Top

Vì sao cảng chờ đường?

Cập nhật 23/08/2009 11:15

Lễ khởi công cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) vào ngày 16-5-2009 - Ảnh: Thanh Đạm

Đó là nội dung cuộc trao đổi giữa PV Tuổi Trẻ với ông Trần Tấn Phúc - chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị lập dự án quy hoạch cảng biển VN - về vấn đề giải quyết ùn tắc giao thông ở các cảng biển của TP.HCM và khu vực lân cận.

* Thời gian qua việc xây dựng cảng biển mới đã không đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, chẳng hạn như Tân Cảng Sài Gòn dời về Cát Lái bị ùn tắc giao thông trên liên tỉnh lộ 25, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đang xây dựng chưa có đường vào cảng, cảng SPCT sắp khánh thành nhưng dự án mở rộng đường vào cảng chậm. Vì sao lại như vậy?

- Theo tôi, trình tự triển khai các dự án hạ tầng giao thông phục vụ các cảng biển bị chậm. Nguyên nhân là các dự án hạ tầng giao thông muốn triển khai đều phải thực hiện theo đúng trình tự xây dựng cơ bản với rất nhiều thủ tục hành chính, thứ hai là vướng mắc ở khâu đền bù giải tỏa, thứ ba do thiếu vốn đầu tư và cuối cùng là thiếu một “nhạc trưởng” để có thể điều phối một cách đồng bộ các dự án cơ sở hạ tầng cảng biển và mạng lưới hạ tầng kết nối với cảng.

* Có ý kiến cho rằng do thiếu sót khi không giao việc xây dựng hạ tầng giao thông làm đường kết nối vào cảng cho các nhà đầu tư xây dựng cảng biển. Ông nói gì về vấn đề này?


Ông Trần Tấn Phúc - Ảnh: N.Ẩn

- Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 có ghi rõ: vốn đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài cảng bao gồm hệ thống đường, hệ thống điện nước, thông tin liên lạc sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm.

Điều này là đúng, những hạng mục cơ sở hạ tầng ngoài cảng là ngoài hàng rào cảng, chi phí đầu tư lớn, thu hồi vốn chậm, là những công trình công cộng sử dụng chung cho nhiều dự án trong khu vực, cho nên việc sử dụng vốn ngân sách là phù hợp nhất. Dĩ nhiên, ở một số dự án cụ thể có những đặc thù riêng, do yêu cầu về tiến độ khai thác thì nhà đầu tư phải bỏ tiền ra đầu tư đường để kết nối cảng với mạng đường chung, chẳng hạn cảng SP-PSA, cảng Posco, cảng SITV tại khu vực Thị Vải. Tuy nhiên, cũng chỉ giới hạn với những đoạn đường ngắn khoảng vài trăm mét.

* Trong quy hoạch cả nước có sáu nhóm cảng biển, theo ông, cần ưu tiên đầu tư nhanh về hệ thống giao thông hạ tầng cho nhóm cảng biển nào?

- Trước hết, nói về vấn đề đồng bộ. Để phát triển hệ thống cảng biển cả nước thì cần có mạng giao thông sau cảng đồng bộ ở tất cả các địa điểm quy hoạch phát triển cảng. Tuy nhiên, xét về mức độ cấp bách hiện nay thì nhóm cảng số 5 (TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu) và nhóm cảng số 1 (các tỉnh phía Bắc từ Quảng Ninh đến Ninh Bình) cần được ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông sau cảng.

Đây là hai nhóm cảng phục vụ hai vùng kinh tế năng động nhất của cả nước. Nhóm cảng số 5 đang đảm nhiệm thông qua khối lượng hàng hóa khoảng 50% và nhóm cảng số 1 đang đảm nhiệm thông qua khối lượng hàng hóa trên 20% so với cả nước.

* TP.HCM có quy hoạch di dời các cảng biển ra khỏi nội ô. Theo ông, kế hoạch đó bao giờ thực hiện?

- Những cảng cần di dời trước năm 2010 gồm có năm cảng và nhà máy là Tân Cảng Sài Gòn, Nhà máy đóng tàu Ba Son, khu Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn), cảng Tân Thuận Đông và cảng Rau Quả. Hạ tầng giao thông để kết nối với các cảng tại nơi di dời đến cũng đã được xác định ưu tiên đầu tư trước năm 2010.

Thực tế hiện nay cho thấy có sự không đồng bộ giữa phát triển các cảng biển và hạ tầng sau cảng. Bản thân các dự án cảng mới phục vụ di dời cũng triển khai chậm. Theo đánh giá của tôi, phải đến năm 2012-2013 mới hoàn tất di dời năm cảng này.

* Trước yêu cầu xây dựng nhiều cảng biển mới và đã xảy ra tình trạng “cảng chờ đường”, theo ông, cần có biện pháp nào tháo gỡ?

- Việc đầu tiên cần có một “nhạc trưởng” để điều hành phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cảng biển cũng như hệ thống giao thông kết nối với cảng, nhằm điều tiết phát triển một cách đồng bộ, đồng thời quản lý giám sát thực hiện các dự án tuân thủ đúng quy hoạch và tiến độ quy hoạch đã được phê duyệt. Trong trường hợp có sự “lệch pha”, “nhạc trưởng” đó sẽ tổ chức điều phối nhằm tạo ra sự đồng pha trở lại.


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ