp Việt Nam…kèm theo giấy phép hành nghề chuyên môn tại Việt Nam hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.
e) Người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam phải có giấy tờ chứng nhận kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài cấp, kèm theo hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ khẩu thường trú và chứng minh nhân dân của vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam.
Các đối tượng trên phải có thẻ thường trú hoặc thẻ tạm trú hoặc giấy tờ chứng nhận được phép cư trú tại Việt Nam từ 12 tháng trở lên, do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an cấp và không thuộc đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao, lãnh sự.
2. Nhà ở mà cá nhân, doanh nghiệp trên được mua, sở hữu là căn hộ chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.
Hồ sơ và thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt nam:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở bằng tiếng Việt và Tiếng Anh theo mẫu quy định.
2. Giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở của bên bán
a) Đối với trường hợp mua căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (bao gồm cả trường hợp mua căn hộ hình thành trong tương lai và mua căn hộ có sẵn)
• Quyết định phê duyệt dự án phát triển nhà ở thương mại của cơ quan có thẩm quyền.
• Hợp đồng thuê đất hoặc quyết định giao đất hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền cấp cho doanh nghiệp.
• Bản vẽ sơ đồ mặt bằng căn hộ mua bán.
• Biên bản bàn giao căn hộ kèm theo bản quy định về quản lý sử dụng chung cư do doanh nghiệp bán nhà ban hành (áp dụng đối với trường hợp mua căn hộ có sẵn)
b) Đối với trường hợp mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho căn hộ chung cư trong dự án phát triển nhà ở thương mại của cá nhân (căn hộ có sẵn)
• Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cấp theo quy định của Luật nhà ở và Nghị định số 60/CP ngày 05/7/1994 về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại đô thị hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo Nghị định số 95/2005/NĐ-CP ngày 15/7/2005 về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu công trình xây dựng.
• Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi nhận nhà ở trên đất được cấp theo quy định của Luật đất đai 2003
3. Bản chính Hợp đồng mua bán, tặng cho nhà ở hoặc giấy tờ về thừa kế nhà ở theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Bản sao có chứng thực hộ chiếu nước ngoài và một trong các giấy tờ quy định tại các điểm a, b, c, d, e
5. Giấy tờ xác nhận của sàn giao dịch bất động sản về căn hộ đã được giao dịch qua sàn theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản, nếu mua căn hộ của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
6. Biên lai nộp thuế, lệ phí trước bạ theo quy định của pháp luật.
Đối chiếu với những quy định trên, bạn có thể biết rõ mình có đủ điều kiện để sở hữu nhà ở tại Việt Nam hay không.
Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email cafeluat@diaoconline.vn hoặc qua Tổng đài tư vấn 19006665
* Bạn đọc vui lòng gửi nội dung được ghi bằng tiếng Việt có dấu.
Trân trọng.
Chuyên mục Café Luật
DiaOcOnline.vn mong muốn trở thành cầu nối cho bạn đọc với các chuyên gia trong từng lĩnh vực địa ốc. Hiện nay, qua DiaOcOnline.vn, bạn có thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, pháp lý nhà đất, phong thủy nhà đất.
Nếu có nhu cầu được tư vấn về kiến trúc, pháp lý, phong thủy trong lĩnh vực nhà đất, bạn hãy click ngay vào đây để tìm hiểu về nhà tư vấn và gửi câu hỏi. Chúng tôi sẽ liên hệ với chuyên gia và đưa ra câu trả lời cho bạn trong thời gian sớm nhất.
DiaOcOnline.vn