Hai câu chuyện vốn chẳng liên quan gì đến nhau, một là chuyện thầy giáo tố cáo tiêu cực thi cử, một là doanh nghiệp vốn nước ngoài xin giấy phép mở thêm cửa hàng đồ ăn nhanh ở Việt Nam. Nhưng cái cách mà chủ thể câu chuyện đã và có thể sẽ phải đối mặt khiến người ta không thể không đặt rất nhiều câu hỏi về sự minh bạch trong môi trường giáo dục và sự minh bạch trong môi trường kinh doanh.
Câu chuyện Công ty TNHH Pizza Việt Nam chưa thể mở thêm cửa hàng Pizza Hut tại một số địa điểm ở Hà Nội mà không rõ lý do một lần nữa được ông Alain Cany, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu lên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các doanh nghiệp diễn ra ngày 28/4 tại Hà Nội.
Ông Alain Cany, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp Việt Nam (VBF)
|
Nếu có những trường hợp doanh nghiệp dám đứng ra "tố" những tiêu cực, thái độ sách nhiễu, phiền hà, "hành" doanh nghiệp ở đâu đó từng được dư luận biết tới, thường thì cũng chỉ là những doanh nghiệp đã chấp nhận đường cùng. |
Cần phải nói thêm rằng, trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chắc chắn Công ty TNHH Pizza Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất gặp những phiền hà, vướng mắc về thủ tục hành chính như trên. Vấn đề là, các doanh nghiệp có đủ dũng cảm, chấp nhận đối mặt với những khó khăn vô hình đang đón đợi ở phía trước, nếu nói thẳng những vướng mắc, phiền hà mà mình gặp phải hay không?
Doanh nghiệp nào dám để đồng vốn chôn ở đó, chấp nhận các kế hoạch kinh doanh nằm im ở đó, chấp nhận các đơn hàng bị hủy, kéo theo những thiệt hại kinh tế, để theo đuổi những minh bạch mà họ đáng được hưởng?
Lâu nay, nếu có những trường hợp doanh nghiệp dám đứng ra "tố" những tiêu cực, thái độ sách nhiễu, phiền hà, "hành" doanh nghiệp ở đâu đó từng được dư luận biết tới, thường thì cũng chỉ là những doanh nghiệp đã chấp nhận đường cùng. Khi đó, câu quen thuộc vận vào họ ít khi chệch, là "được vạ thì má đã sưng", được giấy phép, được mở cửa hàng thì cơ hội kinh doanh cũng trôi qua, bản thân doanh nhân, doanh nghiệp đó cũng khó tránh khỏi ít nhiều sứt mẻ.
Người viết bài này bỗng liên tưởng tới nhiều trường hợp chống tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục, từng làm dậy sóng dư luận xã hội những năm qua, như thầy giáo Đỗ Việt Khoa (ở Thường Tín, Hà Nội) hay sau đó là thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc (huyện Lục Nam, Bắc Giang), từng được cả nước biết đến trong việc phanh phui sai phạm ở "vụ Đồi Ngô" (trường THPT Dân lập Đồi Ngô gian lận thi cử năm 2012).
Dù sau khi các clip gian lận thi cử do thầy Ngọc thực hiện và công bố, ngành giáo dục vào cuộc và ngày 11/8/2012, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang có quyết định cách chức, hủy chức danh, kỷ luật khiển trách, phạt tiền đối với 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 năm đó, nhưng cũng như "người đương thời" Đỗ Việt Khoa nhiều năm trước nay đã thành "người quá vãng", "Người hùng Đồi Ngô" hai năm trước giờ đã phải rời xa bục giảng, lao vào ôn luyện tiếng Nhật, chấp nhận xuất ngoại, tha phương cầu thực, tìm kế sinh nhai.
Lý do đơn giản là, dù việc thầy Ngọc làm là đúng, nhưng không còn nơi nào dám nhận thầy Ngọc về làm việc, họ đều nhìn con người dám đứng lên chống tiêu cực đó với ánh mắt dò xét. "Người hùng", người dám nói lên sự thật bỗng chốc thành người không còn chốn dung thân.
Một doanh nghiệp thì khác một cá nhân. Một doanh nghiệp thì không lo bị từ chối một cơ hội làm việc. Nhưng một doanh nghiệp không thể sản xuất, kinh doanh có thể khiến hàng chục, hàng trăm, thậm chí nhiều hơn thế lao động không có việc làm.
Câu chuyện về "người hùng Đồi Ngô" hay Pizza Hut là thách thức không dễ hóa giải về sự minh bạch của môi trường giáo dục và môi trường kinh doanh
|