Các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời vào EU. |
Ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam dường như đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất, khi tình hình xuất khẩu trong mấy tháng gần đây đã khả quan hơn hẳn so với hồi đầu năm.
Trong các tháng cuối năm nhập khẩu đồ nội thất của các thị trường lớn đang tăng mạnh, mở ra nhiều triển vọng xuất khẩu gỗ sẽ đạt kế hoạch đề ra.
Các thị trường lớn tăng mạnh
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gỗ trong 8 tháng qua đạt 1,55 tỉ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong 4 tháng còn lại, xuất khẩu gỗ dự kiến sẽ mang về 1,14 tỉ USD, đưa kim ngạch cả năm lên mức 2,69 tỉ USD, chỉ sụt giảm khoảng 5% so với năm ngoái.
Việc kim ngạch xuất khẩu liên tục sụt giảm vì suy thoái kinh tế cũng là một áp lực để các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm cơ hội mở ra thêm thị trường tiêu thụ. Nhờ vậy, từ đầu tháng 6 trở lại đây, xuất khẩu gỗ trong nước đã hồi phục dần và trong 3 tháng gần đây đều tăng liên tiếp, tháng sau cao hơn tháng trước.
Theo Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (Hawa), những tháng còn lại của năm nay nhập khẩu đồ nội thất của các thị trường lớn sẽ tăng trở lại, dù không bằng như năm ngoái.
Dù kinh tế Mỹ hiện vẫn còn khó khăn nhưng đây vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu về gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Sau khi sụt giảm khá mạnh ngay từ tháng đầu năm, đến tháng 6 kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ đã bằng so với kim ngạch cùng kỳ năm 2008. Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ từ đầu năm đến nay đạt 566 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ 2008. Đây là một tín hiệu cho thấy nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này bắt đầu tăng. Với tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm không thể xấu thêm thì nhập khẩu đồ nội thất của Mỹ cũng sẽ có tiến triển tốt hơn.
Theo Phó chủ tịch Hawa, trong tình hình hiện nay, xuất khẩu đồ gỗ vào các thị trường lớn như Mỹ bằng mức các năm trước cũng là điều đáng mừng.
Sau Mỹ, thị trường nhập khẩu đồ gỗ Việt Nam lớn thứ hai là EU có mức sụt giảm lớn nhất trong các tháng đầu năm (giảm 34% so cùng kỳ), đạt 283 triệu USD. Tuy nhiên, thị trường này cũng đang có tín hiệu hồi phục, thể hiện qua việc xuất khẩu sang Anh - được xem là thị trường lớn nhất trong khối EU - trong hai tháng qua đã tăng trở lại.
Chủ tịch Công ty Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cho biết các doanh nghiệp gỗ Việt Nam có thế mạnh về xuất đồ gỗ ngoài trời vào EU. Mùa xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời bắt đầu từ tháng 10 năm trước tới tháng 3 năm sau, nghĩa là những tháng cuối năm, kim ngạch xuất đồ gỗ vào EU có thể tăng trở lại ở nhóm hàng này.
Trong khi đó, Nhật Bản, thị trường lớn thứ 3 của ngành gỗ Việt Nam, vẫn được đánh giá có mức tăng trưởng bền vững từ đầu năm tới nay.
Ngoài ba thị trường lớn nói trên (chiếm gần 70% kim ngạch xuất khẩu gỗ Việt Nam), các thị trường nhỏ, thị trường mới còn lại vẫn có những tăng trưởng đáng kể như Hongkong tăng 17%, Mexico tăng 121%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 2%...
Cho tới nay, với người tiêu dùng thế giới thì hàng gỗ Việt Nam vẫn đi vào phân khúc thị trường giá trung bình và đây là lợi thế của Việt Nam là phù hợp túi tiền của người tiêu dùng thế giới vốn đang dè sẻn trong chi tiêu do khó khăn. Trong bối cảnh khó khăn kinh tế, các nhà sản xuất đồ gỗ Việt Nam đang nghĩ cách sản xuất sao cho sản phẩm sử dụng lâu hơn nhưng giá, chất lượng vẫn giữ nguyên. Kế tiếp là việc đưa ra các sản phẩm khác biệt như làm hàng đồ gỗ kết hợp với kim loại để phong phú mẫu mã, kết hợp mây tre lá vốn là thế mạnh của thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Những sản phẩm loại này, vừa độc đáo, vừa có tính cạnh tranh cao và dễ đi vào thị trường “ngách”.
Theo Bộ Công Thương, trong dự báo về xuất khẩu gỗ 4 tháng cuối năm, cho rằng việc thay đổi xu hướng tiêu dùng của thị trường đồ gỗ thế giới từ đồ nội thất cao cấp sang hạng trung bình là cơ hội đối với ngành gỗ Việt Nam, vốn có lợi thế trong phân khúc thị phần này. Hiêp hội chế biến gỗ còn cho biết, mặc dù tăng trưởng nhanh, nhưng đến nay, thị phần đồ nội thất của Việt Nam trên thị trường thế giới mới chỉ đạt tỷ lệ 1%. Đây là một tỷ lệ rất khiêm tốn so với tiềm năng phát triển của ngành. Việc thay đổi xu hướng tiêu dùng của các thị trường từ đồ nội thất cao cấp sang đồ nội thất hạng trung là một cơ hội đối với xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam. Do đó, về dài hạn, tiềm năng phát triển của ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ là rất lớn.
Nhu cầu lớn về nguồn nhân lực
Theo lời ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM vài năm gần đây, ngành này tăng trưởng nóng và khá nhiều doanh nghiệp trong ngành hiện đang đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kèm theo đó là nhu cầu lớn về nguồn lao động. Theo ước tính của ông Mạnh, với con số khoảng 2.000 đơn vị chế biến gỗ trong cả nước, hiện nhu cầu tuyển dụng lao động gần 30.000 người.
Bản thân công ty Sadaco, do ông Mạnh làm tổng giám đốc, hiện đang cần thêm 100 lao động có tay nghề. Thế nhưng, theo ông, do ngành gỗ thiếu một chiến lược đào tạo, cung cấp thợ cho ngành nên hiện đã không đáp ứng được khi nhu cầu của doanh nghiệp tăng nhanh. Giữa các doanh nghiệp trong ngành đang phải cạnh tranh giành thợ lẫn nhau.
Ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc Công ty chế biến, xuất khẩu gỗ Trường Thành, cho biết, gần đây, đơn hàng từ các thị trường Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Đông bắt đầu hồi phục. “Hiện số đơn hàng doanh nghiệp đạt được tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp chúng tôi có thể nuôi được khoảng 6.000 lao động và duy trì được thị trường”.
Theo ông Thành, từ đầu tháng 6, toàn bộ các nhà máy trực thuộc công ty có nhu cầu tuyển thêm khoảng 1.000 lao động, song đến nay mới chỉ tuyển được 300 người. “Chúng tôi đã chi khoảng 50 triệu đồng để huy động các kênh tuyển dụng, bao gồm cả việc phối hợp với công ty cung ứng lao động tại các địa phương nhưng vẫn không đạt hiệu quả cao”. Ông lý giải: “Nguyên nhân là do công nhân mất việc từ năm ngoái đến nay đã bỏ về quê. Phần lớn đã tìm được việc làm tại địa phương hoặc bám ruộng đồng, chờ qua cơn khó khăn”.
Còn anh Nguyễn Minh Hoàng, chủ cơ sở mộc Minh Hoàng ở xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom- Đồng Nai) cho biết, cơ sở của anh chuyên làm gia công sản phẩm mộc cho một công ty xuất khẩu đồ gỗ ở TP.Hồ Chí Minh nhưng đã phải tạm ngưng hoạt động từ tháng 2 đến giữa tháng 7-2009 do không có đơn hàng. Giữa tháng 7, khi được công ty này thông báo có hàng sản xuất, anh Hoàng đã huy động trầy trật mới được hơn 30 công nhân, bằng một nửa số công nhân trước đây.
"Vì không có việc làm, hầu hết công nhân ở đây đã trở về quê. Mặc dù các em có gửi lại địa chỉ liên lạc khi có đơn hàng nhưng do thời gian ngưng sản xuất quá lâu nên bây giờ mọi người cũng đang có việc làm mới, không thể quay trở lại" - anh Hoàng tâm sự.
Cũng ở xã Hố Nai 3, doanh nghiệp tư nhân Kiến Phúc chuyên làm hàng mộc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, nhiều tháng gần đây phải vất vả trong việc tuyển lao động. Hiện doanh nghiệp này đang thiếu khoảng 100 lao động nhưng tìm kiếm mỏi mắt vẫn không ra. Để giữ chân người lao động, doanh nghiệp đã phải xây cả phòng trọ cho công nhân ở miễn phí.
Chủ doanh nghiệp Trần Văn Thành cho hay, để có đủ lao động, doanh nghiệp phải nhận cả những người bị khuyết tật vào làm. Ông Thành nói: "Làm hàng mộc gia dụng cũng có công đoạn mà người khuyết tật có thể tham gia, nên tôi cố gắng sắp xếp, tạo điều kiện cho đối tượng này có việc làm và doanh nghiệp có được nguồn lao động. Quả thực, việc tuyển dụng lao động, nhất là lao động hàng mộc có tay nghề hiện nay rất khó".
Theo anh Nguyễn Minh Tâm, Phó giám đốc Công ty cổ phần chế biến hàng xuất khẩu (Depco), đây là thời điểm rất khó khăn cho các doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động. Doanh nghiệp vừa chớm phục hồi, đơn hàng tuy có nhưng giá sản phẩm lại bị các đối tác siết chặt nên lãi không cao, thậm chí hòa vốn. Các khoản tiền doanh nghiệp phải đóng cho người lao động hiện nay cũng nhiều hơn so với trước đây, như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Chính vì những lý do đó mà doanh nghiệp khó tăng được lương cao để thu hút lao động. Ngoài ra, việc hụt lao động còn một nguyên nhân nữa, đó là công nhân về quê làm việc không trở lại nữa.
Hiện nay, hầu hết những người trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu đều có chung nhận định là sẽ gặp khá nhiều khó khăn về lao động trong thời gian tới khi bước vào mùa sản xuất (bắt đầu từ tháng 11 năm nay tới tháng 4 sang năm).
Theo đánh giá của Hiệp hội chế biến lâm sản tỉnh Đồng Nai, vào thời điểm mùa làm hàng mộc xuất khẩu thì cũng trùng vào mùa sản xuất của các ngành hàng khác, như: gốm, mây tre đan, sản xuất giày da, túi xách v.v... vì vậy, lao động lại càng trở lên khan hiếm.
DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN/Vietnam+