Top

Nước hoa Miss Saigon - Lặng lẽ tỏa hương, lặng lẽ sống

Cập nhật 23/06/2014 15:59

Duyên dáng, ngọt ngào nhưng Miss Sài Gòn vẫn đứng "lặng lẽ, âm thầm" giữa thị trường xô bồ, huyên náo.


Nói đến nước hoa, người ta thường nghĩ ngay đến những cái tên nước ngoài như Chanel, Dior, Burberry... Nhưng có một thương hiệu Việt nay đang vẫn đang tỏa hương lặng lẽ, âm thầm cạnh tranh giữa các nhãn hiệu lừng danh thế giới. Đó là một công ty mỹ phẩm hiếm hoi của nước nhà sống và tăng trưởng suốt 40 năm - công ty Mỹ phẩm Sài Gòn và sản phẩm nước hoa Miss Sài Gòn.

Thách thức: Làm sao để không lẫn với ai?

Công ty cổ phần Mỹ phẩm Sài Gòn tiền thân là hãng nước hoa Imortel trước năm 1975. Sau năm 1975, Imortel được chuyển thành Phân xưởng Mỹ phẩm II, sau đó là Xí nghiệp Mỹ phẩm II và trở thành Xí nghiệp Mỹ phẩm Sài Gòn vào năm 1990.

Chủ tịch công ty hiện nay là bà Nguyễn Kim Thoa. Bà Thoa được phân công về làm ở Xí nghiệp Liên hiệp Hóa Mỹ phẩm từ năm 1980. Sau nhiều chuyến công tác nước ngoài tìm hiểu về ngành sản xuất nước hoa của các nước phát triển, bà luôn nghĩ đến việc cho ra đời một dòng nước hoa Việt Nam để sánh ngang với các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Lancôme,... Nhưng phải làm thế nào để thương hiệu của mình vừa riêng, vừa độc đáo, để người ta dễ nhớ, khó quên?

Hơn nữa lúc ấy đất nước còn đang khó khăn, số đông dân chúng lấy đâu ra tiền mua mặt hàng xa xỉ như nước hoa?

Tuy nhiên, với tính quyết đoán và tầm nhìn cho tương lai, bà Thoa vẫn kiên trì theo đuổi đam mê bởi chị biết, cùng với sự tăng trưởng của kinh tế đất nước, người tiêu dùng sẽ ngày càng có thu nhập cao hơn, nhu cầu làm đẹp của chị em phụ nữ trong xã hội hiện đại cũng sẽ ngày càng tăng mạnh.

Hướng đi: Ý tưởng tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam

Mỗi người Việt Nam đều chất chứa trong lòng niềm tự hào dân tộc và lòng yêu nước. Nước hoa Miss Sài Gòn ra đời với ý tưởng tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam, mùi hương dịu ngọt, lọ đựng nữ tính, gợi cảm, hệt như nét đẹp vẹn toàn cả trong lẫn ngoài của cô gái Việt.

Ngoại hình sản phẩm

Giá trị của nước hoa không chỉ nằm ở chất lượng hương thơm mà lọ đựng cũng tôn thêm đẳng cấp cho nó. Lọ đựng nước hoa Miss Sài Gòn mang hình dáng của thiếu nữ Việt Nam duyên dáng trong ba loại trang phục: miền Bắc là áo tứ thân và nón quai thao, miền Trung là áo dài và nón lá, miền Nam là áo bà ba giản dị, tất cả đều là những biểu tượng chỉ Việt Nam mới có, hoàn toàn khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí người tiêu dùng.

Chất lượng sản phẩm

Miss Sài Gòn cũng tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm sao cho hương thơm bền lâu trên 12 giờ/ngày với tỉ lệ cồn thấp. Ngoài ra, hãng cũng đa dạng hóa sản phẩm nhằm vươn rộng tới nhiều nhóm khách hàng, mỗi sản phẩm mang lại một mùi hương khác nhau, phù hợp với từng lứa tuổi.

Giá bán

Hiện nay, công ty áp dụng chiến lược định giá theo thị trường, định giá theo nhu cầu người tiêu dùng nên có một hệ thống giá linh hoạt. Giá sản phẩm nước hoa từ dưới 100.000 - 400.000 đồng, đây đều là mức giá phù hợp cho mọi đối tượng, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp vẫn có thể mua được. Giá cả sản phẩm xuất khẩu của công ty nhìn chung cao và ổn định.

Bán thế nào: Chiến đấu "âm thầm", tập trung xuất khẩu

Âm thầm thuyết phục khách hàng trung thành


Trước sự đổ bộ của các đối thủ, Mỹ phẩm Sài Gòn chọn cách chiến đấu âm thầm.

Không cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ, Mỹ phẩm Sài Gòn chú tâm vào việc chăm sóc và duy trì những khách hàng trung thành.

Miss Sài Gòn nhắm tới thị trường mục tiêu là phụ nữ từ 18 đến 28 tuổi có mức thu nhập trung bình. Mỗi năm tiêu thụ khoảng 500.000 chai. Giá nước hoa Cindy chỉ bằng chưa tới 1/10 giá nước hoa của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài. Loại nước hoa này nhắm đến những người có thu nhập thấp và giới công nhân, được tiêu thụ tại các chợ truyền thống.

Mỹ phẩm Sài Gòn còn có những loại nước hoa cao cấp với giá khá cao. Đó là dòng nước hoa Miss Việt Nam, giá khoảng 2,5 triệu đồng/hộp 3 chai 35ml. Mỹ phẩm Sài Gòn đã hướng đến khách du lịch và những doanh nhân có nhu cầu tặng những món quà có hình dáng cô gái Việt cho đối tác.

"Sản phẩm của chúng tôi len lỏi vào những ngõ ngách của thị trường và chúng tôi đã có được một lượng khách hàng trung thành. Đó là con đường để Mỹ phẩm Sài Gòn tồn tại và phát triển đến nay", bà Lê Như Quỳnh, đại diện Marketing của Công ty, cho biết.

Đổi mới công nghệ

Năm 2003 đến 2005, công ty đầu tư mua và xây dựng nhà máy mới tại 930 Nguyễn Thị Định, Khu Công nghiệp Cát Lái 2, Quận 2, TP.HCM.

Năm 2006, tiếp tục khánh thành nhà máy mới, di dời toàn bộ 3 nhà xưởng cũ về nhà máy mới hoạt động với dây chuyền sản xuất khép kín, máy móc thiết bị hiện đại. Bao gồm 1 khu văn phòng; 03 phân xưởng sản xuất chính: nước hoa, xà bông, và dầu gội; 02 khu pha chế và 01 kho hàng.

Năm 2007, chuyển đổi thành mô hình công ty đại chúng.

Tỏa hương ở nước ngoài

Mỹ phẩm Sài Gòn chọn xuất khẩu là thị trường chính. Trước năm 2006, doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm hơn 60% tổng doanh thu của Mỹ phẩm Sài Gòn. Sau năm 2006, xuất khẩu chiếm 50% doanh thu. Trong đó Đông Nam Á là thị trường đóng góp nhiều doanh thu nhất.

Trong năm 2013, xuất khẩu đã phát triển thêm thị trường mới tại Australia và xây dựng thành công hệ thống bán hàng online cho toàn thị trường Australia.

Ngoài kênh xuất khẩu, sản phẩm của Mỹ phẩm Sài Gòn còn được phân phối qua 2 kênh khác. Đó là kênh bán hàng truyền thống, gồm các đại lý, chợ, cửa hàng, chiếm 30% doanh thu. Kênh thứ 2 là các tụ điểm gồm có siêu thị, nhà sách, bán hàng qua mạng và SC Perfume (là chuỗi cửa hàng riêng của công ty). Kênh này chiếm 20% doanh thu.

Năm 2013, SC Perfume xây dựng hệ thống bán hàng tiến ra thị trường miền Bắc. Công ty cũng tiến hành kiểm soát tốt lượng hàng tồn kho nhà phân phối, giảm bình quân tồn kho từ 2 tháng bán hàng xuống còn 3 tuần bán hàng.

Kết quả

Doanh thu năm 2013 của công ty đạt 187,33 tỷ đồng đạt 96% so kế hoạch năm, đạt 102% so với thực hiện năm 2012. Lợi nhuận trước thuế năm 2013: 14,2 tỷ đồng đạt 105% so kế hoạch và đạt 109% so với thực hiện năm 2012 (chênh lệch tăng 1,2 tỷ đồng). Cổ tức : 8%.

Miss Sài Gòn đã có mặt tại các khu vực như Đông Âu, Úc, Đài Loan, Philippines, Maylasia, Singapore, Campuchia, Lào, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc... Tuy nhiên có một số điều mà Miss Sài Gòn vẫn chưa làm được.

- "Đọ" với hàng Trung Quốc: Các nhãn hiệu sản phẩm nước hoa Trung Quốc được nhập khẩu đa phần là những nhãn hiệu không có danh tiếng, chất lượng cũng thua kém Miss Sài Gòn nhưng kiểu dáng lại phong phú, màu sắc hài hòa. Dù thuế đánh vào sản phẩm nước hoa là cao song tình trạng nhập lậu từ Trung Quốc khó kiểm soát nên khối lượng nước hoa Trung Quốc tràn vào thị trường trong nước rất nhiều.

- Chưa tỏa hương ở những trung tâm lớn: Trong cuộc chiến khốc liệt giữa các thương hiệu toàn cầu, hàng xách tay, hàng nhập lậu, nước hoa Việt Nam gặp nhiều bất lợi. Hiện tại Mỹ phẩm Sài Gòn vẫn khó đưa sản phẩm vào các trung tâm thương mại lớn như Diamond, Parkson do các trung tâm này chủ yếu trưng bày hàng có thương hiệu lớn.

- Chưa đạt hiệu quả định vị tối ưu: Nhiều người cho rằng nước hoa chính là cái tôi thứ hai của người sử dụng, phong cách riêng của bạn thể hiện qua mùi thơm bạn lựa chọn. Các loại nước hoa hàng hiệu có danh tiếng đều định vị rất hoàn hảo cho sản phẩm của mình. Ví dụ như Chanel N°5 là sự sang trọng, điềm đạm của phụ nữ trưởng thành và có công việc ổn định trong xã hội, Nina Ricci nóng bỏng đầy sức sống, Chloé là biểu hiện cho những phụ nữ dễ say đắm và ngọt ngào.

Còn sản phẩm nước hoa Miss Sài Gòn mới chỉ đưa ra cho công chúng thông điệp nhấn mạnh về hương thơm "Miss Sài Gòn, ngây ngất, khó quên" chứ chưa chú ý lột tả những đặc điểm nổi trội của người tiêu dùng Miss Sài Gòn, chưa thể hiện được "người dùng Miss Sài Gòn có cá tính gì?"


DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ