Top

Qua “cơn sốt”, bất động sản khu Tây TP. HCM vẫn giữ giá

Cập nhật 24/08/2017 15:49

Cuối tháng 5/2017, việc chính quyền TP. HCM công bố thông tin các huyện tại khu Tây, Tây Bắc như Bình Chánh, Hóc Môn chưa đủ điều kiện lên quận và một số “siêu dự án” tại huyện Củ Chi chưa chính thức được thông qua đã trở thành liều thuốc hạ nhiệt làm dịu hẳn “cơn sốt” nhà đất, vốn bắt đầu âm ỉ từ cuối năm 2016 và bùng phát mạnh mẽ vào tháng 4/2017 tại khu vực này.


Nhờ sự đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, bất động sản khu Tây TP. HCM đã có những chuyển biến tích cực

Xác lập mặt bằng giá mới

Trở lại khu vực này vào những ngày đầu tháng 8, khác với không khí nhộn nhịp ra vào mua đất, mua nhà vài tháng trước đây, bầu không khí hiện tại trầm lắng hơn, giá nhà đất đã chững lại và lượng giao dịch giảm rõ nét. Nếu thời điểm “nóng sốt”, cầu có phần áp đảo cung, thì khi thị trường “hạ nhiệt”, cung lại nhiều hơn cầu, phần lớn đến từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ ôm mộng “lướt sóng”.

Ông Kha, một cò đất lâu năm tại Vĩnh Lộc B, Bình Chánh cho hay: “Đất nền nông nghiệp tại đây đã rơi từ đỉnh 8 triệu/m2 xuống còn 6 triệu/m2, giá đất thổ cư cũng giảm khoảng 10% nhưng giao dịch rất ít, có chăng chỉ là nhà xây sẵn giao dịch bằng giấy tay, còn đất thì hầu như không ai hỏi tới. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá đất nền nông nghiệp vẫn cao hơn 20% - 25%, đất thổ cư khoảng hơn 50%”.

Trong khi đó, tại huyện Củ Chi, cách đây vài tháng, khi có thông tin về “siêu dự án” New City do Tập đoàn Tuần Châu đầu tư, dù mới được phác thảo nhưng giới cò đất đã “tung hỏa mù” làm giá đất bị đẩy lên vùn vụt. Qua nhiều lần giao dịch, giá tăng thêm 15% - 20%, thậm chí có thời điểm lên đến 50%. Hiện tại, “cơn sốt” đã qua, giá đất bắt đầu tụt dốc và khiến không ít người lao đao khi chính quyền Thành phố công bố dự án chưa được thông qua.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, đất lô nông nghiệp hiện có giá từ 2 - 2,5 triệu đồng/m2, giảm 500.000 - 1triệu đồng/m2 so với mức đỉnh, nhưng vẫn cao hơn 25 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường nhà đất tại đây khá vắng vẻ, lượt mua ít trong khi lượng rao bán nhiều.

Quận 12 và Hóc Môn cũng là 2 trong số những điểm nóng trong “cơn sốt” vừa qua. Tại quận 12, nhà đất ở các đường Thạnh Lộc, Hà Huy Giáp, Vườn Lài… từng giao dịch ở mức đỉnh 20 - 35 triệu đồng/m2 vào tháng 4/2017, tăng 50% so với cuối năm 2016. Hiện tại, giá đất đã giảm nhẹ 5 - 10%.

Trong khi đó, tại huyện Hóc Môn, giá đất ở các đường Trần Văn Mười, Song Hành, Bà Triệu... dao động từ 17 - 18 triệu đồng/m2, đường Lê Thị Hà từ 40 - 45 triệu đồng /m2, tăng khoảng 30 - 50% so với năm ngoái. Tuy đã qua thời “nóng sốt” nhưng giá nhà đất nơi đây vẫn không biến động nhiều, chỉ giảm khoảng 5% so với mức đỉnh.

Tiềm năng được đánh thức

Một điều dễ nhận thấy là trong cơn sốt của thị trường bất động sản vừa qua, cơ sở hạ tầng khu vực này đã chú trọng đầu tư một cách đồng bộ hơn. Đây là một trong những yếu tố sẽ giúp thị trường địa ốc phát triển trong thời gian tới.

Đầu tiên, bài toán về hạ tầng giao thông dần được hóa giải với các tuyến đường liên tỉnh như Trần Văn Giàu, cao tốc TP. HCM - Trung Lương, dự án cầu vượt ngã 4 Gò Mây trên quốc lộ 1A… và một số dự án đang được triển khai: Nút giao thông hầm chui An Sương (quận 12), dự án nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 9 (huyện Củ Chi)... Sự đầu tư này không chỉ góp phần chỉnh trang đô thị mà còn tạo điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Song song với hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật phục vụ đời sống của người dân cũng được nâng cấp. Hàng loạt các công trình tiện ích hình thành như Bệnh viện đa khoa Xuyên Á, hệ thống siêu thị, Làng đại học quốc tế Tây Bắc, sân Golf Củ Chi, công viên cá Koi Rin Rin Park… hay gần đây nhất là Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2017.

Khi cơ sở hạ tầng được chú trọng phát triển, các nhà đầu tư cũng phải thay đổi “cách nhìn” về khu vực đầy tiềm năng này. Bằng chứng rõ nhất là không ít các dự án bất động sản được đầu tư mạnh vào đây như Green Hill, Khu dân cư Gia Phú, Tecco Town Bình Tân, Hà Đô Riverside, Thái An Apartment, Hóc Môn Plaza,…

Theo các chuyên gia bất động sản, một dự án không thể quyết định sự tăng giá của toàn bộ khu đất, mà phải dựa vào sự phát triển về cơ sở hạ tầng của khu vực đó. Rõ ràng, một khi có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng, không những vùng đất này từng bước được “thay da, đổi thịt” mà thị trường địa ốc tại đây cũng có những biến chuyển tích cực hơn.   

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản