Theo số liệu thống kê sơ bộ, nhập khẩu phôi thép về Việt Nam trong tháng 10/2008 đạt 103 nghìn tấn với mức giá trung bình 757 USD/tấn. Lô hàng có giá thấp nhất được nhập về từ Trung Quốc vào cuối tháng 10 là 587 USD/tấn. Như vậy, so với tháng 9, giá phôi thép nhập khẩu trong tháng 10 giảm tới 34% so với tháng 9 và là mức thấp nhất trong vòng 5 tháng trở lại đây. So với giá bán lẻ thép xây dựng hiện nay, doanh nghiệp bị lỗ khoảng 3 triệu đồng/tấn.
Theo số liệu thống kê chính thức, nhập khẩu phôi thép vào Việt Nam trong 9 tháng năm 2008 đạt 2 triệu tấn với trị giá 1,46 tỷ USD, tăng 34,25% về lượng và 100,55% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007.
Trong số những thị trường cung cấp phôi thép cho Việt Nam, nhập khẩu từ Trung Quốc trong thời gian gần đây liên tục bị giảm mạnh. Tháng 9/2008, lượng phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc tiếp tục giảm hơn 60% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2007 khiến cho lượng nhập khẩu từ thị trường này trong 9 tháng năm 2008 giảm 26,55% so với 9 tháng cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, 9 tháng năm nay, lượng phôi thép nhập khẩu từ Nga, Ukraina, Nhật Bản...tăng rất mạnh.
Một số thị trường cung cấp phôi thép cho Việt Nam tháng 9 và 9 tháng năm 2008
ĐVT: Lượng (nghìn tấn), trị giá (triệu USD)
Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã ngừng nhập khẩu phôi thép do tiêu thụ trong nước chậm và lượng tồn kho còn lớn. Tháng 9/2008, chỉ có 13 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu phôi thép với số lượng rất hạn chế. Duy chỉ có 2 doanh nghiệp là Cty Thép Vinakyoei và Cty TNHH Thép An Khánh lại tăng mạnh lượng nhập khẩu.
Tính chung 9 tháng năm 2008, lượng phôi thép nhập khẩu của phần lớn các doanh nghiệp, nhất là 20 doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2007.
Top 20 doanh nghiệp nhập khẩu nhiều phôi thép nhất trong 9 tháng năm 2008
Doanh nghiệp thép nên tiếp tục cắt lỗ
Trước sức ép của sự giảm giá trên thị trường thế giới, giá thép xây dựng giao cho các đại lý của Tổng Công ty Thép Việt Nam trong tuần qua tiếp tục giảm thêm 500-700 nghìn đồng/tấn (giảm từ 4-6%) so với tuần trước xuống còn 11,05-11,15 triệu đồng/tấn (chưa có VAT nhưng đã bao gồm công vận chuyển). Giá bán lẻ mặt hàng này giảm xuống chỉ còn 11,8 triệu đồng/tấn. Hiện nay, các đại lý bán lẻ phần lớn chỉ lãi được phần chiết khấu (tối đa là 250 nghìn đồng/tấn).
So với thị trường Trung Quốc, giá bán lẻ mặt hàng thép hiện vẫn cao hơn trên 4 triệu đồng/tấn. Mức chênh lệch nay khiến cho xu hướng hàng Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tăng mạnh.
Theo thông tin từ Ban Quản lý Cửa Khẩu Móng Cái, từ đầu hạ tuần tháng 10 đến nay, các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã giới thiệu và cho chào hàng khoảng 30 chủng loại thép với các đối tác nhập khẩu Việt Nam. Việc ký kết hợp đồng để giao chuyển hàng hóa giữa các đối tác hai bên diễn ra nhộn nhịp hơn so với trước. Các đối tác Việt Nam đã ký hơn 20 hợp đồng với các nhà xuất khẩu thép Trung Quốc để nhập khoảng 2.500 tấn thép trong tháng 11/2008 trong đó phần lớn là thép xây dựng. Đến cuối tháng 10/2008, lượng thép tập kết tại các kho và cảng của Trung Quốc gần khu vực cửa khẩu Móng Cái vào khoảng 700 nghìn tấn để sẵn sàng bán cho các đối tác Việt Nam. Số lượng này bằng tổng lượng nhập khẩu của Việt Nam trong 2 tháng gần đây.
Giá thép xây dựng của Trung Quốc chào bán sang Việt Nam vào cuối tháng 10 ở mức 4.300 NDT/tấn (tương đương 10,12 triệu đồng/tấn). Tuy nhiên, mức giá giao dịch thành công chỉ vào khoảng 3.900 NDT/tấn (tương đương 9,1 triệu đồng/tấn).
Với lượng tồn kho lớn, thị trường nội địa Trung Quốc tiêu thụ chậm, mức giá chênh lệch so với thị trường Việt Nam còn lớn, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ còn giảm giá xuất khẩu sang Việt Nam.
Trước tình trạng này, Bản tin Thông tin Thương mại đề xuất, các doanh nghiệp sản xuất thép của Việt Nam nên tiếp tục cắt lỗ để giải phóng hàng tồn kho lấy vốn quay vòng kinh doanh.
Tham khảo giá thép của Trung Quốc chào bán vào Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái từ 25/10/2008
DiaOcOnline.vn - Theo Thông Tin Thương Mại