TPHCM cùng với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề, góp ý về phương án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Việc thực hiện thí điểm dự án đường Vành đai 3 được xem là tiền đề thuận lợi để TPHCM tiếp tục áp dụng vào các công trình giao thông trọng điểm khác.
Ngành giao thông TPHCM đang kỳ vọng Nghị quyết 54 của Quốc hội sẽ tạo thêm nhiều nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Ảnh: CAO THĂNG
|
Áp dụng cơ chế đặc thù
Hiện nay, TPHCM đang tập trung để đến trước năm 2020 đưa vào sử dụng toàn tuyến đường Vành đai 2, một phần đường Vành đai 3. Thời hạn này đã được xác định cụ thể theo Nghị quyết của HĐND TPHCM.
Đây là 2 tuyến giao thông huyết mạch của TPHCM. Trong đó, đường Vành đai 2 hiện còn khoảng 14km (chia làm 4 đoạn) chưa được đầu tư. Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Rạch Chiếc trên vành đai phía Đông (cầu Phú Hữu) đến xa lộ Hà Nội, bao gồm nút giao thông Bình Thái, dài 3,8km (thuộc quận 9 và quận Thủ Đức). Đoạn 2, từ nút giao thông Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, dài 2km (quận Thủ Đức). Đoạn 3, từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa, dài 2,7km (quận Thủ Đức) đang tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đoạn 4, từ nút giao thông An Lập trên quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh, dài 5,3km (qua các quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh). Chủ tịch UBND quận Thủ Đức Đặng Nguyễn Thanh Minh khẳng định, quận đang tập trung và phấn đấu đến cuối năm 2018 sẽ hoàn tất công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn 3 để bàn giao cho chủ đầu tư.
Đối với các đoạn 1 và 2, UBND TPHCM vừa chấp thuận chủ trương ưu tiên giải phóng mặt bằng để nhanh chóng thi công và khép kín đường Vành đai 2. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính ưu tiên cân đối, tạm ứng, bố trí kế hoạch vốn để các quận 9, Thủ Đức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, UBND quận 9 và quận Thủ Đức phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn tất thủ tục đầu tư công các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án khép kín đường Vành đai 2.
Trong khi đó, đường vành đai 3 sẽ đi qua các địa phương: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tuyến vành đai này dài hơn 89km và đoạn qua địa bàn TPHCM dài 31km, có tổng mức đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng. Tuyến Vành đai 3 do đi qua nhiều tỉnh, thành nên thuộc trách nhiệm đầu tư của Trung ương. Song, để giải quyết nhu cầu cấp bách của địa phương, TPHCM đề xuất áp dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội để TPHCM phối hợp đầu tư đường Vành đai 3. Theo đó, TPHCM đề xuất ứng vốn ngân sách TPHCM và tạm ứng các nguồn lực khác để triển khai thực hiện dự án đường Vành đai 3, đoạn qua địa bàn TPHCM. Sau đó, ngân sách Trung ương hoàn trả chi phí TPHCM đã ứng đầu tư khi đưa dự án vào sử dụng theo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Tiền đề cho các công trình trọng điểm
Trong nhiều năm qua, công tác đầu tư hạ tầng giao thông luôn được lãnh đạo TPHCM quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, việc tìm kiếm nguồn vốn đầu tư để triển khai các dự án hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc hoàn thành chỉ tiêu mở rộng đường giao thông là một thách thức lớn của TPHCM. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2015-2020, TPHCM đặt ra chỉ tiêu phát triển 172km đường giao thông mới. Song đến tháng 6-2018, TPHCM chỉ thực hiện được hơn 30%. Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường xác nhận, một trong những nguyên nhân chính là do thiếu hụt nguồn vốn giữa nhu cầu và thực tế.
Hiện nguồn vốn ngân sách TPHCM phân bổ để đầu tư hạ tầng giao thông vẫn còn thấp (khoảng 35%) so với nhu cầu thực tế. Chính vì vậy, ngành giao thông kỳ vọng vào việc xây dựng kế hoạch triển khai cơ chế theo Nghị quyết 54 của Quốc hội; từ đó, TPHCM sẽ có thêm nhiều nguồn lực để phân bổ cho phát triển hạ tầng giao thông.
Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép TPHCM chủ động trong việc quản lý, khai thác hạ tầng kết hợp tạo nguồn thu cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. TPHCM cũng được chủ động huy động nguồn lực tài chính thông qua một số khoản vay, thu từ cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước do UBND TPHCM quản lý, để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội; trong đó có hạ tầng giao thông đô thị, giảm ngập nước. Cùng với đó là việc huy động các nguồn lực tài chính hợp pháp khác, vay “vượt trần chung” hoặc huy động theo phương thức đối tác công - tư (PPP) để sớm hoàn thành các dự án. Đặc biệt, theo Nghị quyết 54 của Quốc hội, TPHCM được sử dụng ngân sách của TPHCM đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã được phê duyệt thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Trung ương. Sau đó, ngân sách Trung ương hoàn trả lại cho TPHCM.
Mặc khác, với Nghị quyết 54 của Quốc hội, TPHCM cũng được quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A (như đường Vành đai 3) theo Luật Đầu tư công. Như vậy, thủ tục và thời gian quản lý đầu tư được rút ngắn, tăng sự chủ động của TP trong quá trình chuẩn bị đầu tư các dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP, trong đó có các dự án đầu tư giao thông. Ví dụ, dự án đường Vành đai 3, đoạn qua TPHCM, sẽ được nghiên cứu triển khai theo Nghị quyết 54 của Quốc hội. Ở dự án này, Sở GTVT đang hoàn tất phương án triển khai đầu tư tuyến đường, báo cáo UBND TP trình HĐND thành phố thông qua chủ trương thực hiện.
DiaOcOnline.vn -Theo SGGP