Top

Tiếp vốn cho dân để “giải cứu” bất động sản

Cập nhật 21/12/2012 16:28

“Chỉ cấp vốn vay cho người dân mua nhà để ở, không cấp tín dụng cho công ty BĐS…” - Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định như vậy, trong cuộc làm việc, ngày 18/12/2012, giữa Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm trưởng đoàn với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh.

Thị trường phải gắn trách nhiệm xã hội


Ngay lập tức, thị trường chứng khoán phản ứng tức thì: tăng điểm sau nhiều tháng diễn biến lình xình, nhất là nhóm cổ phiếu ngành bất động sản (BĐS) trên sàn TP. Hồ Chí Minh đồng loạt tăng trần ngay sau khi phát biểu định hướng tín dụng trên của Thống đốc NHNN được phát ra.

Thị trường BĐS Việt Nam lâu nay luôn gắn liền với hệ thống ngân hàng do hầu hết các chủ đầu tư đều phải vay vốn với một tỷ lệ rất cao. Thời gian qua hệ thống ngân hàng trong nước hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và nông nghiệp-nông thôn nên nhiều công ty kinh doanh BĐS “chới với”.
 

NHTM Nhà nước sẽ thiết kế nhiều gói vay mua nhà ở lãi suất thấp


Không chỉ vậy, những khoản nợ xấu trong các DN kinh doanh BĐS ở Việt Nam hiện nay đang lây sang khả năng thanh khoản của các TCTD do “lệch pha” về kỳ hạn giữa nguồn cho vay và huy động. Số liệu của các cơ quan hữu quan, hơn một vạn căn hộ chung cư không bán được trên cả nước hiện có đến 70% tiền vốn vay ngân hàng, với lãi suất trên 20%/năm, chủ yếu dư nợ trung dài hạn.

Thời gian qua một số NHTM đã chào mời nhiều gói lãi suất ưu đãi cho khách hàng vay với mục đích mua nhà để ở, nhưng do nhiều lý do chưa thể tạo ra sức bật cho nhu cầu vay vốn mua nhà để ở. Trong cuộc họp với TP. Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã đưa ra thông điệp, sẵn sàng “bơm” vốn khoảng 20.000-40.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ 6%/năm cho bất cứ NHTM Nhà nước nào cho vay mua nhà để ở.

Một chuyên gia kinh tế ngay khi nhận được thông tin này đã nói: “Tín hiệu tháo gỡ thị trường BĐS đã rõ ràng, nếu chủ đầu tư nào khăng khăng giữ giá căn hộ, sẽ không có cơ hội giải phóng hàng tồn kho”.

Tiếp theo cuộc họp tại TP Hồ Chí Minh, ngay ngày hôm sau (19/12), làm việc với lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, cũng với nội dung trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “DN đã từng lãi to rồi, giờ là lúc phải chia sẻ với Chính phủ, với xã hội”.

Quy hoạch và khả năng “giữ nhiệt” của cơ quan quản lý

Báo cáo với Đoàn công tác của Chính phủ, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở để giải quyết vấn đề ở cho các đối tượng dân cư trên địa bàn. Bình quân mỗi năm xây dựng được 2,5 triệu m2; diện tích bình quân đầu người đạt khoảng 21,5 m2/người.

Tuy nhiên, nhu cầu về nhà ở của các đối tượng thu nhập trung bình, thu nhập thấp còn rất lớn. Các hộ gia đình có bình quân diện tích dưới mức bình quân khoảng 375.000 hộ, tương đương 52% số hộ gia đình trên địa bàn thành phố; có khoảng 114.500 CBCNVC có nhu cầu mua nhà ở.

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo thừa nhận, nguyên nhân thị trường BĐS đóng băng là do phát triển quá nóng trong thời gian qua. Thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quá trình phát triển thị trường nhà ở; quản lý nhà nước về thị trường BĐS chưa hiệu quả.

Tại buổi làm việc với Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thị trường BĐS tại Hà Nội có sự khác biệt so với thị trường TP. Hồ Chí Minh, đó là tình trạng đóng băng xảy ra chậm hơn, số lượng dự án ít hơn, nhưng quy mô mỗi dự án và tổng thể lớn hơn; số lượng các DNNVV tham gia thị trường ít hơn; dư nợ BĐS ít hơn, vốn chủ yếu huy động từ người mua nhà; giá nhà ở cũng cao hơn nếu so với các dự án cùng điều kiện.

Được cho là một đòn bẩy quan trọng trong việc xử lý nợ xấu, kích cầu nền kinh tế, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ phân tích, thị trường BĐS liên quan nhiều lĩnh vực kinh tế nên đòi hỏi trách nhiệm và giải pháp trong ngắn hạn và dài hạn. “Hiện kịch bản giải cứu cho nền kinh tế, cho BĐS chúng tôi đã có trong tay rồi. BĐS sẽ được cứu bằng giải pháp tài chính”, Bộ trưởng Huệ cho hay. Ông khuyến nghị, để tạo niềm tin người tiêu dùng các địa phương nên có chỉ đạo, tuyên bố công khai và chính thức về các dự án (tên, giá, tiến độ, chính sách bán hàng...).

Trước mắt, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ cho gia hạn, giãn tiến độ nộp tiền tiền sử dụng đất 24 tháng cho chủ dự án; được nộp tiền theo tiến độ bán hàng. Các dự án đã gia hạn theo Nghị quyết 13 thì được gia hạn tiếp, cho giảm 50% tiền thuê đất phải nộp. Bộ trưởng Vương Đình Huệ cũng đưa ra kiến nghị cần giảm và miễn thuế đối DN BĐS.

Cụ thể: giảm 10% đối với thuế thu nhập DN cho các DN đầu tư nhà ở xã hội, áp dụng sớm 6 tháng so với luật (1/7/2013); gia hạn VAT tháng 1-3 cho các DN BĐS và vật liệu xây dựng; kiến nghị Quốc hội giảm 50% VAT đối với kinh doanh nhà ở xã hội, giảm mức thấp hơn đối với đối tượng mua nhà ở 79 m2 và giá dưới 15 triệu/m2 (giải pháp này đã từng áp dụng năm 2009 đối với một số mặt hàng)…

Chỉ ra căn nguyên bản chất của tình trạng tồn đọng sản phẩm BĐS hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Dân còn nghèo mà quy hoạch dự án toàn nhà to, nhà sang. Lúc thừa thì toàn thừa nhà to nhà sang, trong khi nhà nhỏ, nhà thu nhập thấp cho người lao động thì vẫn thiếu”.

Thủ tướng yêu cầu: Đi liền quy hoạch, các cơ quan thuộc Chính phủ, Hà Nội, các địa phương cần ban hành chính sách đối với phát triển nhà ở xã hội và người được hưởng thụ nhà ở xã hội. Tính toán việc mua nhà ở thương mại làm nhà tái định cư, tạo chuyển biến về thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, khắc phục tiêu cực.

Đặc biệt, về lãi suất, Thủ tướng chỉ đạo kiên quyết đưa ra gói tín dụng lãi suất thấp cho đối tượng mua nhà xã hội. “Lãi suất thấp, cộng với quỹ hỗ trợ của địa phương, cố gắng có mức lãi suất 4-5%/năm là hợp lý. Bên cạnh chính sách chung, có chính sách cụ thể cho người thu nhập thấp, đối tượng được hưởng nhà ở xã hội có thể mua được nhà”, Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị NHNN giao quyền chủ động cho các NHTM xem xét cho những dự án hoàn thành và có “đầu ra” được tiếp tục vay vốn. Mặt khác, DN cũng phải chung sức cùng Chính phủ, chịu trách nhiệm cùng Chính phủ tháo gỡ khó khăn. “DN đã từng lãi to rồi, giờ là lúc DN cũng phải chia sẻ với Chính phủ, với xã hội”, Thủ tướng yêu cầu trách nhiệm xã hội từ các DN và doanh nhân cùng chung vai góp sức giải quyết biểu hiện tồn đọng các khu nhà ở hiện nay ở nhiều địa phương, trong đó tập trung tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội là đáng lo ngại.
 

Đầu tư nhà ở xã hội không sợ ế

Nhu cầu nhà tái định cư đến năm 2015, TP. Hà Nội cần khoảng 25.000 căn hộ, trong đó năm 2013 cần 6.630 căn (mới lo được khoảng 3.500 căn). Từ nay đến lúc đó thành phố hoàn thành 52 dự án với 14.310 căn hộ, như vậy thành phố còn thiếu 11.000 căn hộ tái định cư.

Về nhà ở cho đối tượng hưởng lương từ ngân sách, có 99 đơn vị, với 188.349 người đăng ký có nhu cầu về nhà ở. Trong đó có 20 đơn vị của Trung ương với 151.595 người đăng ký và 79 đơn vị cơ quan thuộc TP. Hà Nội với 36.754 người đăng ký. Trong đó có 114.432 trường hợp đề nghị được mua nhà, còn lại đề nghị được thuê, thuê mua nhà. Thành phố cũng đề xuất sử dụng 2.000 căn chung cư và khoảng 1.200 căn thấp tầng để giới thiệu bán cho đối tượng là cán bộ công chức hưởng lương ngân sách có khả năng thanh toán.



DiaOcOnline.vn - Theo TB Ngân Hàng