Top

Vẫn bức xúc với thủ tục, quy hoạch “treo”

Cập nhật 01/12/2007 10:00

Chuyển nhượng đất khó bởi quy định “con”; quy hoạch “treo”; chiếm đất công làm ki-ốt... là bức xúc của người dân gởi đến ngành đất đai.

Trước khi “nhấp chuột” khai mạc buổi giao lưu trực tuyến tổ chức vào ngày 30 - 11, quyền Giám đốc Sở TN - MT, ông Đào Anh Kiệt cho biết sở đã tiếp nhận gần 300 câu hỏi xung quanh lĩnh vực đất đai, môi trường của người dân TP và ngoài tỉnh.
 
Những trường hợp cụ thể đủ điều kiện giải quyết trong thẩm quyền thì sở tiến hành giải quyết ngay cho người dân, những trường hợp vượt quá thẩm quyền sẽ chuyển cho UBND TP và các cơ quan liên quan xử lý nhanh.

Nhọc nhằn xin giấy chủ quyền

Không ngoài dự đoán, những câu hỏi về thủ tục, chính sách... liên quan đến đất đai vẫn là vấn đề bức xúc nhất của người dân. Buổi giao lưu mới bắt đầu, hàng loạt câu hỏi từ hai website của Sở TN - MT và Báo Người Lao Động đã được chuyển đến Ban Giám đốc Sở TN - MT. Trước đó, hàng trăm câu hỏi đã được các phòng, ban của sở, phòng TN-MT quận, huyện cũng như sở, ngành liên quan xem xét, chuẩn bị nội dung phúc đáp.

Bạn đọc Trần Thị Xuân Hải (quận Bình Thạnh) bức xúc về việc gia đình đã mua đất ở phường 26 từ năm 1983 bằng giấy tay và có xác nhận của địa phương. Tuy nhiên, nhiều lần gia đình xin làm hợp thức hóa, nhưng đều bị từ chối vì cán bộ nói nằm trong khu quy hoạch. “Vậy cách giải quyết đó đúng hay sai?”- bà Hải bức xúc.
 
Ông Đào Anh Kiệt cho rằng căn cứ Nghị định 84 của Chính phủ, trường hợp của bà Hải vẫn có thể được xem xét cấp giấy chủ quyền. Do đó, đề nghị bà liên hệ tổ tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ của UBND quận Bình Thạnh để được hướng dẫn. Còn ông Lê Đình Chung (ngụ Bình Dương) ngạc nhiên về việc xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè không cho chuyển nhượng đất, lý do diện tích chỉ có 100 m2. “Phải chăng địa phương đẻ thêm quy định “con”? Bởi, theo cán bộ xã để làm thủ tục chuyển nhượng, tách thửa thì diện tích ít nhất phải trên 500 m2”.
 
Giải thích về điều này, lãnh đạo Phòng TN - MT huyện Nhà Bè cho biết: Nhằm sử dụng hiệu quả, tránh manh mún, UBND huyện có quy định diện tích đất nông nghiệp tối thiểu được chuyển nhượng phải là 500 m2. Nếu vị trí ông Chung nhận chuyển nhượng phù hợp quy hoạch xây dựng điểm dân cư thì ông có thể thực hiện đồng thời vừa chuyển nhượng quyền sử dụng đất kèm theo chuyển mục đích sử dụng đất.

Quy hoạch “treo” đã... lờn thuốc!

Theo chỉ đạo của Bộ TN - MT, các địa phương phải hoàn thành việc xử lý quy hoạch “treo” chậm nhất là hết tháng 12-2007. Thế nhưng, nhiều câu hỏi của người dân gởi về vẫn khá bức xúc về tình trạng này. Bà Võ Thị Nguyệt (quận Tân Bình) cho biết căn nhà bà nằm trong khu quy hoạch công trình công cộng đã hơn 10 năm nhưng không thấy triển khai. “Vậy quy hoạch này đã được xóa hay chưa?”.

Ông Kiệt cho biết căn cứ Quyết định số 161/QĐ - UBND - ĐT ngày 3 - 11 - 2006 của UBND quận Tân Bình về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị khu dân cư phường 7 (tỉ lệ 1/2.000), thì toàn bộ căn nhà bà dự kiến nằm trong quy hoạch đất giao thông. Còn ông Trần Tiến Dũng (quận 1) phản ánh về việc nhà người em trong KCN Tân Bình bị “treo” từ năm 1992 đến nay.

Mới đây, chính quyền chỉnh trang, quy hoạch chi tiết 1/500, nhà bị mất một phần diện tích để làm đường. “Xin hỏi, nhà em tôi do nằm trong diện xây không phép có được đền bù?”- ông Dũng băn khoăn. Ông Kiệt khẳng định: “Nếu khi tạo lập nhà đã không phù hợp với quy hoạch thì sẽ không được đền bù nhưng sẽ được xem xét hỗ trợ”.
 
Ngoài ra, nhiều câu hỏi của ông Trần Hữu Hùng (Thủ Đức), Phạm Thanh Nhàng (huyện Củ Chi), Vũ Thanh Tịnh (quận Bình Thạnh)... kiến nghị sở cần giải quyết quy hoạch “treo” rốt ráo để hạn chế cảnh có nhà như không bởi không thể xây dựng, sửa chữa, thế chấp.

Dân tố việc chiếm đất và cán bộ “ăn” tiền

Một người dân xin giấu tên bức xúc về việc mua nhà ở xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh từ năm 2005, nhà đã xây trái phép năm 2001. Nay ông thấy khu dân cư này có nhà bị cưỡng chế buộc tháo dỡ, nhưng nơi đây không thấy bảng quy hoạch làm nhiều nhà phải mất ăn mất ngủ. Muốn tồn tại phải chi tiền và cán bộ ấp, xã “ăn” tiền của dân.

Về việc này, theo lãnh đạo Phòng TN - MT huyện Bình Chánh, nếu trường hợp nhà đất của người dân phù hợp với quy hoạch đã được duyệt thì được cấp giấy chủ quyền. Chưa đồng tình cách trả lời của huyện Bình Chánh, ông Kiệt nhấn mạnh: “Nếu phát hiện cán bộ làm sai hoặc có dấu hiệu nhũng nhiễu thì ông/bà nên phản ánh với cơ quan có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý ngay!”.

Ông Lê Minh nhà ở chung cư 239 Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) cho biết có một số hộ dân xây dựng ki - ốt trên khuôn viên tồn tại đã gần 20 năm. “Vậy phần đất của chung cư bị chiếm dụng ấy theo luật đất đai mới có được coi là hợp pháp hay không?”- ông Minh đặt vấn đề. Theo lãnh đạo Phòng TN - MT quận 3, về nguyên tắc đây là phần diện tích sử dụng chung của 50 hộ sinh sống tại đây. Do vậy việc xây dựng 5 ki - ốt của 5 hộ để kinh doanh là không đúng. Phòng sẽ tham mưu cho UBND quận 3 sớm giải quyết dứt điểm việc xây dựng 5 ki - ốt trên.

200/400 câu hỏi đã được trả lời

Tính đến cuối ngày 30-11, sở đã nhận thêm hơn 100 câu hỏi từ phía người dân. Trong đó, một số doanh nghiệp cũng bức xúc không kém về chính sách, thủ tục hành chính gây khó.
 
Ông Đào Anh Kiệt cho biết hiện sở đã trả lời 200/400 câu hỏi được gửi tới chương trình giao lưu, số còn lại sở sẽ tiếp tục xử lý và chuyển giao cho các cơ quan chức năng để trả lời thỏa đáng cho người dân.



Theo Người Lao Động