Cung vượt xa cầu, song nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào sản xuất thép, bất chấp các khuyến cáo của các cơ quan quản lý.
"Năm 2009 công suất cán thép sẽ được bổ sung thêm 2,2 triệu tấn, nâng tổng công suất hiện có lên trên 7 triệu tấn thép xây dựng. So với mức tiêu thụ thép xây dựng là khoảng 4 triệu tấn thì nguy cơ thừa thép đã rất hiển hiện. Thế nhưng, nhiều nhà đầu tư vẫn lao vào làm thép, bỏ ngoài tai các khuyến nghị về tình trạng dư thừa của thị trường. Điều này sẽ gây ra những lãng phí lớn cho nền kinh tế, nên các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc để kiểm soát, dù đó là tiền của tư nhân hay nước ngoài". Đó là đề nghị của ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) với Bộ Công thương trong cuộc làm việc liên quan đến kế hoạch năm 2010 của ngành thép mới đây.
Có một thực tế hiện nay là, cho dù Bộ Công thương đã có những khuyến cáo về tình hình cung vượt cầu lớn trong đầu tư vào ngành thép thì vẫn rất khó để các địa phương nghe theo khi cấp phép cho các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực này. Có những địa phương liền kề Hà Nội, tới giờ này vẫn tiếp tục cho đầu tư vào cán thép, dù Chính phủ đã có văn bản nhắc nhở không cấp phép cho các dự án làm thép loại thông thường.
Còn nhà đầu tư, "cậy" mình có tiền nên cũng bỏ ngoài tai các đánh giá về thị trường của cơ quan chức năng ,về việc cung đã vượt xa cầu để lao vào đầu tư. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào ngành thép bắt đầu đối mặt với tình trạng dư thừa công suất và không tìm được thị trường tiêu thụ.
Với mức tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn thép cán tại thị trường trong nước năm nay và tốc độ tăng trưởng cho các năm tiếp theo dù "xênh xang" lên 20%/năm thì với mức công suất 7 triệu tấn thép hiện có, nếu chỉ trông chờ vào thị trường trong nước là khó phát huy được hết năng lực. Trong khi đó thị trường xuất khẩu lại không dễ dàng.
Năm nay, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNS) có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 55 triệu USD từ thép, nhưng ông Đậu Văn Hùng, Tổng giám đốc VNS cho biết, tình hình rất khốc liệt. "Thị trường lớn nhất của VNS là Campuchia, nhưng đây cũng là thị trường rất cạnh tranh, bởi đang có nhiều doanh nghiệp nước ngoài xuất hàng vào đây. Thép của các doanh nghiệp thuộc VNS xuất sang Campuchia phải chấp nhận bán với giá xấp xỉ giá thành và chỉ mong hòa vốn để giữ thị phần.
Còn việc xuất khẩu thép cán nguội sang thị trường Hoa Kỳ dù đã thực hiện từ 2 năm, nhưng vẫn chỉ là thăm dò. Ở một số thị trường lân cận, thép của VNS cũng vào được, nhưng vẫn thăm dò là chính", ông Hùng nói.
Ông Cường cũng thừa nhận, chỉ VNS là xuất khẩu tốt, còn toàn VSA thì không khả quan, bởi với tình trạng dư thừa sản xuất thép trên thế giới hiện nay, thì các cường quốc về thép cũng còn đang bí đầu ra. "Năm 2008, các doanh nghiệp Việt Nam có được kim ngạch xuất khẩu thép khá vì nhờ tái xuất các lô hàng đã nhập khẩu trước đó. Còn phần tự sản xuất trong nước để xuất khẩu thì rất thấp và không đáng kể", ông Cường nói.
Tuy nhiên, tìm đường xuất khẩu vẫn chưa được các doanh nghiệp thép trong nước thực sự quan tâm, bởi tình hình chưa phải là "kịch bản xấu nhất". Từ chỗ bi quan về thị trường tiêu thụ hồi đầu năm do những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, 8 tháng vừa qua, ngành thép đã phát triển rất khả quan, tăng trưởng ở hầu hết các mặt hàng thép trong nước sản xuất, nhiều nhất là thép xây dựng.
Nếu như trong kịch bản ban đầu, ngành thép năm nay chỉ trông chờ mức tăng trưởng 5% thì thực tế hiện nay sản xuất toàn ngành tăng 15-16%, còn tiêu thụ tăng tới 20%. "Một số đơn vị có khó khăn từng lúc, thậm chí tưởng chừng như phá sản, nhưng cuối cùng lại qua được khủng hoảng và chưa có một đơn vị nào phải đóng cửa sản xuất. Nhiều dự án tưởng phải ngừng giữa chừng thì với sự tăng trưởng của thị trường hiện nay lại tiếp tục được đầu tư", ông Cường cho hay.
Thực tế này cũng cho thấy, các biện pháp kích cầu của Chính phủ thời gian qua như hỗ trợ các chương trình nhà ở xã hội, kích cầu tiêu dùng đã phát huy tác dụng, giúp doanh nghiệp thép vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Tuy nhiên, "thừa thép" vẫn là thực tế khi có thêm hàng loạt nhà máy trong ngành thép đi vào hoạt động, nhất là các nhà máy thép quy mô lớn của các doanh nghiệp nước ngoài.
"Chỉ cần có thêm 1 dự án quy mô tỷ đô la đi vào hoạt động là rất nhiều thông số thay đổi và đảo lộn hoàn toàn, rất khó dự báo được tình hình", ông Cường cho biết. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, giờ không còn lo thiếu thép mà lo thừa thép, nhất là khi dự án 1,2 triệu tấn của Tập đoàn Posco đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu bắt đầu hoạt động vào tháng 10 tới.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư