Năm nào cũng vậy, cứ sắp hết năm là UBND TP.HCM lại ban hành bảng giá đất mới cho năm tới. Tuy nhiên, trên thực tế, bảng giá đất này lại không được áp dụng nhiều vì quá thấp với thực tế.
Bảng giá đất do UBND thành phố được hình thành theo nghị định 123 của Chính phủ. Các địa phương được quyết định giá đất cao hơn 20% khung giá quy định.
Năm 2008, khung giá cao nhất được UBND thành phố quy định là 67,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên trên thực tế thị trường năm 2008 thì giá cao nhất ghi nhận được lại lên đến trên 370 triệu đồng/m2 (đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ).
Năm 2009, khung giá cao nhất được UBND thành phố đưa ra là 81 triệu đồng/m2, tuy nhiên khung giá bồi thường (theo thị trường) tại mặt tiền đường Công Trường Lam Sơn đã trên 264 triệu đồng/m2; mặt tiền đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ đường Lê Thánh Tôn đến đường Ngô Văn Năm) là 231,4 triệu đồng/m2,… cao hơn rất nhiều so với khung giá quy định.
Một chuyên gia bất động sản cho biết, thực tế giá đất do UBND thành phố ban hành bình quân chỉ bằng khoảng 30 – 60% so với giá chuyển nhượng thực tế trong điều kiện bình thường. Do vậy, bảng giá đất do UBND thành phố ban hành rất ít được áp dụng trên thực tế; thường chỉ áp dụng trong các trường hợp định giá tài sản, đấu thầu đấu giá…
Vị chuyên gia này phân tích, những bất hợp lý trong quản lý và sử dụng đất cũng phát sinh từ đây. Bởi, nó gây ra sự thiếu công bằng giữa chi phí đầu vào của từng dự án, giữa chi phí đầu vào bằng giá Nhà nước với chi phí đầu vào của dự án bằng giá thị trường. Có nhiều dự án kinh doanh, nhà đầu tư được thu hồi và giao đất bằng giá Nhà nước quy định thường thấp nhưng lại bán sản phẩm như nhà ở, đất ở, đất có hạ tầng theo giá thị trường để có chênh lệch rất lớn…
>Năm 2009, khung giá đất tăng 10-100%?
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị