Top

Cần đẩy mạnh sử dụng gạch không nung

Cập nhật 27/02/2017 11:29

Thói quen sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) ở Việt Nam chủ yếu là gạch đất sét nung. Đó là một thói quen lãng phí, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên đất đai và môi trường sống.

Để sản xuất 1 tỉ viên gạch đất sét nung sẽ phải tiêu tốn hơn 1,5 triệu m3 đất sét (khoảng 75 ha đất), 150.000 tấn than, thải ra môi trường 0,52 triệu tấn khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, khả năng cơ giới hóa xây lắp thấp, tính cách âm, cách nhiệt của tường xây bằng gạch đất sét nung thấp...

Với nhiều ưu thế của mình như thân thiện với môi trường, chi phí thấp, cách âm, cách nhiệt tốt, gạch không nung được xem là xu hướng tất yếu của ngành VLXD. Để hiện thực hóa xu hướng này, từ năm 2010, Chính phủ đã phê duyệt chương trình phát triển VLXD không nung thay thế gạch đất sét nung. Mục tiêu chính của chương trình là đến năm 2020, vật liệu không nung phải chiếm 40% sản lượng VLXD. Với sự hỗ trợ từ chính sách, nhiều người kỳ vọng gạch không nung sẽ dần có chỗ đứng ở thị trường trong nước và được sử dụng rộng rãi hơn tại các công trình.

Một công trình sử dụng gạch không nung ở Vĩnh Phúc. Ảnh: VABM

Theo quy định, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước bắt buộc phải sử dụng VLXD không nung theo lộ trình: tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 100% VLXD không nung từ đầu năm 2013, các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXD không nung cùng thời điểm và sau năm 2015 phải sử dụng 100%.

Theo Viện Vật liệu Xây dựng, việc sử dụng gạch bê-tông nhẹ thay cho gạch đất nung đem lại lợi ích kinh tế khá lớn: đối với công trình 9 tầng, có thể giảm 20% phản lực đầu cọc giúp giảm chiều dài cọc móng, giảm 25% khối lượng thép cột, giảm 10% khối lượng thép dầm; đặc biệt, hiệu quả cao đối với công trình trên nền đất yếu.

Tuy nhiên, đã hơn 6 năm trôi qua, mục tiêu của Chính phủ đã không như kỳ vọng, các nhà thầu xây dựng, các công trình sử dụng vật liệu không nung chưa nhiều, chưa thể đi vào thực tế. Nguyên nhân được cho là thiếu hướng dẫn đồng bộ chuyên ngành về chỉ tiêu thiết kế, thi công, định mức kinh tế, kỹ thuật... đối với từng loại công trình phải sử dụng gạch không nung của Bộ Xây dựng. Còn theo các nhà thầu xây dựng, một số loại VLXD không nung đòi hỏi cách thi công, dụng cụ mới nên công nhân chưa quen và nhiều nhà thầu e ngại sử dụng.

Ngành VLXD cần phải có lộ trình chi tiết để phát triển gạch không nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung và hạn chế xây dựng mới các nhà máy gạch tuynel.

DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ