Tại buổi làm việc mới đây với UBND TP.HCM, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản (BĐS) TP.HCM (HoREA) đã đưa ra một số kiến nghị để khai thông thị trường BĐS.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, hai khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp địa ốc hiện nay là thiếu vốn và thị trường bị ngưng trệ. Sức mua sản phẩm BĐS hiện nay rất thấp trong khi phải vay với lãi suất cao và rơi vào thời điểm nhiều doanh nghiệp đáo hạn nợ vay càng làm cho doanh nghiệp khó khăn hơn.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “Việc Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất cơ bản từ 13% xuống 12% là một tin vui cho nền kinh tế, trong đó có thị trường BĐS. Tuy nhiên, lãi suất cơ bản này vẫn còn quá cao, các doanh nghiệp địa ốc vẫn phải vay với lãi suất trên dưới 16%/năm nên không thể đầu tư phát triển các dự án BĐS mới mà chỉ dám vay để tiếp tục hoàn thiện các dự án hoặc công trình hiện hữu mà thôi”.
Từ thực tế đó, HoREA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo có lộ trình giảm lãi suất cơ bản về mức trước đây ngay khi có điều kiện khả thi để doanh nghiệp BĐS có thể tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất khoảng từ 0,85 - 1,1%/tháng. HoREA cũng đề nghị các ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp được giãn nợ, gia hạn nợ, cơ cấu lại nợ, cho doanh nghiệp tiếp tục vay để có điều kiện tiếp tục dự án. HoREA cũng đề nghị các ngân hàng cần có nguồn vốn tín dụng trung hạn và dài hạn cho các doanh nghiệp BĐS vay, đồng thời Nhà nước có chính sách pháp lý cho doanh nghiệp huy động vốn của khách hàng nếu dự án đã được duyệt, đã giải phóng mặt bằng, đã phê duyệt quy hoạch 1/500, đã nộp tiền sử dụng đất, kèm theo quy định rõ trách nhiệm doanh nghiệp phải sử dụng vốn huy động đúng mục đích phục vụ nhu cầu của khách hàng...
HoREA còn đề nghị Nhà nước cần có chính sách kích cầu thị trường BĐS thông qua chương trình nhà ở xã hội cấp quốc gia để các địa phương có cơ sở thực hiện, có chương trình xây dựng căn hộ chung cư giá rẻ cùng với chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế, tiền sử dụng đất... để bán cho người thu nhập thấp thuộc các thành phần kinh tế (như kinh nghiệm của Indonesia thực hiện chương trình 1.000 khu chung cư giá rẻ với 15.000 USD/căn hộ)... “Theo tôi, Chính phủ cần sớm hoàn thiện pháp luật tài chính liên quan đến việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu dự án và định chế Quỹ tín thác BĐS (REIT) để tạo hành lang pháp lý cho các phương thức huy động vốn này và để bảo vệ người mua trái phiếu” - ông Châu kiến nghị.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên