Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội khởi công năm 2010, dự kiến hoàn thành sau 3 năm, nhưng đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành. Kẹt xe, ngổn ngang cửa ngõ TP.HCM, ai chịu trách nhiệm?
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội đoạn thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương bị chậm do vướng đền bù - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Điều này tạo ra một điểm nghẽn về giao thông ở cửa ngõ phía đông bắc TP.HCM. Ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ này?
Vướng giải tỏa, dự án "chồng" dự án
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội khởi công ngày 2-4-2010, theo hợp đồng giữa Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) và UBND TP. Công trình dự kiến hoàn thành trong 36 tháng kể từ ngày CII được bàn giao mặt bằng.
Thế nhưng những ngày cuối tháng 9-2019, đi trên xa lộ Hà Nội vẫn còn nhiều đoạn mặt bằng chưa giải tỏa. Cụ thể, trên địa bàn Q.9 vướng giải tỏa khoảng 800m ở khu vực cầu Rạch Chiếc vì vẫn còn 28 hộ dân và vài đơn vị, doanh nghiệp chưa di dời.
Tương tự, trên địa bàn Q.Thủ Đức đoạn tiếp giáp với Trường ĐH Quốc gia thuộc P.Linh Trung vẫn còn đoạn đường dài 600m chưa giải tỏa. Không những vướng giải tỏa, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội thi công chậm vì triển khai nhiều dự án khác trên cùng một mặt bằng.
Cụ thể, có đoạn trùng với tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trên địa bàn Q.2, Q.Thủ Đức. Trong đó những đoạn bị vướng ở những vị trí dự án xây dựng nhà ga Rạch Chiếc, ga Phước Long, ga Bình Thái, ga Thủ Đức... Hay dự án vệ sinh môi trường nước giai đoạn 2 đang triển khai thi công hệ thống cống thoát nước trên địa bàn Q.2 cũng trùng với dự án mở rộng xa lộ Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Nam, giám đốc Ban điều hành dự án xa lộ Hà Nội, cho biết không chỉ vướng giải tỏa trên địa bàn TP mà toàn bộ mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương dài khoảng 2,2km vẫn chưa được bàn giao (trừ khu vực trước bến xe Miền Đông mới). Vì vậy, việc triển khai thi công công trình gặp rất nhiều khó khăn vì phải chờ các đơn vị bàn giao mặt bằng trống.
Thiệt hại gần 1.400 tỉ đồng
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cho biết chi phí bồi thường giải tỏa dự án mở rộng xa lộ Hà Nội qua địa bàn tỉnh Bình Dương hiện tăng lên 2.780 tỉ đồng. Số tiền này đã tăng gần gấp đôi so với quyết định năm 2016 của UBND TP.HCM về điều chỉnh bổ sung cho công tác đền bù giải tỏa mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương với số tiền 1.410 tỉ đồng.
Lý giải vấn đề này, lãnh đạo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho rằng do giá đất đền bù năm 2017 đã tăng nhiều so với giá đất đền bù năm 2012.
Kết quả kiểm toán nhà nước tháng 8-2019 về dự án này kết luận: công tác giải phóng mặt bằng chậm làm dự án thi công kéo dài tiến độ so với dự kiến ban đầu..., làm phát sinh chi phí lãi vay và lợi nhuận vốn chủ sở hữu trong thời gian xây dựng và thời gian chờ thu phí. Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước cho rằng dự án chậm tiến độ và một số tồn tại, hạn chế đã làm ảnh hưởng đến mục tiêu và tính hiệu quả của dự án.
Việc chậm trễ này trách nhiệm thuộc về ai? Theo CII, trong hợp đồng BOT, việc thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng xa lộ Hà Nội, UBND TP đã giao UBND Q.2, Q.9 và Q.Thủ Đức là những đơn vị thực hiện đền bù giải tỏa, bàn giao mặt bằng trên địa bàn TP.HCM trước ngày 30-4-2010.
Còn Khu quản lý giao thông đô thị số 2 là đơn vị thực hiện dự án đền bù giải tỏa trên địa bàn tỉnh Bình Dương, bàn giao mặt bằng trước ngày 30-6-2010. "Vì vậy, tiến độ thi công dự án chậm hoàn toàn thuộc các đơn vị trên" - một cán bộ CII khẳng định.
Tỉnh Bình Dương mãi đến tháng 4-2017 mới hoàn thành phương án đền bù giải tỏa. Sau đó đến Khu quản lý giao thông đô thị số 2 lại chậm trình các cơ quan chức năng xem xét phương án đền bù giải tỏa của tỉnh Bình Dương.
Và sau đó mất gần 2 năm rưỡi, đến cuối tháng 8-2019 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP mới có tờ trình các cơ quan thẩm quyền TP điều chỉnh phương án đền bù. Một cán bộ CII cho rằng chính các đơn vị chịu trách nhiệm đền bù giải tỏa đã làm dự án chậm càng thêm chậm.
Trong một báo cáo gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư trước đây, UBND TP thừa nhận nguyên nhân dự án chậm tiến độ là do công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm. Cũng trong văn bản này, UBND TP cho biết từ đề xuất của CII, TP thống nhất cập nhật thời gian hoàn thành dự án là năm 2018.
Tuy nhiên, trong văn bản ngày 26-8-2019, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP gửi Sở Tài nguyên - môi trường TP cho biết việc thực hiện điều chỉnh bồi thường giải tỏa trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện trong giai đoạn 2017-2022.
Như vậy, nhiều khả năng sẽ mất thêm 3 năm nữa toàn bộ dự án mở rộng xa lộ Hà Nội mới hoàn thành. Một dự án để kéo dài quá lâu, nhưng đến nay vẫn không có ai bị xử lý trách nhiệm về các thiệt hại ở công trình giao thông trọng điểm này.
Dự án chậm, vốn đầu tư tăng
Dự án nâng cấp và mở rộng xa lộ Hà Nội dài 15,7km cho 12-16 làn xe lưu thông. Trong đó đoạn 1 từ cầu Sài Gòn đến nút giao thông Bình Thái rộng 153,5m, đoạn 2 từ nút giao thông Bình Thái đến nút giao trạm 2 rộng 113,5m và đoạn 3 từ nút giao trạm 2 đến nút giao Tân Vạn rộng 113,5m.
Dự án có tổng mức đầu tư được UBND TP phê duyệt năm 2009 là 2.287,8 tỉ đồng. Sau đó, năm 2016 UBND TP điều chỉnh tổng mức đầu tư hơn 4.905 tỉ đồng.
Đến nay, dự án đã thi công đạt khoảng 75% khối lượng, tiến độ thi công và giải ngân đều đạt yêu cầu trên mặt bằng thực tế. Trong đó trục đường giao thông chính trên xa lộ Hà Nội từ cầu Sài Gòn đến ĐH Quốc gia đạt 100% khối lượng.
Trục đường song hành xa lộ Hà Nội phía bên phải từ Q.2 đến Q.9 đã hoàn thành 100% mặt bằng được giao, hiện còn vướng 800m đoạn nằm trên địa bàn Q.9. Trục đường song hành xa lộ Hà Nội phía bên trái Q.2 đến Q.Thủ Đức đã thi công đạt khoảng 70% khối lượng, còn vướng mặt bằng trùng lắp với dự án tuyến metro và dự án vệ sinh môi trường.
Yêu cầu sớm đưa một phần dự án vào hoạt động để thu phí
Báo cáo kết quả kiểm toán dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng xa lộ Hà Nội phải phối hợp với Sở Giao thông vận tải TP.HCM nghiệm thu đưa vào sử dụng phần trục chính xa lộ Hà Nội, làm cơ sở thu phí hoàn vốn cho dự án, hạn chế phát sinh chi phí sử dụng vốn của dự án.
Tương tự, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần phối hợp với nhà đầu tư hoàn thành công tác nghiệm thu trục chính xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Sài Gòn đến cổng chính ĐH Quốc gia làm cơ sở thu phí hoàn vốn cho dự án, hạn chế phát sinh chi phí sử dụng vốn của dự án.
DiaOcOnline.vn – Theo Tuổi trẻ