Top

TP.HCM "bắt mạch” gần 2.500 thủ tục hành chính

Cập nhật 13/09/2009 08:35

Lĩnh vực nhà, đất là một trong những lĩnh vực dẫn đầu với 92 thủ tục các loại. Trong ảnh Người dân chuẩn bị giấy tờ làm thủ tục nhà, đất tại UBND quận Tân Phú. Ảnh: HTD

Hiện nay, thời gian để hoàn thành một thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản phải tính bằng năm chứ không phải tháng. Các thủ tục này nhiều khi còn chồng chéo nhau, được thực hiện ở sở này nhưng qua sở khác phải làm lại.

TP.HCM đang quyết liệt cắt giảm khoảng 1/3 số thủ tục, tập trung nhiều vào lĩnh vực nhà đất, đầu tư xây dựng cơ bản, cấp phép kinh doanh.

TP.HCM vừa hoàn tất giai đoạn I Đề án 30 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) - thống kê các TTHC. Hiện TP đang bước vào giai đoạn II thực hiện rà soát và đơn giản hóa ít nhất 30% các TTHC hiện nay. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP, nói: “Đây là giai đoạn quan trọng, có tính chất quyết định đến kết quả của Đề án 30, đòi hỏi sự quyết liệt, mạnh dạn của các đơn vị thực hiện”.

Hàng ngàn thủ tục hành chính

* Thưa ông, thực hiện giai đoạn I của đề án, TP đã thống kê được bao nhiêu TTHC và tập trung nhiều ở lĩnh vực nào?

+ Giai đoạn I, TP đã công bố bộ TTHC chung của cấp huyện, xã với tổng số 810 TTHC. Các lĩnh vực có nhiều thủ tục nhất là nhà đất, xây dựng, đầu tư kinh doanh... Trong đó, lĩnh vực nhà đất dẫn đầu với 92 thủ tục các loại. Trong tuần tới, TP sẽ tiếp tục công bố thêm bộ TTHC ở cấp sở ngành với tổng số 1.681 thủ tục.

Như vậy, tổng số TTHC toàn TP thống kê được trong giai đoạn I là 2.491 thủ tục. Đây là cơ sở để TP có thể “bắt mạch” cho tất cả các thủ tục hiện hành để tìm ra bệnh, đưa vào máy cắt xén, thực hiện đơn giản hóa những thủ tục không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp như mục tiêu đề ra trong giai đoạn II của Đề án 30.

* Vậy nếu thực hiện hoàn tất giai đoạn II, TP có thể đơn giản khoảng bao nhiêu thủ tục?

+ Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương phải đơn giản hóa và kiến nghị đơn giản hóa tối thiểu 30% quy định hiện hành về TTHC. Như vậy, căn cứ trên tổng số thủ tục TP đã thống kê được, TP phải đơn giản hóa ít nhất 30% của gần 2.500 thủ tục đã thống kê.

Tập trung vào 83 thủ tục bức xúc

* Theo ông, những lĩnh vực nào, thủ tục nào TP cần phải làm quyết liệt?

+ Kết quả thống kê cho thấy có những TTHC được áp dụng hàng chục năm nay và hiện không còn phù hợp nhưng chưa được hủy bỏ, gây phiền hà cho dân. Điển hình là các TTHC trong cấp giấy tờ nhà đất, cấp phép kinh doanh, xây dựng...

Nổi cộm gần đây là thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản. Nó không chỉ gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp mà còn làm khó chính các cơ quan nhà nước, cản trở lớn đến sự phát triển của TP. Vì thế, TP sẽ tập trung mạnh để đơn giản hết mức TTHC trong lĩnh vực này.

* Việc cắt giảm TTHC không đơn giản bởi nó liên quan đến xung đột lợi ích giữa cơ quan quản lý và người bị quản lý, thưa ông?

+ Việc rà soát dựa trên ba tiêu chí: sự cần thiết, tính hợp lý và tính hợp pháp. Để thực hiện được việc này đòi hỏi quyết tâm rất cao của người đứng đầu và cán bộ, công chức. Họ phải thấu hiểu tầm quan trọng của việc đơn giản hóa TTHC để từ đó cắt giảm các thủ tục theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch.

Theo đó, các đơn vị sẽ tập trung rà soát các TTHC mà người dân và doanh nghiệp bức xúc hiện nay. TP đã thống kê được 83 loại thủ tục thuộc các lĩnh vực nhà đất, xây dựng, đầu tư, kinh doanh... Các thủ tục này phải rà soát xong trước ngày 30-10. Các thủ tục còn lại phải rà soát xong trước ngày 30-11.

Cắt giảm không máy móc

* Làm sao để biết một thủ tục nào đó là không cần thiết, không hợp pháp, không hợp lý, thưa ông?

+ Việc này được thực hiện thông qua ba biểu mẫu với 60 câu hỏi. Đưa ra các tiêu chí rà soát cụ thể như vậy nhằm thu thập chính xác, đầy đủ các thông tin được định lượng và định tính về những khó khăn, vướng mắc. Từ đó có cơ sở đưa ra đề xuất những giải pháp và kiến nghị cụ thể: tiếp tục duy trì, sửa đổi bổ sung, bãi bỏ.

* Có những thủ tục tuy hợp pháp nhưng lại quá rối rắm thì tính sao?

+ Đúng là có thực tế này. Tôi lấy ví dụ điển hình như việc tách huyện Bình Chánh cũ thành quận Bình Tân và huyện Bình Chánh. Theo lý thì tất cả giấy tờ của người dân ở quận Bình Tân mới phải đổi. Nhưng lượng giấy CMND, hộ khẩu, giấy tờ nhà đất... rất nhiều. Ai cũng phải đổi thì người dân cũng mệt mà cơ quan nhà nước giải quyết cũng không xuể. Thay vì như vậy, TP có thể ra một văn bản quy định những giấy tờ cũ vẫn hợp lệ để thực hiện các giao dịch, còn những giấy tờ mới thì yêu cầu làm đúng theo tên địa danh mới. Như vậy chỉ cần một chính sách nhưng có thể gỡ được rất nhiều thủ tục rối rắm.

Do vậy, việc rà soát không thể làm một cách máy móc mà cần sự linh động, nắm rõ thực tiễn của cán bộ thực hiện, cũng như sự quyết liệt của người lãnh đạo. TP cũng xác định đơn giản hóa TTHC không chỉ là cắt giảm mà còn phải mạnh dạn đưa ra những kiến nghị hoặc những chính sách mới, đơn giản để thay thế cho nhiều thủ tục rối rắm.

* Xin cảm ơn ông.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP