Top

Xây dựng không phép: Nhà cấp bốn, cao ốc đều bị phạt 20 triệu đồng?

Cập nhật 29/08/2008 13:00

Nên quy định “buộc tháo dỡ” là hình thức phạt chính. Xây không phép 1 m2 cũng bị phạt ngang với 1.000 m2 là bất hợp lý.

Theo dự thảo sửa đổi Nghị định 126 năm 2004 về phạt hành chính trong xây dựng, quản lý công trình hạ tầng đô thị và quản lý sử dụng nhà, hành vi xây dựng không phép tăng 100-150 lần so với Nghị định 126.

Thay vì phạt 100-200 ngàn đồng như hiện nay, sắp tới mức phạt có thể được nâng lên đến 15-20 triệu đồng. Ngoài ra, dự thảo sửa đổi nghị định cũng dự kiến nâng mức phạt khi xây dựng sai giấy phép lên 5-10 triệu đồng.

Có ý kiến cho rằng mức phạt cũ quá nhẹ, không đủ sức răn đe nên tình trạng xây dựng không phép, trái phép thời gian qua còn nhiều. Vậy với mức phạt mới dự kiến tăng cao như vậy liệu có khả thi?

Nên phạt đồng mức hay theo quy mô?

Ông Trần Ngọc Hổ - Phó Chủ tịch UBND quận 12 (TP.HCM) cho rằng việc tăng mức phạt tiền lên 15-20 triệu đồng đối với hành vi xây dựng không phép như dự thảo là vừa nhẹ lại vừa nặng.

Theo ông Hổ, tăng mức phạt tiền là cần thiết để ngăn ngừa vi phạm. Tuy nhiên, nếu không phân chia cấp hạng công trình mà đánh đồng như nhau thì e rằng khó khả thi.

Trường hợp xây cao ốc, biệt thự trong nội thành không phép, sai phép thì mức này chẳng thấm thía. Nhưng đối với một hộ nghèo xây nhà cấp bốn trị giá vài chục triệu đồng mà phạt 15-20 triệu đồng là quá nặng.

Đồng thuận với ý kiến trên, ông Nguyễn Như Hồng - Chánh Thanh tra xây dựng quận Phú Nhuận cũng khẳng định mức phạt cao như dự thảo là cần thiết vì thủ tục xin phép xây dựng hiện nay không khó.

Tuy nhiên, nếu chỉ có một khung duy nhất cho mọi hành vi, mọi cấp công trình thì sẽ khó vận dụng.

“Một công trình cải tạo, sửa chữa nhỏ mà cũng bị phạt 15-20 triệu đồng như xây dựng không phép một quán bar, nhà xưởng quy mô lớn thì không hợp lý” - ông nói.

Lãnh đạo một quận khác cho biết trước đây, Nghị định 48 năm 1997 về phạt trong xây dựng (bị thay thế bởi Nghị định 126) quy định mức tiền phạt căn cứ vào diện tích công trình, tức theo mét vuông.

Diện tích công trình không phép, sai phép là bao nhiêu thì cứ thế mà nhân lên. Tuy nhiên, cách phạt này khó áp dụng vì nhiều trường hợp khó tính được chính xác như cải tạo, sửa chữa...

Đến Nghị định 126 thì không phạt tiền theo mét vuông mà phạt theo hành vi. Tuy nhiên, cách này cũng có khuyết điểm là xây dựng không phép, sai phép 1 m2 cũng bị phạt như vi phạm trên 1.000 m2.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 126 nâng mức phạt tiền tăng lên gấp 100-150 lần, nếu cũng phạt căn cứ vào hành vi thì càng không công bằng.

Các ý kiến được hỏi đều đề nghị nên phân chia cấp hạng, quy mô công trình xây dựng khi phạt tiền thì sẽ khả thi hơn.

Xây thiếu tầng cũng phạt ngang xây lố tầng

Bà Hồ Thị Kim Loan - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng hành vi xây dựng sai phép mà lố quá giấy phép bị phạt 5-10 triệu đồng thì không nói.

Nhưng chẳng lẽ những công trình sai phép do xây thiếu tầng hơn giấy phép vì thiếu tiền (nhất là các căn nhà buộc xây theo mẫu) cũng bị phạt tương tự xây lố? Bà kiến nghị chỉ phạt các trường hợp xây lố giấy phép xây dựng, tha cho trường hợp xây ít hơn giấy phép.

Theo bà Loan, cần xem xét tính phù hợp của dự thảo này với các luật khác khi cùng điều chỉnh một đối tượng. Theo dự thảo, nếu chủ đầu tư dàn xếp, mua bán thầu; thông đồng với nhà thầu, tổ chức đấu thầu hình thức hoặc không đấu thầu nhưng vẫn lập hồ sơ thì sẽ bị phạt 100-150 triệu đồng.

Nhưng Nghị định 150 năm 2005 về đầu tư cũng có chế tài hành vi này nhưng phạt nhẹ hơn, chỉ 20-70 triệu đồng. Còn hành vi chiếm dụng vỉa hè theo dự thảo sẽ bị phạt tới 20 triệu đồng.

Với trường hợp tận dụng giữ xe, xây dựng kiên cố thì mức phạt này là đủ răn đe. Nhưng với người bán hàng rong hoặc chỉ kê tạm một, hai bàn bán nước chẳng lẽ cũng bị phạt 20 triệu đồng?

Buộc tháo dỡ là nặng nhất

Ông Lâm Quang Thơ - Chánh Thanh tra Xây dựng quận Tân Phú kiến nghị dự thảo sửa đổi Nghị định 126 nên sửa thuật ngữ “hình thức xử phạt bổ sung” khi chế tài công trình phải khắc phục hậu quả (buộc tháo dỡ, phải xin phép xây dựng cho đúng quy định...).

Mặc dù đánh vào kinh tế là rất quan trọng nhưng biện pháp buộc công trình phải trả lại nguyên trạng, tháo dỡ... mới là chế tài nặng nhất.

Nhưng trước nay, luật cứ sử dụng khái niệm đó là hình thức “phạt bổ sung” (hình thức phạt phụ) thì áp dụng cũng được mà không áp dụng thì cũng không sao.

Do đó, tâm lý người dân không xem nó là cái chính mà cứ nghĩ nộp phạt xong là công trình được tồn tại nên dễ chấp nhận vi phạm. Nếu đưa chế tài buộc tháo dỡ công trình là biện pháp phạt chính song song với phạt tiền thì người dự định vi phạm sẽ phải cân nhắc kỹ.

>Xây nhà không phép: Sẽ phạt tới 20 triệu đồng

Theo Pháp Luật TP