Top

TP. Hồ Chí Minh: Giá xi măng tăng chỉ là cục bộ, ngắn hạn

Cập nhật 12/05/2008 15:00

Thông tin từ Bộ Xây dựng cho biết: hôm nay (12/5), đã có 10.000 tấn xi măng từ phía Bắc vận chuyển vào tới cảng TP. Hồ Chí Minh để tham gia bình ổn thị trường xi măng ở đây.

Trong những ngày tới, các tàu chở clinker và xi măng sẽ tiếp tục được vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Như vậy, thị trường xi măng khu vực TP. Hồ Chí Minh sẽ ổn định, giá cả sẽ không sốt như trước.

Thực tế, tại TP. Hồ Chí Minh trong thời gian qua có tình trạng sốt xi măng do nhiều nguyên nhân mang lại. Đó là, TP. Hồ Chí Minh - nơi tiêu thụ khoảng 40% lượng xi măng của cả nước nhưng năng lực sản xuất chỉ đáp ứng được khoảng 27%, còn lại là phải vận chuyển từ phía Bắc vào hoặc nhập khẩu. Tuy nhiên, trong tuần qua do giá vật liệu xây dựng cao, giá clinker nhập khẩu vào VN cũng tăng. Như vậy, sau khi tính tất cả chi phí sản xuất, giá thành của một tấn xi măng làm từ nguồn clinker nhập khẩu đã lên đến 1,4-1,5 triệu đồng/tấn.

Do giá tăng nên các công ty nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh không thể cạnh tranh nổi với các doanh nghiệp lớn chủ động được nguồn clinker hoặc những doanh nghiệp có được hợp đồng nhập khẩu clinker ổn định. Chính vì vậy, những doanh nghiệp này phần lớn đang trong trạng thái sản xuất cầm chừng hoặc sản xuất rất ít, nên nguồn cung tham gia thị trường không đáng kể. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến nguồn cung xi măng cho thị trường TP.HCM trở nên eo hẹp.

Bên cạnh đó, mấy ngày cuối tháng 4/2008, 2 trạm nghiền xi măng Cotec và Cẩm Phả phải dừng sửa chữa nên nguồn cung có giảm, đồng thời thông tin về việc đề nghị tăng giá than của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam ở thời điểm giữa tháng 3/2008 (trước khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không tăng giá bán than cho đến hết tháng 6/2008) khiến người tiêu dùng lầm tưởng giá xi măng cũng điều chỉnh tăng theo. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng, tư thương đầu cơ tăng giá bán xi măng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc nhiều cơ sở, đại lý kinh doanh mua xi măng tích trữ, gây hiệu ứng không tốt trên thị trường.

Mặc dù giá của các đơn vị sản xuất không tăng nhưng vừa qua đã có hiện tượng một số cửa hàng kinh doanh, tiêu thụ nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh tự ý tăng giá bán lẻ (tăng 75-80 nghìn đồng/bao xi măng Hà Tiên 1, loại khác tăng 65-70 nghìn đồng/bao) và cũng có tình trạng người mua phải xếp hàng chờ đợi lâu…

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 4/2008, nhu cầu tiêu thụ xi măng ở TP. Hồ Chí Minh tăng tới 24% so với cùng kỳ năm trước. Cầu tăng đột biến như vậy trong khi lượng cung hạn chế đã xảy ra tình trạng tăng giá nhưng chỉ là ngắn hạn, cục bộ.

Bộ Xây dựng khẳng định: trên cả nước hiện nay, các công ty lớn vẫn sản xuất đủ xi măng để cung ứng cho thị trường. Cụ thể, nguồn cung hiện khá dồi dào do ngay từ đầu năm 2008, 4 nhà máy xi măng mới là Hướng Dương, Cẩm Phả, Yên Bình, Yên Bái đi vào hoạt động (riêng Nhà máy Duyên Hải đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2007). Năm 2008 sẽ đưa vào hoạt động tổng cộng 10 nhà máy sản xuất xi măng mới với tổng công suất thiết kế là 12,28 triệu tấn/năm. Năm 2009 sẽ có 20 nhà máy mới đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế 15,22 triệu tấn/năm.

Kế hoạch cung ứng xi măng năm nay dự kiến vào khoảng 43,7 triệu tấn. Hiện giá bán của tất cả các công ty đều không tăng theo đúng cam kết với Bộ Xây dựng và Hiệp hội Xi măng Việt Nam.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, trên cơ sở tổng hợp kết quả kiểm tra thực tế thị trường xi măng TP. Hồ Chí Minh đợt này, Đoàn kiểm tra sẽ đề xuất các giải pháp nhằm bình ổn thị trường xi măng khu vực phía Nam.

Theo Hà Nội Mới