Top

TPHCM có thêm 2 cây cầu lớn

Cập nhật 13/05/2009 08:45

Nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 5-2009, TPHCM sẽ hoàn thành thêm 2 cây cầu lớn: cầu Chà Và thuộc dự án Đại lộ Đông-Tây và cầu Phú Mỹ. Thật là một tin vui trong bối cảnh hệ thống cầu, đường của thành phố đang quá tải mà lượng xe vẫn không ngừng tăng lên.

Cầu Chà Và - chỉ còn một số hạng mục nhỏ


Những ngày giữa tháng 5-2009, người ta đã có thể nhìn thấy cầu Chà Và bắt đầu định hình. Với 2 nhánh băng ngang qua Đại lộ Đông-Tây nối từ quận 5 sang quận 8 và 2 nhánh rẽ xuống Đại lộ Đông-Tây, cầu Chà Và nhìn như một dấu thập. “Chỉ có điều, dấu thập này không được đều. Hai nhánh nối quận 5 sang quận 8 lớn hơn, đảm bảo cho tới 6 làn xe lưu thông còn 2 nhánh rẽ xuống Đại lộ Đông-Tây thì nhỏ hơn, chỉ cho 2 làn xe lưu thông” - dẫn chúng tôi đi thăm khắp công trình, kỹ sư phụ trách công trình của nhà thầu Obayshasi (Nhật Bản) - anh Lê Trọng đã nói vui như vậy.

Tổng quan là thế nhưng để hoàn thành và đưa cầu Chà Và vào sử dụng, cán bộ, công nhân ở đây còn khá nhiều việc phải làm. Những công việc này có giá trị không lớn, ước khoảng 10%/tổng mức đầu tư xây dựng cầu Chà Và, song lại đòi hỏi khá nhiều thời gian và công sức.

Chỉ cho chúng tôi xem 2 dây điện màu đỏ của Điện lực Chợ Lớn nằm chắn ngay đường dẫn lên cầu phía quận 8, anh Lê Trọng cho biết: “Chúng tôi đang phải nghiên cứu phương án “sống chung” với 2 dây điện này”. Đây là 2 dây điện quan trọng của Điện lực Chợ Lớn, việc di dời là không khả thi vì sẽ ảnh hưởng đến công tác chiếu sáng ở khu vực Chợ Lớn. Do vậy, các cán bộ, công nhân ở đây đang tính toán đến giải pháp nâng 2 dây điện này lên, sau khi thi công xong các hạng mục cần thiết của cầu Chà Và thì đưa chúng về chỗ cũ.

Kế cận khu vực có 2 dây điện là khu vực thi công cống thoát nước và toàn bộ hệ thống thoát nước đã được thi công xong. Thế nhưng, còn phải tính đến chuyện kết nối hệ thống này với hệ thống thoát nước chung của cả khu vực. Mà muốn kết nối 2 hệ thống với nhau, cán bộ, công nhân trên công trường thi công cầu Chà Và lại phải “căn con nước” lên, xuống. Chỉ khi nước xuống, công tác thi công mới có thể tiến hành. Đường dẫn lên cầu phía quận 5 thì vướng hệ thống thoát nước cũ. Việc thi công trong khu vực ấy vì thế cũng phải tạm ngưng để chờ di dời hệ thống thoát nước cũ.

Theo Ban quản lý dự án Đại lộ Đông-Tây, tất cả những khó khăn này chắc chắn sẽ làm cho tiến độ thi công cầu Chà Và kéo dài hơn. Khả năng thông xe toàn bộ cầu đúng ngày 19-5 là không cao. Tuy nhiên, vào ngày ấy Ban quản lý sẽ cho thông xe nửa cầu là phần không vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm để chia tải cho các cầu tạm số 1, 2, 3 vốn đang quá tải. Đây là những cầu tạm được xây dựng lên để cho người dân lưu thông trong thời gian chờ thi công cầu Chà Và.

Cầu Phú Mỹ - về đích trước thời hạn



Cầu Phú Mỹ sắp được hợp long.
Ảnh: Đức Trí.

Đi ca nô ra giữa sông Sài Gòn nhìn lên cầu Phú Mỹ ta mới thấy hết được vẻ đẹp của cây cầu này. Với 2 cây cột vươn cao và những sợi dây cáp mạnh mẽ đỡ thân cầu, cầu Phú Mỹ như 2 chiếc nón lá úp trên nền trời xanh.

Theo ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ - chủ đầu tư công trình, chỉ còn căng thêm 1 dây cáp nữa là cầu Phú Mỹ đã có thể hợp long. Nếu không có gì thay đổi, cầu Phú Mỹ sẽ hợp long đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ, vượt tiến độ đến 4 tháng.

Cầu Phú Mỹ có chiều dài hơn 2.000m, rộng 27,5m với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, là cây cầu dây văng lớn nhất TPHCM. Cây cầu nối quận 2 và quận 7, là một phần của đường Vành đai 2. Tất cả các sợi dây cáp của cầu đều được mạ thép không gỉ và được thi công với công nghệ hiện đại nhất hiện có của thế giới. Công nghệ này, theo ông Thái mô tả: sẽ đảm bảo cho cầu dù bị đứt một sợi dây cáp vẫn hoạt động ổn định.

Song hành với cầu Phú Mỹ, đường trên cao nối cầu Phú Mỹ (phía quận 7) với đường Nguyễn Văn Linh cũng đã bắt đầu hoàn thành một số trụ. Đường trên cao là một công trình có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cầu Phú Mỹ nói riêng và toàn bộ Vành đai 2 nói chung, nó giúp kết nối cầu với đường Nguyễn Văn Linh.

Các phương tiện giao thông khi qua cầu, muốn đi về miền Tây Nam bộ, có thể sử dụng đường trên cao mà không phải qua đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Thập… hay một số đường khác trong khu vực vốn đang bị quá tải. Trước mắt, sau khi hợp long rồi thông xe, các phương tiện giao thông đi qua cầu Phú Mỹ vẫn phải rẽ qua đường Huỳnh Tấn Phát để ra đường Nguyễn Văn Linh, đi về miền Tây Nam bộ.

Đường kết nối với cầu Phú Mỹ (phía quận 2) ra xa lộ Hà Nội, do đền bù giải tỏa chậm nên phải đến giữa 2010 mới xong. Do vậy, trước mắt, khi cầu Phú Mỹ hoàn thành, các phương tiện giao thông phải rẽ xuống đường Liên tỉnh lộ 25B để ra xa lộ Hà Nội.

Nếu các đường kết nối hoàn thành sớm hơn thì cầu Phú Mỹ đã có thể đóng góp nhiều hơn nữa trong việc giải quyết ùn tắc giao thông ở khu vực quận 4 và quận 7 cho TPHCM. Thế nhưng, trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá vật tư biến động liên tục thì việc hoàn thành trước 4 tháng so với kế hoạch của cầu Phú Mỹ cũng rất đáng biểu dương.

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng