Từ khoảng 2 tháng nay, đất tại TP.Hà Đông đùng đùng tăng giá. Phiên đấu giá gần đây nhất tại khu đô thị Ngô Thì Nhậm, giá quyền sử dụng đất lên tới trên 30 triệu/m2. Giá giao dịch bất động sản tại các khu đô thị như Văn Khê, Văn Phú, Mỗ Lao - cũng tăng từng ngày.
Công trường sôi động
Ngay từ sáng sớm, cầu Trắng đã nườm nượp các xe tải nặng đất, vật liệu xây dựng qua lại. Từ cây cầu này, những chiếc xe toả theo những nhánh đường khác nhau, rầm rập tiến thẳng vào các khu dự án như Văn Phú, Mỗ Lao, Văn Khê, Ngô Thì Nhậm, chuỗi đô thị Lê Trọng Tấn, Văn La, khu Xa La... với tổng diện tích quy hoạch lên tới cả nghìn hécta. Tại đây, ồn ào những tiếng máy ủi, máy xúc, tiếng máy bêtông... Nhiều khu mới ở giai đoạn lấp cát, san nền. Gần chục chiếc xe ủi được huy động, ầm ầm chở đất đi đổ, chở cát lấp nền. TP.Hà Đông bỗng chốc sôi động như một đại công trường.
Sức nóng của đất Hà Đông nhanh chóng lan đến giới cò mồi chuyên nghiệp của Hà Nội. Theo ông Nguyễn Văn Duy - người môi giới nhà đất, nếu như trước đây, một số trung tâm bất động sản ở Trần Duy Hưng, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... hướng khách hàng đến các khu đô thị Mỹ Đình, Trung Hoà - Nhân Chính, Linh Đàm... thì nay các dự án như Văn Phú, An Khánh, Mỗ Lao... lại là mục tiêu cho nhiều khách hàng của họ.
Ông Bình - chủ một quán nước bên cạnh khu đất dự án Ngô Thì Nhậm - cho biết, từ ngày công trường khởi công, quán nước của anh trở nên đông vui, nhộn nhịp hẳn lên. Khách hàng chủ yếu là những dân Hà Nội đến xem đất. Ngày nào họ cũng sôi nổi bàn bạc về triển vọng của dự án, ưu thế của từng lô đất và mức giá có thể mua được. Vào những sáng thứ 7 tổ chức đấu giá đất, người đổ về Nhà văn hoá Hà Đông đông như trẩy hội. Khuôn mặt mỗi người một vẻ. Người trúng được đất thì vui vẻ, mãn nguyện. Người ra về tay không thì thất vọng, mong chờ cơ hội lần sau.
Một điều dễ dàng nhận thấy là trong bãi đỗ xe, ngoài biển kiểm soát đầu số 33 (Hà Tây), ôtô con và xe máy mang biển 29, 30 (Hà Nội) chiếm một số lượng khá lớn.
Giá đất tăng vùn vụt
Ông Duy cho biết thêm, thị trường bất động sản Hà Đông mới chỉ bắt đầu sôi động trong 2 tháng gần đây, nhưng giá đất đã lên cao ngất ngưởng. Ở khu đô thị Văn Phú, giá mà Nhà nước đặt ra chỉ khoảng 7 triệu/m2 thì nay đã lên đến 12 - 18 triệu/m2. Theo dự đoán, mức giá này còn có thể lên tới 17 - 30 triệu/m2 do giá đất dãn dân đang ở vào khoảng 18 - 23 triệu/m2. Đất khu Văn Quán cũng dao động từ 13 - 23 triệu/m2. Trong khi đó, đất ở Mỗ Lao ở mức trội hơn hẳn, trung bình 24 triệu/m2.
Ông Tuấn (Vạn Phúc, Hà Đông) - một người có "thâm niên" trong đầu tư bất động sản, hiện đang nắm trong tay hơn 10 lô đất ở khu Văn Phú, Văn Quán - cho biết: "Tuần trước, tôi vừa bán lô đất 60m2 với giá 17 triệu/m2. Giá mua hồi tháng 3 chỉ có 7 triệu/m2." Tính sơ sơ trong nửa năm, ông đã thu lời được hơn 600 triệu.
Tham gia phiên đấu giá quyền sử dụng đất tại khu đô thị Ngô Thì Nhậm ngày cuối tháng 10 vừa qua, nhiều người cũng không khỏi choáng váng vì mức giá quá cao. Giá sàn là 11,6 triệu. Kết thúc phiên đấu giá, mỗi lô đất được mua với giá thấp nhất là 23 triệu/m2, cao nhất là hơn 30 triệu/m2. Những người "đơn thương độc mã" đi mua đất khó có thể đấu được với những nhà đầu cơ "buôn có hội, bán có phường".
Cũng trong phiên đấu giá quyền sở hữu đất ở khu đô thị Ngô Thì Nhậm, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (Thanh Xuân, Hà Nội) đã trúng một lúc 3 lô đất, với mức giá 23,8 - 24,5 - 25,3 triệu/m2. Mục đích mua đất của bà Hằng là "chờ giá đất lên để bán lấy lời, nhất là sau Tết, thị trường còn "sốt" hơn nhiều."
Cơn sốt đất Hà Đông dường như bắt đầu nóng hơn từ khi dấy lên tin đồn Hà Đông sẽ được sáp nhập vào Hà Nội. Những dự án nhà ở cho người nước ngoài như làng Việt kiều châu Âu tại Mỗ Lao hay khu Hàn Quốc tại Văn Phú đón đầu chủ trương cho phép Việt kiều mua nhà, góp phần đẩy cao giá đất.
Không ít người đổ xô đi mua đất với hy vọng đón những cơ hội ngàn vàng phía trước. Một số ít người tỏ ra cảnh giác, cho rằng đó cũng chỉ là mánh khoé của giới kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, những dự án khu đô thị như Văn Quán, Văn Phú, Mỗ Lao... đang được rầm rộ triển khai là một thực tế không thế phủ nhận.
Thế nhưng, không ít nhà đầu cơ đang bị kẹt vốn. Theo ông Tuấn, một số người bỏ đất ở khu đô thị Xa La, Hà Đông đang bị rắc rối. Nhiều lô đất ở khu đô thị này là đất chưa chuyển mục đích sử dụng từ đất dùng có thời hạn (50 năm) sang đất thổ cư. "Những người đã bỏ tiền mua đất loại này giờ đang kẹt vốn không rút ra được" - ông Tuấn nói.
Theo Lao Động