Top

Tiểu thương 'oằn mình' vì phí chợ

Cập nhật 14/07/2010 14:45

Để xây dựng nhà lồng chợ Bạc Liêu mới, hàng nghìn tiểu thương phải di dời đến chợ tạm trong thời gian dự kiến là hai năm. Nhưng điều đang làm hầu hết tiểu thương bất bình là mức giá thuê mặt bằng ở chợ tạm lại cao hơn 30 lần so với chợ cũ.

Sau gần 30 năm hoạt động, nhà lồng chợ Bạc Liêu xuống cấp trầm trọng, cần được xây dựng lại. Để phục vụ cho việc xây chợ mới, các hộ tiểu thương ở khu A và khu B trong chợ di dời về chợ Cầu Xáng (nằm bên dòng kinh xáng Bạc Liêu - Cà Mau) và chợ tạm (tọa lạc ở ngã tư đường Trần Huỳnh - Lê Duẩn thuộc phường 1, thị xã Bạc Liêu). Chợ Cầu Xáng có 308 lô, sạp, ki ốt, bố trí cho các hộ kinh doanh lớn như vựa trái cây, vựa nông sản, vựa thủy sản mua bán lâu dài... Chợ tạm có 1.497 lô, sạp, ki ốt sẽ hoạt động trong hai năm (9/2010 - 9/2012).

Giá cho thuê cao gấp 30 lần


Việc di dời để xây lại nhà lồng chợ Bạc Liêu được bà con tiểu thương ủng hộ. Song, hầu hết tiểu thương không đồng tình với cách tính giá thuê mặt bằng kinh doanh quá cao do Công ty cổ phần Minh Thắng - chi nhánh Bạc Liêu (Công ty Minh Thắng), chủ đầu tư xây chợ Cầu Xáng và chợ tạm, đưa ra.

Theo thông báo ngày 20/6 của Công ty Minh Thắng, giá thuê lô, sạp, ki ốt tại khu ki ốt rời ở chợ Cầu Xáng là 100.000 đồng mỗi ngày, ki ốt mặt tiền khu A và B là 60.000 đồng, còn ở khu nhà lồng là 30.000 - 50.000 đồng mỗi ngày. Ở chợ tạm, giá thuê tại khu ki ốt rời là 80.000 đồng một ngày, khu ki ốt bốn mặt tiền 60.000 đồng một ngày, ki ốt trong nhà lồng 15.000 - 40.000 đồng. Ngoài tiền thuê lô, sạp, ki ốt, hằng tháng tiểu thương phải tự trả tiền điện, nước, vệ sinh phí.

Giá cho thuê cao khiến nhiều tiểu thương “chóng mặt”. Chị Phạm Kim Liên (mua bán cua) và nhiều tiểu thương ở khu A chợ nhà lồng Bạc Liêu cho rằng, giá cho thuê do Công ty Minh Thắng đưa ra là giá trên trời. Thời gian thuê chỉ hai năm nhưng mọi chi phí đều “đổ” lên đầu tiểu thương. “Ở chợ nhà lồng Bạc Liêu, mỗi tháng tôi chỉ đóng 50.000 đồng tiền thuê sạp. Nhưng qua chợ tạm phải đóng trung bình mỗi ngày gần 58.000 đồng một sạp. Mức giá cho thuê này cao gấp 30 lần mức thuê hiện nay”, chị Liên nói. Bà Võ Thị Mai, một tiểu thương ở chợ Bạc Liêu, bức xúc: “Bán tạp hóa lãi một ngày không đến 80.000 đồng mà phải đóng các chi phí khoảng 100.000 đồng mỗi ngày thì làm sao sống”. Đóng tiền thuê cao như vậy nhưng nhiều tiểu thương còn băn khoăn là hai năm sau, khi chợ nhà lồng Bạc Liêu mới được xây xong, tiểu thương quay về lại phải đóng thêm vài chục triệu đồng mới được vào buôn bán trở lại.

Tiểu thương chờ hỗ trợ

Giá cho thuê nhưng theo quy định của Công ty Minh Thắng, muốn có chỗ bán hàng ở các chợ mới, bà con tiểu thương phải đăng ký vào mẫu phiếu do công ty cấp rồi gửi cho Ban Quản lý chợ Bạc Liêu. Sau khi tiểu thương đăng ký ngành hàng, diện tích và lô, sạp cần thuê, Công ty Minh Thắng mới ký hợp đồng cho thuê trong hai năm. Sau khi ký hợp đồng, tiểu thương phải đóng 30% giá trị hợp đồng để giữ chỗ. Khi chính thức mua bán, tiểu thương phải trả dứt điểm tiền thuê chỗ.

Ông Nguyễn Phước Luật, Phó tổng giám đốc Công ty Minh Thắng, nói: “Giá thuê tại chợ tạm cao là do thời gian hoạt động của chợ này quá ngắn (chỉ hai năm) nên áp lực thu hồi vốn của nhà đầu tư rất lớn. Nếu chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ kéo dài thêm thời hạn thuê mặt bằng tại chợ tạm thì giá thuê mặt bằng của các tiểu thương sẽ thấp hơn”.

Song, nhiều tiểu thương chợ Bạc Liêu không đồng ý với cách lý giải này. Theo tính toán, nếu trong hai năm cho hơn 1.400 tiểu thương thuê với mức giá như đã công bố, Công ty Minh Thắng thu được hơn 70 tỷ đồng. Trong khi đó, kinh phí xây chợ Bạc Liêu mới chưa đến 70 tỷ đồng. Hai là di dời đến chỗ mua bán mới dù giá thuê mặt bằng cao vẫn khó bán buôn. Thế nhưng không thấy Nhà nước có chính sách hỗ trợ.

Hiện tại, vì không đồng tình về giá cho thuê ở nơi mua bán mới nên nhiều người không đến Ban Quản lý chợ Bạc Liêu đăng ký di dời. Nhiều tiểu thương đề nghị, trước mắt chính quyền thị xã Bạc Liêu cần xem xét, hỗ trợ chi phí về chỗ mua bán tạm, chứ không nên để bà con gánh toàn bộ.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt