Top

Không có việc đầu cơ xi măng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh

Cập nhật 15/05/2008 08:00

Đây là ý kiến kết luận của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, sau một tuần đoàn công tác đi kiểm tra tình hình thị trường xi măng khu vực TP. Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng, không có việc đầu cơ găm hàng, lợi dụng thời điểm khan hiếm hàng để nâng giá xi măng (vì theo thống kê sản lượng tiêu thụ ở các nhà máy xi măng đều đạt ở mức cao).

Giá xi măng tại các nhà máy không tăng

Trong năm 2008, Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng tại khu vực phía Nam, nhất là thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ tăng khoảng 14% so với năm 2007. Thực tế nhu cầu xi măng 4 tháng đầu năm 2008 ở khu vực các tỉnh Đông Nam Bộ và TP. Hồ Chí Minh đã tăng cao hơn dự báo; lượng xi măng tiêu thụ tăng 21% so với cùng kỳ năm 2007.

Nguyên nhân là do đầu năm 2008 có nhiều công trình được khởi công xây dựng nên nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng; Mặt khác cũng do tâm lý của chủ đầu tư (chủ yếu là nhà dân và các công trình nhỏ) tích trữ xi măng cho xây dựng công trình. Nhiều chủ đầu tư cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2008 đã tăng 11,6%, sau tháng 6/2008 với các mặt hàng trọng yếu (thời gian qua Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo không được tăng giá) sẽ có sự tăng đột biến… nên đổ xô đi mua, gây hiện tượng khan hiếm nguồn hàng.

Chính vì những lý do trên, mặc dù nguồn cung xi măng 4 tháng đầu năm 2008 cao hơn 21% so với năm 2007 song vẫn chưa thoả mãn đủ nhu cầu tiêu thụ.

Mặt khác, theo thống kê của Bộ Xây dựng, ở khu vực miền Nam tập trung các trạm nghiền xi măng, nguồn nguyên liệu cho sản xuất phụ thuộc chủ yếu vào clinker nhập khẩu và một phần là vận chuyển từ các nhà máy phía Bắc vào.

Ở nguồn clinker nhập khẩu: hiện nay các nước Ấn Độ, Indonesia có chính sách giảm xuất khẩu xi măng, clinker nên các nước nhập khẩu truyền thống như Bănglađét, Srilanka chuyển sang mua của Thái Lan với giá cao, kéo theo hiệu ứng dây chuyền là nguồn clinker Thái Lan xuất sang Việt Nam cũng bị hạn chế.

Với nguồn clinker cung cấp từ Bắc vào, do thiếu phương tiện vận chuyển nên cước phí vận chuyển cao, dao động từ 300.000-350.000đ/tấn. Giá clinker phía Bắc chuyển về tới nhà máy khoảng 1.020.000 -1.050.000 đồng/tấn. Trong khi đó các nhà máy vẫn thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng nên các cơ sở sản xuất xi măng vẫn giữ nguyên giá bán tại nhà máy với mức 1.020.000 - 1.070.000 đồng/tấn.

Thiếu hàng cục bộ, đẩy giá xi măng trên thị trường tăng

Hiện nay, các cơ sở sản xuất xi măng phía Nam đều thực hiện phương thức bán hàng thông qua nhà phân phối chính, do đó không thể quản lý được giá bán lẻ cuối cùng tới tay người tiêu thụ. Chính vì thế, mặc dù giá bán xi măng tại nhà máy không tăng, song do thiếu nguồn hàng nên giá bán lẻ vẫn tăng. Giải thích về vấn đề này không ít nhà phân phối cho rằng, nếu cung đủ cầu, sẽ không có hiện tượng trên.

Cụ thể, thông thường 1 xe ô tô chở được 2-3 chuyến hàng trong 1 ngày, hiện nay do cung không đáp ứng được cầu nên xe phải xếp hàng, bình quân 2-2,5 ngày mới lấy được 1 chuyến hàng. Chính vì thế cước phí vận chuyển tăng, cùng với việc chi phí bốc dỡ tăng, giá nhiên liệu tăng đã làm tăng giá thành mỗi bao xi măng từ 5.000-8.000đồng.

Mặt khác, do nguồn cung không được dồi dào nên cũng có hiện tượng các nhà bán lẻ nâng giá bán thu lợi không chính đáng. Giá bán xi măng hiện tại ở khu vực phía Nam còn phụ thuộc vào cung đường, cự ly vận chuyển, phụ thuộc vào số lượng cũng như từng chủng loại xi măng. Nhìn chung, giá bán xi măng trên thị trường trong tháng 4/2008 đã tăng khoảng 20-30% so với giá bán tại thời điểm tháng 2/2008.

Đã có giải pháp bình ổn thị trường

Để ổn định giá bán xi măng khu vực phía Nam trong thời điểm hiện nay, theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, cần phải tăng lượng cung để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ. Cụ thể, tăng lượng clinker, xi măng bột, xi măng bao vận chuyển từ miền Bắc vào TP. Hồ Chí Minh.

Để thực hiện điều này, Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam đã chỉ đạo các công ty xi măng phía Bắc như Hoàng Thạch, Hoàng Mai, Tam Điệp, Hải Phòng tăng cường vận chuyển sản phẩm vào khu vực TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên lượng xi măng vận chuyển vào Nam vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ.

Bộ Xây dựng đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, tập trung mọi phương tiện, biện pháp trong vòng 10-15 ngày tới phải đưa được từ 30-50 nghìn tấn xi măng vào khu vực TP. Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị Bộ Tài chính xem xét, giảm thuế nhập khẩu clinker trong khối ASEAN từ 5% xuống 0% và ngoài khối ASEAN từ 10% xuống 0%, thực hiện từ nay đến cuối năm 2008; đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty vận tải thuỷ, ưu tiên bố trí đủ phương tiện tầu vận chuyển clinker, xi măng từ Bắc vào Nam.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đang chỉ đạo việc đẩy mạnh thi công xây dựng các nhà máy xi măng, nhanh chóng đưa các nhà máy vào hoạt động, tăng nguồn cung cấp, góp phần bình ổn giá thị trường. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2008, sẽ có 7 nhà máy xi măng đi vào sản xuất với tổng công suất 7,81 triệu tấn.

Theo Hà Nội Mới