Theo kế hoạch, cuối năm 2019 sẽ có 20km đầu tiên của tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đoạn từ Long An đến đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè (TP.HCM) được thông xe. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị "phá sản".
Giao lộ cao tốc Bến Lức - Long Thành với quốc lộ 50 (Bình Chánh, TP.HCM) chưa giải tỏa xong nên nhà thầu không thể thi công nhánh cầu vượt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đây là lần thứ 2 dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành lỗi hẹn (lần đầu dự kiến thông xe vào cuối năm 2018).
Lại chậm giải tỏa
Theo sơ đồ, điểm đầu của đoạn đường cao tốc này kết nối vào tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương và điểm cuối là tuyến đường Nguyễn Văn Tạo, huyện Nhà Bè.
Nếu dự án sớm hoàn thành, các phương tiện đặc biệt vận chuyển hàng hóa, thiết bị từ các tỉnh miền Tây có thêm hướng mới thông thoáng hơn để lưu thông, tăng khả năng thông thương Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Từ đây, các phương tiện cũng có thể theo lộ trình như Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ... ra cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Kế hoạch là vậy, nhưng mới đây đi thực tế tại công trình này, chúng tôi nhận thấy chỉ có vài nhóm nhỏ công nhân thi công suốt đoạn chiều dài khoảng 20km trên công trình. Mặt đường cao tốc có những đoạn dài vài cây số đã mở rộng đầy đủ cho 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp.
Thế nhưng đi thêm vài kilômet nữa thì mặt đường bị bóp lại, bề rộng chỉ còn 2 làn xe lưu thông bởi hai bên đường còn nhiều nhà dân chưa giải tỏa xong. Chỉ riêng đoạn giao với quốc lộ 50 ở huyện Bình Chánh vẫn còn hơn chục căn nhà chưa giải tỏa. Một cán bộ ban quản lý dự án cho biết đoạn đường này do chậm giải tỏa nên chưa thể xây dựng cầu vượt thứ hai qua quốc lộ 50 được.
Vì vậy, rất khó để thông xe đoạn cao tốc dài 20km từ Long An về đến huyện Nhà Bè theo kế hoạch. Trong khi đó, cầu vượt thứ nhất đã xây dựng xong cách đây gần 2 năm cứ nằm chơ vơ ở giao lộ này.
Theo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), tính đến đầu tháng 10-2019, trên tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành vẫn còn 112 trường hợp chưa giải tỏa được, trong đó có 21 hộ dân ở huyện Bình Chánh và 91 hộ ở các huyện Nhơn Trạch, Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các địa phương xử lý dứt điểm, bàn giao mặt bằng trong quý 3-2019, nhưng việc giải tỏa không thể hoàn thành.
Đói vốn, nhà thầu "dọa" dừng thi công
Trong báo cáo gửi Bộ Tài chính, ông Nguyễn Quốc Bình - phó tổng giám đốc VEC - cho biết dự án đang trong quá trình thi công nhưng đang gặp nhiều vướng mắc làm ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư. Một trong những vướng mắc là do chưa được cấp vốn thanh toán khối lượng thi công cho các nhà thầu, đặc biệt các gói J1, J3 do nhà thầu của Nhật Bản thực hiện.
Các nhà thầu đã có nhiều thư khiếu kiện gửi đến VEC, JICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) và Đại sứ quán Nhật Bản về việc chủ đầu tư chậm thanh toán khối lượng thi công. Trong đó, nhà thầu thực hiện gói J3 đã có yêu cầu dừng thi công từ ngày 20-9-2019 do VEC không bố trí được nguồn vốn trả theo hợp đồng...
Một lãnh đạo VEC cho biết việc các nhà thầu ngừng thi công khiến tiến độ thực hiện dự án sẽ kéo dài thêm 6-8 tháng. Như vậy, mốc hoàn thành dự án sẽ kéo tận tới năm 2022, thay vì hoàn thành vào tháng 6-2021 như kế hoạch trước đây.
Trong báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cũng nhìn nhận các khó khăn vướng mắc ở dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành có thể dẫn đến nguy cơ dừng thi công và gây thiệt hại về kinh tế. Lý do là thời gian thi công dự án kéo dài làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư; không hoàn thành trong thời gian hiệp định vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) còn hiệu lực. Việc này có thể gây ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ đối với các nhà tài trợ.
Để tháo gỡ khó khăn cho dự án, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Thủ tướng báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội sớm xem xét cho phép phân bổ nguồn vốn nước ngoài cho dự án để đủ vốn cho thi công dự án trên. Đồng thời kiến nghị trong khi chờ bố trí vốn, Thủ tướng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư tham mưu Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép VEC tạm sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi khác để tiếp tục giải ngân, thanh toán khối lượng hoàn thành dự án...
Tuy nhiên, đến nay các cơ quan thẩm quyền vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào để giải quyết những khó khăn vướng mắc đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đặc biệt là việc cấp vốn để các nhà thầu thi công hoàn thành công trình. Nguy cơ dự án này tiếp tục trễ hẹn đang hiển hiện.
Theo thiết kế, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,8km, có 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 100 km/h, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 31.320 tỉ đồng. Khởi công từ tháng 7-2014, dự kiến công trình hoàn thành trong năm 2018. Tuy nhiên, do đền bù giải tỏa chậm và việc chậm cấp vốn nên các cơ quan chức năng đã lùi thời gian hoàn thành dự án vào tháng 6-2021.
Khoản nợ 326,9 triệu USD đến hạn VEC phải trả
Ngày 4-11-2019, trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã trả lời VEC, cho biết hiện nay các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư đã phải thanh toán các nghĩa vụ nợ gốc, lãi, phí đến hạn với ADB, Ngân hàng Thế giới và JICA. Tổng nghĩa vụ nợ gốc, lãi và phí từ khi bắt đầu phát sinh đến tháng 10-2019 là khoảng 238,6 triệu USD và từ tháng 11-2019 đến năm 2020 phải trả nợ cho các nhà tài trợ trên là 88,3 triệu USD.
Bộ Tài chính cũng cho rằng VEC đang có hiện tượng chậm trả các khoản nợ xây dựng đường cao tốc đến hạn theo yêu cầu của bộ. Tình trạng này nếu tiếp tục tái diễn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Chính phủ.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị không sử dụng nguồn thu phí và các khoản tiền nhàn rỗi, chưa đến hạn trả nợ các khoản vay để thanh toán các khối lượng hoàn thành của các dự án trên. Nguồn thu phí của dự án (các dự án đường cao tốc đã hoàn thành như Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây...) phải ưu tiên sử dụng cho việc trả nợ.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ