Cát không chỉ được sử dụng trong ngành xây dựng, mà có mặt trong rất nhiều ngành, nghề khác nhau. Vì vậy, việc giá cát nhảy múa do thiếu cung không chỉ kiến các nhà thầu xây dựng đau đầu, mà còn nhiều ngành khác, nhất là kính xây dựng đứng ngồi không yên.
Vật liệu phổ biến nhất
Cát được coi là vật liệu phổ biến nhất trong tự nhiên. Cát và sỏi là hai loại vật liệu được khai thác nhiều nhất trên trái đất, chiếm tới 85% tổng khối lượng các loại tài nguyên khai thác từ lòng đất mỗi năm. Cát được sử dụng trong nhiều ngành nghề, sản phẩm như xây dựng, mỹ phẩm, kem đánh răng, pin điện tử… Trong đó, xây dựng (bất động sản, giao thông) là ngành sử dụng nhiều cát nhất.
Theo ước tính, ngành công nghiệp khai thác cát trên toàn thế giới có giá trị 70 tỷ USD, trong đó châu Á là khu vực sử dụng cát nhiều nhất. Trong tổng số 13,7 tỷ tấn cát được khai thác trên toàn thế giới năm 2016, châu Á tiêu thụ đến 70%, trong đó Trung Quốc là quốc gia đứng đầu. Lượng cát Trung Quốc sử dụng trong 4 năm qua nhiều hơn lượng cát cả nước Mỹ dùng trong thế kỷ 20.
Theo Liên Hiệp quốc, số lượng siêu đô thị tăng chóng mặt và tốc độ khai thác đang cao hơn tốc độ cát được sinh ra trong tự nhiên sẽ khiến cát ngày càng khan hiếm.
Tại Việt Nam, số liệu điều tra cho thấy, trữ lượng cát hiện nay khoảng hơn 2 tỷ m3, công suất khai thác năm 2015 khoảng 50 - 60 triệu m3, đến năm 2020 khoảng 130 triệu m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát từ năm 2016 - 2020 cần 2,1 - 2,3 tỷ m3 cát.
Theo ông ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, với mức độ sử dụng như hiện tại, đến năm 2020 sẽ không còn cát để phục vụ cho công trình xây dựng.
Công trình trì trệ, ngành kính lo lắng
Thời gian qua, thiếu cung đã dẫn đến việc giá cát nhảy múa và khiến nhiều công trình giao thông lớn như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (Tiền Giang), Quốc lộ 60 (Bến Tre), tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (Kiên Giang) bị đình trệ. Một số dự án đầu tư công khác cũng chậm giải ngân vốn do thiếu cát.
“Có không ít dự án lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù các khâu chuẩn bị đã xong hết, nhưng không thể ký kết hợp đồng với nhà thầu vì không có cát xây dựng, giá cát tăng cao, dẫn đến việc giải ngân nguồn vốn bị chậm trễ”, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.
Thiếu cát không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng, bất động sản, mà cả với ngành sản xuất kính xây dựng, bởi cát cũng là nguyên liệu đầu vào chính của ngành sản xuất kính xây dựng.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kính và thủy tinh Việt Nam(Vietglass) cho biết: “Nếu thiếu cát nguyên liệu xảy ra, ngành sản xuất kính sẽ gặp khó khăn rất lớn. Cát là nguyên liệu chính để làm kính và chưa có được sản phẩm thay thế. Trường hợp hết cát, các nhà máy kính sẽ phải dừng sản xuất dẫn đến khan hiếm nguồn cung”.
Năm 2016, chỉ 1 trong 4 nhà máy sản xuất kính xây dựng dừng sản xuất để bảo dưỡng mà giá kính có thời điểm đã tăng đến 1,5 lần. Do vậy, nếu thiếu nguyên liệu sản xuất mà các nhà máy kinh phải dừng sản xuất, không chỉ thị trường sẽ bị xáo trộn mạnh, mà thiệt hại với các nhà máy sản xuất kính phải dừng sản xuất cũng rất lớn (đặc thù của nhà máy sản xuất kính là phải sản xuất liên tục trong khoảng 10 năm, nếu dừng thì chi phí khắc phục sẽ rất tốn kém, gần bằng việc xây dựng lại nhà máy mới).
Trước mối lo thiếu cát nguyên liệu, vấn đề về vật liệu thay thế đang được nghiên cứu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trước tiên, việc sử dụng cát cần phải được tiết kiệm, đặc biệt trong khâu san lấp mặt bằng (cát san lấp chiếm 70 - 80% sản lượng cát), các chủ đầu tư cần thay thế bằng vật liệu khác để có “của để dành” cho tương lai.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản