Top

Cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ có thêm nhà ga mới

Cập nhật 29/07/2019 10:30

Theo kế hoạch, nhà ga T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác vào Quý II/2022.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa giao Bộ GTVT tải tiếp thu ý kiến Bộ KH&ĐT và phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy định.

Theo Tổng công ty Hàng không Việt Nam - ACV, hiện nay đơn vị này đã xây dựng mốc thời gian cụ thể đối với dự án nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Việc thực hiện sẽ được tiến hành ngay sau khi ACV được phê duyệt chủ trương đầu tư, đảm bảo Nhà ga T3 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác vào Quý II/2022.

Trước đó, vào tháng 4/2019, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản gửi Bộ GTVT khẳng định cơ quan này “đồng ý phương án đề xuất của Bộ GTVT, giao ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp”. Theo ACV, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất là một trong 21 cảng đang được giao ACV quản lý, khai thác, cung cấp chuỗi dịch vụ hàng không liên tục từ khu bay, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách.

Vì vậy, việc để ACV đầu tư và khai thác thêm 1 nhà ga tại Tân Sơn Nhất không chỉ bảo đảm nguyên tắc mỗi cảng hàng không, sân bay chỉ có một người khai thác mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả, đồng bộ dây chuyền phục vụ với các nhà ga T1, T2 hiện có, tối ưu và nâng cao hiệu quả dự án và các công trình mà ACV đã đầu tư và đang khai thác.

Bộ GTVT cũng đã có văn bản trình Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên xảy ra tình trạng tắc nghẽn.

Văn bản của Bộ GTVT do Thứ trưởng Lê Đình Thọ ký đề xuất 4 hình thức đầu tư nhà ga này gồm: Giao cho ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp; Sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Thành lập tổ chức kinh tế để đầu tư; Đầu tư xây dựng theo hình thức PPP.

Đề xuất của Bộ GTVT cũng phân tích cụ thể các ưu nhược điểm của từng phương án. Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất chọn phương án giao ACV.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đức Thọ, ACV là DNNN chiếm 95,4% vốn chủ sở hữu; đồng thời là doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận là người khai thác cảng nên việc giao đầu tư các dự án có hiệu quả tài chính để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết.

Tình trạng tắc nghẽn, chậm chuyến, hủy chuyến của Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất tồn tại nhiều năm nay. Các chuyên gia hàng không đã từng đưa ra nhiều nhận định và giải pháp khác nhau về thực trạng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, nếu giảm được 5 phút bay/chuyến thì mỗi năm sẽ tiết tiết kiệm được 100 tỷ đồng. Thế nhưng, với việc phải bay “lòng vòng” trên trời từ 15’ – 30’ vì sân bay quá tải đã “ngốn” của các doanh nghiệp hàng không hàng triệu USD.

Những dịp cao điểm như Tết Kỷ Hợi 2019, sân bay Tân Sơn Nhất “gồng mình” đón 900 lượt cất hạ cánh, phục vụ trung bình 142.000 lượt hành khách. Với hạ tầng yếu kém như hiện nay, theo các chuyên gia, đã đến lúc sân bay Tân Sơn Nhất cần có giải pháp để hạn chế các chi phí phát sinh, gây thiệt hại đối với các doanh nghiệp.

DiaOcOnline.vn – Theo VTC