Mỗi năm có hàng trăm ngàn SVHS (đa số SV từ các tỉnh) theo học tại các trường ĐH, CĐ và TCCN. Những năm gần đây, nhiều trường liên tục tăng chỉ tiêu tuyển sinh, nhưng chuyện xây dựng ký túc xá lại bị bỏ ngỏ. Vấn đề chỗ trọ luôn là nỗi bức xúc, ám ảnh của hầu hết SV…
Không đủ chỗ để… đặt lưng!
Nhu cầu ở trọ của SV ngày càng lớn, hàng chục ngàn chủ nhà ở TP.HCM đua nhau dựng phòng, ngăn vách để cho thuê. Các khu vực gần các trường ĐH, CĐ nhà trọ luôn khan hiếm. Những nhà trọ này SV thường phải ở chung với chủ nhà rất chật chội và phải tuân theo nhiều “khuôn phép” do chủ đặt ra: không nấu ăn, không để xe, không tiếp khách…
Hàng trăm hộ trong các con hẻm trên đường Ba Tháng Hai, P.10, Q.10 gần Học viện Hành chính quốc gia cho SV thuê trọ với phòng nay chỉ còn 4-5m². “Ngăn vậy vừa túi tiền SV dễ thuê hơn…” - một chủ nhà nói. Số SV trọ trong con hẻm 253B Nguyễn Văn Cừ, Q.5 (đối diện ĐH KHTN) nay đông chưa từng có. Mỗi nhà có đến vài chục SV trọ, phòng chật chội kinh khủng. Các căn hộ trên tầng 1 khu chung cư đã tận dụng không gian kê tấm gỗ làm “gác lửng” rộng 1,5 m² đủ cho một SV leo lên đó chỉ ngồi đã đụng đầu…
Một phòng trọ 6m2 trong hẻm 958 Lạc
Long Quân, Q.Tân Bình, TP.HCM dành
cho ba sinh viên giá 1,2 triệu đồng
Ảnh: Trần Huỳnh
Nhiều nhà trọ trong hẻm đường Tô Hiến Thành, Q.10, SV chỉ ở trên gác. Tôi vào nhà cho SV nữ thuê, bà chủ dẫn lên gác gỗ chừng 20m² đã có hơn chục người ở, bằng đoạn cầu thang thẳng dốc, rồi “phán”: “Mỗi người chiếc chiếu, trải ra mà nằm, ở chật tí cho tình cảm” (!?).
Những nhà trọ trong hẻm 14 Kỳ Đồng, Q.3 cũng “nâng gác” bằng gỗ tạm bợ, ọp ẹp 2-3 tầng, phòng chừng 6m², bốn người ở. Nhiều phòng ở đường Ngô Quyền (Q.10) không có cửa sổ, suốt ngày nóng hừng hực, chỉ vừa đủ kê hai chiếc chiếu và giá sách. SV Trung nói: “Ban ngày còn có thể vươn vai, còn buổi tối về đủ bốn đứa thì… bó chân!”.
Sống chung với… trùn và nước cống
“Nhiều lúc đang nằm ngủ thì trùn đùn từ dưới đất lên… thấy ớn!” - chỉ tay về góc mình nằm mảng tường đóng bợn gớm kinh khủng, Hùng, SV ĐH GTVT TP.HCM, ở nhà trọ trong con hẻm nhỏ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P.25, Q.Bình Thạnh, nơi đang có gần 20 người trọ, than vãn. Hai đêm tôi đến những căn phòng trọ đường Ung Văn khiêm, Q.Bình Thạnh đều gặp mưa lớn, nước tràn vào nhà, SV phải kê đồ. SV Tuấn cho biết: “Lúc này còn đỡ, tháng triều cường suốt ngày phải lội nước cống bợt chân, lở ghẻ…”.
Một căn nhà trọ trong hẻm 18B Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 nay có thêm dân lao động tứ xứ vào trọ, chủ nhà phải ngăn thêm phòng bằng ván cũ. Cả nhà gần 30 người nhưng chỉ có hai toilet kiêm nhà tắm, không cửa, dơ bẩn... Chúng tôi vào nhà, mùi hôi thối xông lên chịu không nổi, bên trong nước phân từ bồn cầu trào ra cả nhà… vì toilet hư từ lâu không được sửa.
Còn ở khu vực làng ĐH Thủ Đức, nhiều khu trọ đang rất ô nhiễm, rác thải sinh hoạt tồn đọng hôi thối. Nhiều nhà trọ còn làm toilet kiểu “hầm đất hố chôn” nên SV phải luôn hít thở mùi xú uế. Những con đường đất dẫn vô các khu trọ cây cỏ um tùm, mùa mưa nhầy nhụa. Ai bước vào những khu nhà trọ này đều ngửi phải mùi khăm khắm của quần áo, chiếu gối xộc vào mũi ngộp thở.
Hiểm họa rình rập…
Những căn trọ SV ở nội thành thường ngăn phòng tạm bợ bằng vật liệu dễ cháy, điện câu mắc chằng chịt và nhiều SV nấu ăn trong phòng, thảm họa cháy luôn rình rập. Một nhà trọ ở đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình trên gác ngăn ván ép nhiều phòng cho thuê.
Tôi vào căn phòng 6m² trên gác của ba SV ĐH Bách khoa vừa đến ở. Phòng bưng bít, phải mở đèn suốt, ngồi năm phút mà áo ai cũng ướt đẫm. Nhiều đồ dùng phải treo trên tường. Trần nhà bằng nhựa cũ nát, vỡ từng mảng lớn. SV Đức bộc bạch: “Tìm chưa ra chỗ nên tạm tá túc đây thôi chứ ở hồi hộp lắm, công nhân may nấu ăn trong phòng bên cạnh, cháy là không biết chạy đâu.” Những căn phòng ở khu trọ hẻm 628 Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình quá chật hẹp, đường luồng giữa hai dãy phòng chưa đến 1m, rất khó dắt xe vào, phải khóa dây xích để bên ngoài nên thường xuyên bị trộm.
Còn những khu “nhà trọ ven đường” khu Linh Trung, Q.Thủ Đức “ban ngày hở ra cái gì cũng mất, quần áo phơi trước nhà phải ngồi canh…”. SV trọ làng ĐH Thủ Đức còn nhiều nỗi bất an khác, ban đêm không dám ra đường, vì trong những khu trọ này có nhiều đối tượng SV bị đuổi học, đầu gấu ở. Đêm đến, hàng chục quán cà phê, quán nhậu, karaoke… nằm xen kẽ với các khu trọ chật ních người. SV cho biết không hiếm lần người ngoài vào tận phòng trọ gây rối.
Những căn phòng, gác trọ trong hẻm gần các trường ĐH ở nội thành thường rộng chừng 30m², ọp ẹp, tối tăm, nóng bức nhưng luôn có hàng chục SV ở. SV bỏ tiền thuê phần của mình là chiếc chiếu đơn, xếp liền kề nhau, quần áo giăng mắc khắp phòng… Còn các khu trọ được xây theo dạng phòng trọ liên kế ở khu vực các quận: Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp, Q.2… mỗi phòng 7-12m² cho 4- 6 SV ở thường lại rất ẩm thấp, cũ nát...
Theo Tuổi Trẻ