Sự yếu kém của công tác quy hoạch đất đai và nhà ở, hổng trong việc thu thập xử lý thông tin, bộ máy quản lý hành chính cồng kềnh… là những hạn chế cản trở sự phát triển thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp ở Hà Nội.
Giảm “quy hoạch treo”
Theo các chuyên gia kinh tế, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đang vấp phải 2 vấn đề nổi cộm về quy hoạch.
Đó là, việc lập quy hoạch sử dụng đất chưa gắn chặt với quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân bố lực lượng sản xuất, quy hoạch phân bố dân cư và chương trình bảo vệ môi trường theo phương pháp “quy hoạch hợp nhất” nên dẫn tới tính hình thức hay “quy hoạch treo”; Còn phổ biến hình thức giao, thuê đất do cá nhân và doanh nghiệp tự tìm đất, thường là không đúng quy hoạch và thực hiện theo cơ chế xin - cho (cò dự án).
“Do vậy, cải tiến công tác quy hoạch là một giải pháp quan trọng góp phần cải thiện tình hình hiện nay. Thời gian tới cần nâng cao công tác quy hoạch một cách thực chất để giảm “quy hoạch treo” và chuyển sang hình thức giao đất thông qua đấu thầu QSDĐ do Trung tâm Phát triển Quỹ đất Thành phố tổ chức. Đẩy nhanh việc quy hoạch chi tiết và công khai quy hoạch vùng đô thị hoá, công khai quy hoạch nhà đất để chống đầu cơ, chống kích cầu ảo” - TS. Hoàng Xuân Nghĩa, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Hà Nội đề xuất.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc tích hợp có hệ thống các thông tin nhà đất vào chứng chỉ nhà đất, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường BĐS Thành phố phục vụ công tác quản lý Nhà nước và cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư cũng là vấn đề hết sức quan trọng.
Do chưa được pháp luật thừa nhận hoặc nhà ở bất hợp pháp, nên đặc điểm của các thông tin về nhà đất của người thu nhập thấp thường rất thiếu hụt, tản mạn và tuỳ tiện.
Để quản lý nhà đất với tư cách là công cụ thúc đẩy hình thành thị trường hiệu quả, các thông tin này cần phải được tích hợp đầy đủ vào chứng chỉ nhà đất (GCN QSDĐ & GCN QSHN) và hồ sơ địa chính mang tính chuyên nghiệp.
Theo quy định mới hiện nay (Nghị định 84/CP), tất cả các loại đất đều được cấp GCN QSDĐ, chỉ trừ đất đai đã có quyết định thu hồi.
Tuy nhiên, trên thực tế những người nghèo thường lâm vào tình trạng “bi kịch”: chờ đợi không biết đến bao giờ mới được cấp GCN đất và nhà ở.
Và chừng nào, vấn đề này chưa được giải quyết, tình trạng nhà ở của người thu nhập thấp vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng; nói cách khác, thị trường nhà đất phi chính quy vẫn có cơ sở tồn tại. Đó thực sự là “lỗ hổng lớn” trong công tác thu thập xử lý thông tin về nhà đất.
Ngoài ra, cần thiết xây dựng một Ngân hàng dữ liệu BĐS nhà ở của Hà Nội, gồm các chính sách của Nhà nước và Thành phố về nhà đất, bản đồ các thửa đất và nhà ở dân cư, quy hoạch SDĐ và các dự án nhà đất cho người thu nhập thấp kêu gọi đầu tư (gồm xây dựng mới và cải tạo chung cư cũ)…
Ngân hàng dữ liệu này cùng với các Thông tin tích hợp trong GCN về nhà đất sẽ được đưa lên Cổng giao dịch điện tử chính thức của Thành phố và cập nhật thường xuyên.
Cải cách bộ máy quản lý hành chính công về nhà đất
Bộ máy quản lý nhà đất kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân cản trở hình thành thị trường BĐS, không ít trường hợp gây nên những tiêu cực, tham nhũng và bức xúc cho xã hội và dân cư, mà trực tiếp cho người thu nhập thấp.
Theo con số thống kê, trên 70% khiếu kiện hiện nay là thuộc về lĩnh vực nhà đất; những thất thoát lãng phí lớn nhất cũng ở trong lĩnh vực nhà đất. Nhưng cải cách hành chính trong lĩnh vực nhà đất là vấn đề thực sự khó khăn và phức tạp, bởi nó đụng chạm đến các đặc quyền, đặc lợi của một nhóm quan chức trong bộ máy công quyền.
Theo ông Nghĩa, giải pháp thực hiện cải tổ bộ máy quản lý nhà đất là phải phân định chức năng quản lý nhà nước và chức năng dịch vụ về nhà đất.
Bộ máy Nhà nước trong lĩnh vực nhà đất có hai chức năng chủ yếu: Chức năng quản lý nhà nước về nhà đất mà nhiệm vụ chủ yếu của nó là giám sát thực thi Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các chích sách tương ứng; Cung cấp dịch vụ hành chính công về nhà đất.
Chức năng thứ nhất là nhiệm vụ của chính quyền, chức năng thứ hai là của các tổ chức hành chính công. Trên cơ sở phân định rõ chức năng như vậy có thể tổ chức lại bộ máy và chấn chỉnh công tác quản lý nhà đất, tách hai chức năng trên không để lẫn lộn.
Chính quyền các cấp từ Phường đến Thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về nhà đất. Sở Địa chính Nhà đất bao gồm cả các Phòng Địa chính của quận hay phường làm tham mưu cho Chính quyền về quản lý nhà đất và đồng thời thực hiện chức năng dịch vụ hành chính công.
Riêng chức năng dịch vụ hành chính công lại có thể giao cho một tổ chức chuyên trách, hoạt động theo nguyên tắc tự trang trải, theo quy định của tổ chức sự nghiệp có thu.
Mặt khác, cần thực hiện phân cấp triệt để trong quản lý nhà đất, xác định vai trò cấp Phường. Chẳng hạn, việc mua bán sang nhượng nhà đất, cấp GCN nhà đất, quản lý công tác xây dựng và nhà đất, xử lý các tranh chấp khiếu kiện nhà đất… có thể giao cho cấp Quận hay Phường.
“Bằng cách đẩy mạnh sự phân cấp để làm rõ trách nhiện của tổ chức và cá nhân trước pháp luật là một việc Hà Nội nhất thiết phải thực hiện để tạo sự chuyển biến thực chất trong công tác quản lý Nhà nước về nhà đất. Nhưng sự phân cấp trong quản lý nhà đất đang gặp phải trở ngại phân chia quyền lợi. Chính vì lẽ này việc ban hành các quy chế cụ thể về nghĩa vụ và chức năng của bộ máy các cấp là một trong những nội dung quan trọng của cải cách hành chính” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Vào thời điểm hiện nay, cởi "nút thắt cổ chai" hành chính và thể chế, nhằm phát triển lành mạnh thị trường BĐS và thị trường nhà ở cho người thu nhập thấp, lập lại trật tự kỷ cương về nhà đất trên địa bàn TP Hà Nội là lĩnh vực cần được ưu tiên giải quyết.
Chỉ trên cơ sở đó mới có thể làm lành mạnh hoá các quan hệ kinh tế - xã hội và đảm bảo phát triển bền vững Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại và hài hoà về kinh tế - xã hội - đô thị - môi trường.
>Hà Nội: Cần tạo lập nhà ở giá rẻ
Theo Hà Nội Mới