Dự án xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (số 8 Võ Văn Tần, quận 3) treo gần 10 năm vừa được UBND TP. hcm chấp thuận cho tiếp tục thực hiện dự án.
Dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng hiện chỉ là bãi đất trống. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
“Về dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (quận 3), chấp thuận chủ trương tiếp tục thực hiện dự án theo hình thức BT” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nêu ý kiến kết luận trong văn bản sau cuộc họp với tổ công tác TP về các dự án đầu tư trên địa bàn TP mới đây.
Tiếp tục dự án, đổi khu đất khác
Để triển khai các công việc tiếp theo, ông Phong cũng giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao xem xét lại quỹ đất, tham mưu, đề xuất khu đất khác phù hợp để thanh toán hợp đồng BT của dự án. Đồng thời, các cơ quan, ban, ngành TP cũng được yêu cầu dự thảo văn bản của UBND TP xin ý kiến của Thủ tướng về quỹ đất thanh toán cho hợp đồng BT này theo đúng quy định tại Nghị định 69/2019 của Chính phủ.
TP cũng giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT và các sở, ngành tham mưu, dự thảo văn bản của Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương thực hiện các dự án BT thuộc nhóm A (có dự án Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng) theo đúng quy chế làm việc của Ban chấp hành đảng bộ TP. Như vậy, với những thông tin tích cực từ cơ quan chức năng, dự án treo nhiều năm này được kỳ vọng sẽ có thể triển khai trong thời gian tới.
Nhà thi đấu Phan Đình Phùng nằm ở khu đất vàng quận 3 với bốn mặt tiền đường Pasteur - Nguyễn Đình Chiểu - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Văn Tần. Đây là nơi tập luyện, thi đấu, tổ chức sự kiện thể thao hàng đầu TP. Năm 2007, TP quyết định đập bỏ, xây mới thành trung tâm TDTT đạt chuẩn quốc tế nhằm đăng cai các giải thi đấu lớn. Tiến độ dự án dự kiến từ năm 2010 và đến năm 2012 xây xong.
Khi đó, vào năm 2010, quỹ đất thanh toán theo hợp đồng BT cho dự án này được Thủ tướng đồng ý cho TP.HCM bán nhà, đất tại 257 Trần Hưng Đạo (quận 1) để thanh toán cho dự án (mức đầu tư được công bố là 989 tỉ đồng). Đến năm 2013, công trình đội vốn lên hơn 1.352 tỉ đồng, TP.HCM xin bổ sung khu đất tại số 3-3bis Phan Văn Đạt (quận 1) để thanh toán cho nhà đầu tư. Tiếp đến, sau khi điều chỉnh thiết kế, dự án lại tăng vốn lên gần 2.000 tỉ đồng. Từ đó đến nay, dự án vẫn chưa được triển khai do các khúc mắc về việc thanh toán hợp đồng BT.
Ghi nhận thực tế của PV tại khu nhà thi đấu từng là nơi thu hút đông đảo người dân và vận động viên chỉ còn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm với hàng rào tôn được quây kín bên ngoài.
Liên tục thay đổi thiết kế
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (Công ty Phát Đạt) cho biết dự án đầu tư xây dựng mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng nếu tính từ thời điểm Công ty Phát Đạt và Tổng Công ty Đền bù giải tỏa được TP chọn làm nhà đầu tư, theo hình thức BT đến nay cũng gần 10 năm.
Theo đó, thời điểm bắt đầu dự án xây dựng mới trung tâm này kinh phí chỉ khoảng 989 tỉ đồng. Sau đó, thiết kế dự án thay đổi nhiều vì được xem là công trình hạng A, trọng điểm quốc gia, phục vụ cho các giải đấu quốc tế, thi đấu SEA Games chứ không chỉ đơn thuần phục vụ hoạt động cho người dân TP.HCM. Thiết kế mới quy mô hơn, từ một tầng hầm lên ba tầng, trang thiết bị thay đổi nhiều…, do đó chủ đầu tư phải điều chỉnh kinh phí theo thiết kế mới mà cơ quan chức năng yêu cầu và kinh phí tăng lên gần 2.000 tỉ đồng.
Dự án xây mới Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng dự kiến công trình gồm có bảy tầng nổi và ba tầng hầm, được thực hiện tại lô đất rộng 14.417,8 m2. Trong đó diện tích xây dựng là 7.176 m2 với sân thi đấu chính diện tích 2.700 m2, sân chuẩn bị 11.470 m2, khán đài 4.000 chỗ.
Công ty Phát Đạt cho biết theo hợp đồng trước đây, nhà đầu tư sẽ được TP hoàn trả vốn đầu tư bằng hai khu đất ở quận 1 giá trị tương ứng với tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, sau khi kinh phí tăng lên thì giá trị hai khu đất trên tính ra vẫn chưa đủ so với kinh phí nhà đầu tư bỏ ra. “Tất cả đều có cơ quan kiểm toán nhà nước làm việc rất rõ ràng. Hiện công ty chỉ nắm thông tin UBND TP.HCM cũng đang có phương án tìm thêm khu đất mới để thanh toán cho hợp đồng BT xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng” - đại diện Công ty Phát Đạt thông tin.
Ngoài ra, chủ đầu tư cũng cho rằng dự án chậm triển khai một phần vì yêu cầu tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ năm 2018 cho đến khi nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT được ban hành và có hiệu lực.
Đến tháng 10-2019, Nghị định 69/2019 của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (dự án BT) chính thức có hiệu lực nên dự án đã được TP.HCM tái khởi động. “Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa hoàn chỉnh xong các hồ sơ thủ tục pháp lý. Công ty vẫn phải chờ hướng dẫn từ phía các cơ quan chức năng, từ UBND TP.HCM” - đại diện công ty này chia sẻ.
Công ty Phát Đạt bị mạo danh rao bán đất trung tâm Phan Đình Phùng
Đại diện Công ty Phát Đạt cho biết doanh nghiệp cũng khổ sở khi cuối năm 2019 có một số đối tượng lừa đảo mạo danh để tên công ty giống Công ty Phát Đạt để bán đất của khu trung tâm này cho nhiều người dân.
Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng là dự án trọng điểm quốc gia, được Nhà nước cho đầu tư xây dựng để phục vụ công tác thể dục thể thao. Vì vậy, việc các đơn vị, tổ chức khác cố tình lợi dụng dự án đang trong quá trình thực hiện để rao bán cho người dân là hành vi lừa đảo và trái pháp luật. “Phát Đạt không có bất cứ liên quan hay quan hệ gì với các đơn vị, tổ chức đó” - đại diện công ty khẳng định.
DiaOcOnline.vn – Theo PLO