Trái phiếu dự án căn hộ Phú Mỹ, TP HCM, được bán sạch chỉ trong 3 hôm mang lại cho Sacomreal khoản thu 750 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, trái phiếu bất động sản là giải pháp giúp doanh nghiệp tự chủ về tài chính trong tình hình bị thắt tín dụng ngân hàng.
Công ty địa ốc Sài Gòn thương tín (Sacomreal) là đơn vị tiên phong, và cũng là duy nhất hiện nay, trong việc phát hành trái phiếu nhà đất, với 500 trái phiếu đã phát hành đầu tháng 3. Người mua trái phiếu được kèm quyền mua căn hộ dự án Phú Mỹ, quận 7. Chủ đầu tư công bố giá bán căn hộ dự kiến là 1.500 USD mỗi m2, tương đương 24 triệu đồng.
Theo đại diện Sacomreal, số tiền huy động từ việc phát hành trái phiếu sẽ được đầu tư xây dựng dự án Phú Mỹ có diện tích 5,4 ha. Song, hiện dự án vẫn chưa triển khai, phải đến tháng 11 mới hoàn thành xong phần cọc.
Đầu năm 2008, Sacomreal đã phát hành 100 tỷ đồng trái phiếu dự án Phú Lợi, dành cho nhà đầu tư cá nhân.
Thành công của các lần phát hành thử nghiệm khiến Sacomreal định sẽ tiếp tục "ra lò" trái phiếu bất động sản mới vào tháng 4.
Trao đổi với Báo giới, Phó tổng giám đốc điều hành Công ty địa ốc Sài Gòn thương tín Phan Thành Nhơn nhận định: "Phát hành trái phiếu dự án Phú Mỹ là thử nghiệm khá hồi hộp, nhưng đáng mừng là thị trường đã chấp nhận".
Theo ông, khi giao dịch có dấu hiệu chững lại, với việc bán trái phiếu, Sacomreal đã chấp nhận phép thử đối với thị trường và bản thân công ty.
"Trái phiếu sẽ là công cụ đánh giá sự tiếp nhận của thị trường. Từ đó, chúng tôi chủ động nguồn vốn và điều tiết kế hoạch kinh doanh", ông Nhơn nói.
Lãnh đạo Công ty Sacomreal cho biết thêm, ngoài các lợi ích khi mua trái phiếu như: lãi suất 1% mỗi tháng cùng với quyền mua căn hộ, được giảm 8% giá khi mua nhà; tới đây Sacomreal sẽ thương thảo với ngân hàng để có thể cầm cố, thế chấp trái phiếu vay vốn như một loại tài sản.
Ngay khi Sacomreal phát hành trái phiếu dự án rộng rãi bán cho khách hàng đơn lẻ, các chuyên gia tài chính nhận định rằng, đây là giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn. Từ đầu năm, các ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng, thị trường nhà đất trầm lại hẳn vì thiếu vốn, kẻ bán người mua đều lui về tư thế chờ đợi.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa kế toán tài chính ngân hàng Đại học Mở TP HCM cho rằng, khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, các doanh nghiệp bất động sản cần mạnh dạn huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu kèm quyền mua bất động sản.
Theo ông Thuận, qua kênh trái phiếu, doanh nghiệp huy động được một lượng vốn lớn với giá phải chăng, lại tiêu thụ tốt sản phẩm nên hạn chế được rủi ro. Tương tự, khách hàng được đáp ứng đúng và đủ nhu cầu về nhà ở, được bảo vệ về pháp lý vì trái phiếu có giá trị thực tế hơn một hợp đồng hứa mua bán căn hộ như hiện nay.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh rằng, mức lãi suất và thời hạn trái phiếu, giá bất động sản cũng như quyền mua căn hộ cần phải phù hợp với tình hình tài chính suốt quá trình thực hiện dự án.
Một chuyên gia lão làng trong lĩnh vực bất động sản tỏ thái độ dè dặt hơn với trái phiếu dự án. Ông khuyến cáo khách hàng nên tỉnh táo cân nhắc kỹ trước khi quyết định đổ tiền vào loại "hàng" này.
"Đừng vội chạy theo phong trào, nên gặp trực tiếp của chủ đầu tư, tìm hiểu giá trị thực tế của bất động sản, uy tín doanh nghiệp, lãi suất, thời điểm đáo hạn và tính khả thi của dự án rồi hãy quyết định mua", ông nói.
Đối lập hoàn toàn với sự tăng nhiệt của trái phiếu bất động sản, hàng loạt các sàn địa ốc: Eden, ACB, Ruby Land và nhiều công ty môi giới nhà đất ở quận 2, 4, 7, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh, tiếp tục vắng khách tương tự như tháng 2 vừa qua. Đặc biệt đối với dòng sản phẩm nhà cá thể, nhiều sàn không có khách hàng trong nửa tháng qua.