Giá thép trong nước vừa vào đợt tăng giá do giá nguyên liệu sản xuất thép đang nhích dần lên và nhu cầu thép cũng đang tăng tăng do vào mùa xây dựng. Giá thép xây dựng ở phía Bắc tăng từ 9,6 triệu đồng lên 10,2 triệu đồng/tấn trong khi phía Nam tăng từ 8,9 triệu lên 9,3 triệu đồng/tấn (giá giao tại nhà máy chưa bao gồm chiết khấu, VAT).
Công nhân đang thi công tại một công trình xây dựng tại thành phố Sa Pa, tỉnh Lào Cai - Ảnh: Văn Nam
|
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sở dĩ có đợt tăng giá thép là do giá nguyên liệu tăng. Cụ thể, phôi thép phía Bắc đầu năm 2016 ở mức 6,9 – 7,2 triệu đồng/tấn thì nay vọt lên 8,3 triệu đồng/tấn, tương tự phôi thép thị trường TPHCM hồi đầu năm nay có giá 6,9 – 7,1 triệu đồng/tấn thì nay tăng lên 8,1 triệu đồng/tấn.
Phôi thép trong nước tăng theo diễn biến tăng mạnh đột ngột của giá nguyên liệu thép thế giới trong những ngày gần đây. Chẳng hạn giá giá quặng sắt 62% Fe nhập khẩu vào Trung Quốc cuối năm 2015 ở mức 40-42,9 đô la Mỹ/tấn sau đó tăng liên tục, có thời điểm cao nhất tới 62,7 đô la Mỹ/tấn và hiện đang ở khoảng 55 đô la Mỹ/tấn. Còn phôi thép thị trường Đông Nam Á thời điểm cuối 2015 ở mức 250 đô la Mỹ/tấn thì nay tăng lên 320 đô la Mỹ/tấn.
Nhìn chung, tiêu thụ thép cả nước tính riêng trong tháng 3-2016 vừa qua có sự tăng trưởng rất mạnh cả nội địa lẫn xuất khẩu. Tiêu thụ thép các loại tháng 3 đạt hơn 1,4 triệu tấn và xuất khẩu được hơn 220.000 tấn, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 3 tháng đầu năm 2016 tiêu thụ nội địa hơn 3,5 triệu tấn và xuất khầu được 570.000 tấn thép, tăng khoảng 50% so với quý 1-2015.
Hồi đầu tháng 3 vừa qua, thị trường thép trong nước trải qua một đợt sốt giá ảo do nhiều đại lý găm hàng, tích trữ để đẩy giá lên cao sau khi Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam có hiệu lực từ ngày 22-3. Nhiều nhà thầu xây dựng thời điểm đó một phen lo sốt vó bởi giá thép tăng từng giờ, có thời điểm sáng 12 triệu đồng/tấn đến chiều đội lên gần 14 triệu đồng/tấn.
Giải thích cho đợt tăng thép khi đó, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, lên tiếng khẳng định đó chỉ là tăng giá ảo bởi tác động của giới đầu cơ găm hàng chờ đẩy giá khiến giá thép nhảy múa liên tục chứ không thể tồn tại lâu.
Nhìn lại năm 2015, tổng lượng tiêu thụ riêng thép xây dựng cả nước đạt gần 7 triệu tấn với mức tăng 24,3% so với năm 2014. Dự báo nhu cầu thép của Việt Nam năm 2016 không thể tăng đột biến so với năm 2015, và năng lực sản xuất của ngành thép Việt Nam vượt xa nhu cầu thị trường, đặc biệt là thép xây dựng đang dư thừa rất nhiều. Khả năng sản xuất thép xây dựng cả nước hiện đạt trên 11 triệu tấn/năm, trong khi những năm gần đây các nhà máy trong nước chỉ huy động khoảng 50-60% năng lực.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG