Top

Chóng mặt giá thép nhảy múa

Cập nhật 22/03/2016 09:36

Trong những ngày gần đây, việc áp thuế tự vệ đã khiến thị trường thép nóng lên khi một số nhà máy, đại lý trung gian có động thái găm hàng, kích giá, gây ra tình trạng sốt ảo. Chỉ trong 1 ngày giá thép cuộn bán ra 11,8 triệu đồng/tấn vào đầu giờ sáng, lên 12 triệu đồng/tấn vào buổi trưa và lên 12,5 triệu đồng/tấn vào đầu giờ chiều.

Tát nước theo mưa?

Ngày 7-3-2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, thuế nhập khẩu áp dụng đối với phôi thép tăng từ 10% lên 23,3%, với thép dài (thép cuộn và thanh) tăng từ 0-5% lên 14,2%. Thời gian áp thuế tự vệ áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-3 đến hết ngày 7-10-2016. Trước đó, theo yêu cầu của Công ty Thép Hòa Phát, Công ty Thép Miền Nam, Công ty Thép Việt Ý... Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu.

Việc cân bằng lợi ích hài hòa giữa DN và người tiêu dùng hết sức cần thiết. Nếu DN sản xuất thép bỏ qua yếu tố này, khả năng Bộ Công Thương thu hồi quyết định áp thuế tạm thời sẽ xảy ra. Vì thế, chính DN phải là người có các ứng xử phù hợp nhất với trách nhiệm của cộng đồng, xã hội.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam
 

Theo số liệu thống kê, trong năm 2015, Việt Nam đã nhập 19,83 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm, tương ứng 9 tỷ USD, tăng 27,24% so với năm trước, với 52% lượng nhập chủ yếu đến từ Trung Quốc. Lượng thép từ các nước, đặc biệt là thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng mạnh và có dấu hiệu bán phá giá trong thời gian qua, đã tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn cho ngành sản xuất thép trong nước. Trong khi bị cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà, đối với thị trường xuất khẩu ngành thép đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể năm 2015 xuất khẩu thép chỉ mang về 2,46 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ. Indonesia và Malaysia cũng đã gây rất nhiều khó khăn cho ngành xuất khẩu thép Việt Nam, khi các nước này áp dụng thuế chống bán phá giá ở mức tương đối cao.

Mục đích tăng thuế đối với thép nhập khẩu lần này nhằm bảo vệ và hỗ trợ DN sản xuất thép trong nước giải quyết đầu ra. Điều này không trái với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong vòng 10 ngày qua, kể từ khi công bố quyết định về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời, giá thép trên thị trường đã “nhảy múa” như giá vàng, gây bức xúc trong dư luận. Theo các chuyên gia, thị trường thép hiện thời không khan hiếm, lượng tồn kho lên đến hàng triệu tấn, tình hình tiêu thụ thép không có dấu hiệu đột biến, nguồn nguyên liệu phôi thép nhập khẩu vẫn còn rẻ... Do đó, việc các nhà máy, đại lý có biểu hiện găm hàng, đẩy giá lên từng ngày được xem là một nghịch lý, lộ rõ ý định “tát nước theo mưa” trục lợi.

Trên thực tế, trong quá trình Bộ Công Thương tiến hành điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu, một số nhà sản xuất thép đã bày tỏ quan ngại việc làm này sẽ gây tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành thép. Lý do, nếu tăng thuế suất thuế nhập khẩu phôi thép, giá phôi và thép trong nước cũng sẽ tăng tương ứng, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Hơn nữa, chính sách này vô hình trung làm lợi cho số ít ông lớn trong ngành thép hiện đang chủ động được nguồn phôi nguyên liệu, trong khi phần lớn công ty sản xuất thép phụ thuộc phôi nhập khẩu phải gánh thêm chi phí.

Nhà thầu lo sốt vó

Giá sắt thép liên tục tăng đang tác động mạnh đến nhiều công trình xây dựng có quy mô lớn lẫn các công trình nhà ở nhỏ lẻ. Theo tính toán của một công ty chuyên xây dựng nhà phố, 1 căn nhà phố 400m2 sàn cần khoảng 14 tấn thép. Như vậy, mỗi căn nhà người dân phải chi thêm 20-30 triệu đồng do biến động giá thép. Anh Lộc, Giám đốc Công ty Nhà Nam, cho biết hiện đang nhận thi công khoảng 10 căn nhà phố, biệt thự nhưng các đại lý cung cấp thép mấy ngày qua có động thái găm hàng, đẩy giá lên từng ngày gây ra tình trạng sốt ảo khiến anh rất lo. “Tôi ghé những đại lý cung cấp thép quen thuộc để mua, họ hứa hẹn vài ngày sau mới giao với giá cao hơn. Kiểu này tôi phải thương lượng lại các hợp đồng với chủ đầu tư vì giá thép đội lên vài chục triệu đồng/căn công ty sẽ không có lời” - anh Lộc than thở.

Ông Phan Thế Hoàng, Tổng giám đốc Công ty An Phú Gia, cho biết sắp tới tham gia đấu thầu một dự án lớn với khối lượng thép hơn 2.000 tấn, nhưng giá cả hiện nay nhảy múa liên tục nên ông đang không biết chào thầu giá nào. Bởi chào giá cao lo rớt thầu, còn chào giá hiện thời nếu giá thép tăng chóng mặt như vậy lỗ là cái chắc. Ông Hoàng nhẩm tính với những công trình thông thường, chi phí sắt thép chiếm khoảng 20% giá trị gói thầu, mức tăng giá thép mấy ngày qua sẽ làm đội chi phí cho nhà thầu khoảng 4-5%. Riêng những công trình nhà thép tiền chế (nhà xưởng, nhà kho, công trình thương mại...) khả năng đội chi phí lên tới 20%. “Thị trường thép lâu nay vốn dĩ không được kiểm soát, nên chỉ cần Nhà nước có động thái ưu ái là các nhà máy, đại lý cung cấp tăng giá dây chuyền” - ông Hoàng nói.
 

Thông thường,chi phí sắt thép chiếm khoảng 20% giá trị gói thầu.

Theo lãnh đạo của một công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng tại TPHCM, việc tăng giá thép ảnh hưởng đến giá vốn của nhà thầu, vỡ kế hoạch kinh doanh và gây lo lắng cho cả DN lẫn người dân. Tác động từ đợt tăng giá đột ngột còn dẫn đến tình trạng đầu cơ lũng đoạn thị trường thép, tạo sự khan hiếm trên thị trường. Thực tế hiện nay mua thép vừa khó khăn vừa phải chịu giá cao. Với những dự án đang thi công, giá trị hợp đồng nhà thầu với chủ đầu tư đã ký, nhưng giá thép tăng sẽ làm tăng chi phí giá vốn và lỗ nặng. “Tôi đề nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp ổn định giá thép kịp thời, tránh tình trạng đầu cơ trục lợi, cũng như xem lại chính sách tăng thuế nhập khẩu phôi thép” - vị lãnh đạo này bày tỏ bức xúc.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư