Top

1 km tàu điện ngầm tại Việt Nam tốn khoảng 100 triệu USD, nhưng sẽ là bài toán giúp các đô thị phát triển bền vững

Cập nhật 09/08/2018 08:50

Các công trình ngầm đã rất phổ biến ở các nước phát triển, tuy nhiên, ở Việt Nam hiện mới đang hình thành. Tiến vào lòng đất đang là cách để gỡ rối, giúp các đô thị phát triển bền vững.


Vì thế, các dự án công trình ngầm đang trở thành giải pháp cho những bài toán khó trên mặt đất khi mà đất chật, người đông, hoạt động kinh tế xã hội diễn ra liên tục.

Xu hướng tất yếu của đô thị

Có lẽ những ai đang sống tại các đô thị lớn như Hà Nội hay Tp.HCM đã quá quen thuộc với cảnh kẹt xe thường xuyên, dù chỉ cách nhà vài km nhưng phải mất tới 30 phút thậm chí là 45 phút để di chuyển tới nơi làm việc, học tập là chuyện thường ngày.

Hằng ngày phải đối mặt với những con đường chật cứng vì kẹt xe, nhiều người mong được di chuyển trong thành phố bằng các tuyến metro tiện lợi, văn minh giống như tại Singapore. Ở Singapore, dù quảng đường di chuyển có chiều dài 2/3 đất nước, nếu đi taxi thì mất 25-30 USD Singapore nhưng nếu lựa chọn MRT (tàu điện ngầm) thì chỉ mất 2,7 USD Singapore lại có thời gian ngồi trên metro, tranh thủ học bài hay đọc sách. Hoàn toàn không lãng phí thời gian.

Những trải nghiệm phương tiện công cộng văn minh và tiện lợi này khiến nhiều người Việt ước mơ về những tuyến metro văn minh, hiện đại sẽ có ngay trên đất nước mình. Điều đó sắp thành hiện thực bởi theo các chuyên gia, khi đô thị phát triển mạnh trong khi quỹ đất hạn hẹp, việc ngầm hóa các công trình là xu hướng tất yếu.

Tuyến tàu điện ngầm đầu tiên tại Việt Nam sắp hoàn thành tại Sài Gòn.

Nhất là khi Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa cao với tỷ lệ khoảng 38-39%, trong khi đất xây dựng đô thị hiện đang rất hạn chế. Điển hình như Hà Nội mỗi năm tăng thêm khoảng 4,5% dân số, dự kiến đạt 9,2 triệu dân vào năm 2030.

Ở Việt Nam, từ 10 năm trước, Chính phủ đã nhìn thấy sự cấp bách, thiếu đất của đô thị và đặt ra bài toán quy hoạch không gian ngầm. Cụ thể, Nhà nước đã khẳng định hiệu quả của việc khai thác không gian ngầm.

Tại Luật Đô thị năm 2009 đã đặt ra vấn đề khai thác có hiệu quả không gian ngầm, hay như Nghị định 38/2010 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý không gian ngầm trong các đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã khẳng định những nguyên tắc trong quản lý không gian ngầm bằng thông tư 11/2010 hướng dẫn các chỉ tiêu, dữ liệu quản lý về không gian ngầm.

Chuyên gia Nhật Bản phát biểu về công nghệ đào ngầm tại dự án metro Bến Thành - Suối Tiên.
TS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển Việt Nam đánh giá, sau 8 năm, các công trình ngầm đã dần xuất hiện ở Hà Nội, TP HCM như đường hầm đi bộ, hầm để xe, một số trung tâm thương mại với 2-3 tầng ngầm... Mặc dù các công trình mới chỉ mang tính cục bộ, tự phát song phần nào thể hiện rõ được ưu thế, chính vì thế các dự án lớn phát triển công trình ngầm xuất hiện dày hơn tại các đô thị lớn của Việt Nam, điển hình như Hà Nội và TP HCM.

Ông Đào Huy Ánh – Hội kiến trúc sư Việt Nam cũng ghi nhận lợi thế của các công trình ngầm. Nhìn ra thế giới, ông Ánh chỉ ra những lợi ích khi xây dựng không gian ngầm, sự kết nối thuận tiện giữa không gian trên mặt đất và sự liên kết thành một quần thể hệ sinh  giữa trung tâm thương mại, giao thông, các công trình công cộng khác.

Đất có thể ‘đẻ’ nhờ không gian ngầm

Nhờ những nỗ lực không biết mệt mỏi trong khai thác không gian ngầm, Singapore đã chứng minh được rằng ‘đất có thể đẻ ra’ khi mở rộng thêm được 25% đất đai trong 2 thế kỷ qua nhờ khai thác được không gian thứ tư – không gian ngầm.

Ở Singapore, không gian ngầm thật sự là một loại tài nguyên vô giá. Điều đó hoàn toàn đúng khi Hiệp hội quốc tế về sử dụng không gian ngầm và hầm ITA thậm chí còn khẳng định "khai thác không giam ngầm là phương cách duy nhất để đô thị có thể phát triển bền vững trong sự đi lên của nhân loại".

Từ kinh nghiệm thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang là mảnh đất màu mỡ cho việc phát triển không gian ngầm. Tuy nhiên do chi phí xây dựng một công trình ngầm rất lớn (khoảng 100 triệu USD/km), nên cần phải có những tính toán phù hợp để tích hợp các chức năng của công trình.

Theo ông Ánh, giá thành của một công trình ngầm sẽ phụ thuộc vào việc nó được xây dựng đơn mục tiêu hay đa mục tiêu. "Nếu một công trình ngầm đơn mục tiêu sẽ rất đắt, còn đa mục tiêu thì có thể giảm 3/4 chi phí thực hiện, thậm chí chi phí bằng không nếu tích hợp vào đó nhiều chức năng và chia sẻ không gian ngầm" – KS Đào Huy Ánh nói.

Ông Ánh dẫn ví dụ: Ở Malaysia họ thiết kế hệ thống ngầm gồm 3 tầng ( Smart Tunnel) với tầng ngầm là cống, 2 tầng trên là 2 đường ô tô đi ngược chiều nhau, khi mưa lụt sẽ đóng từng tầng một. Mực nước vừa phải, đóng tầng hầm, ô tô vẫn chạy tốt, nếu mực nước quá cao, bộ phận điều khiển sẽ đóng cả 2 đường ô tô. "Bất kỳ công trình ngầm nào cũng phải tích hợp đa mục tiêu, còn ở Việt Nam hiện chưa tính đến phương án này" – KS Đào Huy Ánh nhận định.

Việt Nam sẽ có những công trình ngầm lớn

Tại Hội nghị Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển diễn ra 17/6, Hà Nội đã công bố dự án đầu tư bãi đỗ xe ngầm đầu tiên bằng nguồn vốn xã hội hoá tại Cung thể thao Quần Ngựa (quận Ba Đình) với công suất 2.500 ôtô và khoảng 5.000 xe máy; sâu 5 tầng; diện tích 1,8 ha. Đây mới chỉ là một trong số những dự án bãi đỗ xe ngầm đang được nghiên cứu ở Hà Nội.

Cũng tháng 6, trong một cuộc họp của thành ủy Hà Nội, lãnh đạo Công TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Trung tâm Hà Nội có ba điểm ngập cố hữu là Đường Thành, ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm) và phố Nguyễn Khuyến (Đống Đa). Chỉ cần lượng mưa khoảng 100mm/2h là ngập.

Để giải quyết bài toán này, phương án được đưa ra là xây dựng hồ ngầm tại khu vực chợ Hàng Da với công suất chứa 2.000m3 nước. Chi phí xây dựng hồ ngầm thoát nước dự kiến là 25 tỷ đồng. Theo lãnh đạo Công ty thoát nước Hà Nội, công nghệ thi công hồ ngầm này rất phổ biến ở Nhật Bản và mang lại hiệu quả cao. TP HCM đã thử nghiệm, tuy nhiên chỉ là hồ nhỏ thể tích 100 m3. Công nghệ hồ này có ưu điểm thi công nhanh gọn và trả mặt bằng như cũ cho phương tiện qua lại.

Cũng trong tháng 6, cả 2 nhánh hầm trong đoạn metro ngầm đầu tiên của Việt Nam thuộc tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (Bến Thành – Suối Tiên) đã hoàn tất việc khoan hầm bằng robot, đánh dấu mốc quan trọng trong việc chinh phục và sử dụng không gian ngầm tại Việt Nam.


DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ