Top

Vẫn nóng chuyện vi phạm đất đai

Cập nhật 03/12/2009 09:15

Những bất cập trong quản lý đất đai là vấn đề nhiều cử tri quan tâm. Ảnh: Bảo Lâm

Ngày 2-12, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP Hà Nội (đơn vị bầu cử số 5 và số 9) đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai và các huyện: Thanh Trì, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức để báo cáo kết quả kỳ thứ sáu.

Cùng dự và tiếp thu kiến nghị của cử tri có Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình. Đa số cử tri đều bày tỏ sự vui mừng trước những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, chất lượng kỳ họp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã được nâng lên. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến bức xúc về những bất cập trong quản lý đất đai; phòng, chống tham nhũng; sự leo thang của giá cả...

Dự án treo đến bao giờ?

Cử tri Đỗ Lai Luật (Quốc Oai) phản ánh, dự án Nhà máy Thuốc lá Thăng Long (gần 15ha), nằm trên đường Láng - Hòa Lạc đã bị "quên" từ tháng 5-2005 đến nay vẫn chưa có quyết định thu hồi mặc dù huyện nhiều lần trình UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND TP Hà Nội.

Nhân dân rất bức xúc vì trên diện tích này, trong ngần ấy thời gian, bà con nông dân có thể canh tác và thu được gần 100 tấn thóc. Cũng theo cử tri này, trong khi còn nhiều dự án treo thì rất nhiều doanh nghiệp (DN) khác muốn đầu tư vào địa phương, nhưng khi tiến hành thủ tục triển khai lại "mắc" vì chưa có quy hoạch; huyện xin được lập quy hoạch thì được trả lời "chưa được, vì đang nằm trong vùng rà soát".

Cử tri Chử Thị Minh (Chủ tịch UB MTTQ xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) bức xúc: Trên địa bàn xã có tới 4 dự án (Cửa ô phía Nam, Trung tâm Hiệu sách, Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hải Châu và Khu đô thị Tứ Hiệp) đã được thu hồi từ năm 2004 nhưng đến nay đất vẫn bị bỏ hoang hóa, gây lãng phí và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong vùng.

Bà Minh cho biết, vấn đề này đã được phản ánh qua 4 kỳ tiếp xúc cử tri nhưng chưa có biến chuyển khiến người dân bức xúc. Cử tri phường Định Công (quận Hoàng Mai) cũng khẳng định, trên địa bàn phường có nhiều dự án không khả thi, treo đã gần 10 năm nay vẫn không có hướng giải quyết.

Cũng liên quan tới những bất cập trong công tác quản lý đất đai, cử tri Phùng Văn Dân (Quốc Oai) phản ánh, Khu công nghiệp Bắc Phú Cát rộng 304ha, thì xã Phú Cát chiếm hơn 155ha, hộ ít nhất phải bàn giao 30%, nhiều nhất tới 70% diện tích đất canh tác. Việc triển khai công tác GPMB bắt đầu từ tháng 4 năm 2003 nhưng đến nay quy trình thực hiện vẫn chưa hoàn tất…

Cần một cơ chế phát hiện, xử lý tham nhũng

Cử tri các quận, huyện bày tỏ lo ngại trước những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng ít được phát hiện, xử lý. Nguyên nhân, theo nhận định của các cử tri, là do cơ chế xử lý tham nhũng không hiệu quả, kém công khai, minh bạch và thiếu sự răn đe. Cán bộ xã khi thấy hiện tượng tham nhũng ngại đấu tranh, đến cán bộ huyện, tỉnh, TP, TƯ cũng vậy... thế là chẳng ai chống tham nhũng. Cử tri đề nghị Quốc hội phải tìm rõ nguyên nhân, xây dựng cơ chế và có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Cử tri Lê Thế Dũng (Thạch Thất) còn lo ngại về tình trạng giá cả leo thang, đồng tiền Việt Nam đang bị mất giá; việc ban hành đồng tiền xu không phát huy được hiệu quả, nay bị "bỏ xó", vậy mà không cơ quan nào phải chịu trách nhiệm? Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", về chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng hàng Việt Nam chất lượng không bằng hàng nhập ngoại, giá thành không hạ so với hàng ngoại, thì làm sao được nhiều người lựa chọn?

Quan tâm đến "tam nông"

Đây là kiến nghị của đa số cử tri các huyện ngoại thành. Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Giang Nguyễn Xuân Huy (Hoài Đức) phản ánh, do chưa có quy hoạch chung của TP nên các xã không thể quy hoạch được các vùng chuyên canh, việc canh tác manh mún, nhỏ lẻ theo kiểu "con nhà nghèo" cộng với hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng xuống cấp, người nông dân khó bề nâng cao thu nhập trên diện tích canh tác. Đời sống của người nông dân hậu GPMB còn là bài toán hết sức nan giải, nếu Nhà nước, các cấp, ngành không quan tâm thì tự họ không thể tìm được lời giải.

Ô nhiễm môi trường cũng đang bao vây các huyện ngoại thành. Cử tri xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) đề nghị các cơ quan chức năng sớm tìm biện pháp xử lý tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ. Hiện nay, dòng chảy qua xã đen ngòm và lòng sông ngày càng thu hẹp. Cử tri Đinh Quang Vần (thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) bày tỏ lo ngại: Do còn tồn tại 2 nhà máy Phân lân và Pin Văn Điển nên tại khu vực này người dân không thể xây dựng nhà văn hóa, nhà trẻ, trường học… khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội TP, ông Nguyễn Đình Quyền và ông Nguyễn Tiến Dĩnh cùng Phó Chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri trình Quốc hội và TP xem xét, giải quyết.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới