Top

Thị trường khách sạn phía Bắc, bức tranh buồn

Cập nhật 21/12/2012 14:11

Nguồn cung phòng khách sạn liên tục tăng cao, trong khi lượng khách không ổn định, khiến hoạt động kinh doanh của nhiều khách sạn phía Bắc gặp nhiều khó khăn.

Trái ngược với hoạt động du lịch sôi động, diễn ra gần như quanh năm tại các tỉnh phía Nam, hoạt động du lịch tại các tỉnh phía Bắc diễn ra theo mùa. Hết mùa du lịch, hoạt động kinh doanh khách sạn tại các tỉnh thành phía Bắc lại gặp nhiều khó khăn, do lượng khách sụt giảm.

Bà Lê Mai Khanh, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Khách sạn (Tổng cục Du lịch Việt Nam) cho biết, trong khi công suất phòng của hệ thống khách sạn, nghỉ dưỡng tại các tỉnh miền Trung và phía Nam thường rất cao, thì các tỉnh phía Bắc, từ Hà Tĩnh trở ra, dù có nhiều lợi thế về cảnh quan, nhưng hoạt động du lịch diễn ra theo mùa rất rõ nét. Cụ thể, tại các địa phương như Khánh Hòa, Hội An, Bình Thuận, TP. HCM và một số địa phương phía Nam khác, tình trạng “cháy” phòng khách sạn 3 - 5 sao thường xuyên diễn ra, thì phía Bắc, chỉ cần tiết trời chuyển sang Thu, lượng khách du lịch giảm mạnh, khiến hoạt động kinh doanh khách sạn gặp nhiều khó khăn. Thiếu vắng khách, không ít khách sạn phía Bắc chuyển sang làm ăn “chụp giật” để thu hút lượng khách ít ỏi.
 


Cũng theo bà Lê Mai Khanh, tại miền Bắc, chỉ sau khi Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) trở thành Kỳ quan thiên nhiên thế giới, khách du lịch đến đây tăng mạnh, tình trạng “cháy phòng” khách sạn mới xuất hiện. Tuy nhiên, hiện tượng “cháy phòng” khách sạn cũng chỉ diễn ra vào các dịp hè.

Tại thị trường khách sạn Hà Nội, do đây là trung tâm chính trị, kinh kế, văn hóa của cả nước, nên ngoài lượng khách du lịch, hệ thống khách sạn đón nhận lượng khách rất lớn là các doanh nhân nước ngoài sang tìm hiểu cơ hội kinh doanh. Thế nhưng, do tình hình kinh tế khó khăn, nên trong năm 2012, lượng khách doanh nhân giảm mạnh. Ngay chi tiêu cho các chuyến du lịch của khách nước ngoài cũng giảm mạnh.

Theo thống kê của CBRE Việt Nam, trong 3 quý đầu năm 2012, Hà Nội đón khoảng 1,14 triệu lượt khách quốc tế (tăng 28% so với cùng kỳ năm trước) và 6,35 triệu lượt khách trong nước (tăng 9,8%). Lượng du khách này đã khiến công suất phòng tại hệ thống khách sạn Hà Nội tăng từ 2 - 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, việc tăng công suất chỉ xảy ra với phân khúc khách sạn 5 sao. Trong khi với phân khúc khách sạn 3 sao, công suất phòng giảm mạnh, khi giảm đến 44% so với quý III/2011.

Trong khi công suất sử dụng phòng khách sạn tại Hà Nội có những diễn biến không mấy sáng sủa, thì mức giá trung bình hệ thống khách sạn Hà Nội cũng giảm mạnh. Cụ thể, phân khúc 4 - 5 sao đã giảm khoảng 8 - 10 USD. Trong khi giá thuê của phân khúc 3 sao lại tăng nhẹ, từ 1 - 4 USD. Tuy nhiên, mức tăng giá không bù đắp được lượng phòng trống quá lớn, khiến nhiều khách sạn 3 sao rất khó khăn. Do khó khăn trong hoạt động kinh doanh, một số khách sạn 3 sao trên địa bàn Hà Nội đang có nguy cơ phải đóng cửa hoặc thay đổi hoạt động kinh doanh.

Trong khi hệ thống khách sạn hiện thời đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh, Hà Nội tiếp tục đón nhận một lượng lớn phòng khách sạn từ 3 - 5 sao mới ra nhập thị trường. Cụ thể, ngay trong quý IV/2012, Hà Nội đón nhận khoảng 300 phòng khách sạn mới, loại 3 - 4 sao từ các khách sạn như Eastin Easy GTC, Hồng Hà, Hilton Garden Inn (Trần Hưng Đạo) và Candeo (Đội Cấn).

Sang năm 2013, Hà Nội dự kiến sẽ đón nhận thêm khoảng 1.000 phòng nữa từ 3 khách sạn là Inter Continental Hanoi Landmark, JW Marriott Hanoi và khách sạn 200 phòng trên đường Minh Khai thuộc Tập đoàn Hương Lúa. Đến năm 2015, thị trường khách sạn Hà Nội dự kiến sẽ có thêm khoảng 6.600 phòng từ 24 trong số 43 dự án và hầu hết là các dự án khách sạn có tiêu chuẩn từ 4 - 5 sao.

Trong bối cảnh kinh doanh khách sạn gặp nhiều khó khăn, nguồn cung khách sạn tăng mạnh sau mỗi năm, khiến thị trường khách sạn có nguy cơ bị dư cung. Bức tranh thị trường khách sạn Hà Nội trong những năm tới xem ra vẫn chủ đạo một gam trầm.
 

“Năm 2013 sẽ là một năm đầy thách thức”
Ông Michael Golden, Giám đốc Khách sạn Park Hyatt Saigon

Nói chung, khách sạn của chúng tôi đã có hoạt động kinh doanh khá ổn định trong năm 2012 vừa qua. Trong khi các khách sạn khác đang suy giảm thì chúng tôi vẫn củng cố được vị trí của mình trong thị trường lưu trú khách du lich và khách đi theo đoàn.

Tôi nghĩ, năm 2013 sẽ là một năm đầy thách thức, vì hiện nguồn cung phòng khách sạn đang tăng cao, trong khi nguồn cầu lại tăng rất khiêm tốn. Tình hình kinh doanh nói chung của toàn ngành khách sạn sẽ phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam cũng như của Mỹ và châu Âu.
 

“Áp lực cạnh tranh trong ngành khách sạn ngày càng tăng”
Bà Celine Guyomarch’s, Quản lý khách sạn Melia Hà Nội

Nói chung, năm nay là một năm khó khăn cho ngành khách sạn. Khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng nhiều đến nhu cầu lưu trú của khách, thêm vào đó, áp lực cũng tăng rất nhiều khi đối thủ cạnh tranh trong ngành này cũng ngày càng tăng cao so với những năm trước đây.

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của Melia Hà Nội thậm chí còn tốt hơn so với năm ngoái. Lý do chính là vì vị trí và cơ sở vật chất của khách sạn đều rất tốt cho cả khách doanh nhân và khách du lịch. Hơn nữa, chúng tôi cũng đang áp dụng một chiến lược marketing tốt để có thể cạnh tranh với các đối thủ. Thế mạnh của chúng tôi là tổ chức các sự kiện lớn, điều này được minh chứng bằng việc phần lớn các hội nghị, hội thảo lớn tại Hà Nội đều được tổ chức tại Khách sạn Melia.
 

“Trong khó khăn luôn có cơ hội”
Ông Steve Tan, Tổng giám đốc Khách sạn Fortuna Hà Nội

Trong bối cảnh kinh tế thế giới èo uột, tình hình kinh doanh du lịch và lữ hành của Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Tất nhiên, vận hành một khách sạn trong thời kỳ thị trường phát triển sẽ dễ hơn rất nhiều so với thời kỳ khủng hoảng.

Chúng tôi cũng như tất cả những ai làm việc trong ngành kinh doanh khách sạn đều thấy năm nay rất khó khăn. Tuy vậy, khó khăn không có nghĩa là không có cơ hội và chúng tôi nắm bắt lấy những cơ hôi ấy. Khách sạn Fortuna Hà Nội đã may mắn được đón tiếp những khách hàng “đặc biệt trung thành”, những người đã tin tưởng vào thương hiệu của chúng tôi. Chúng tôi đã được tin tưởng từ các khách hàng của các công ty, doanh nghiệp và cả các đại lý lữ hành.

Tôi không có quả cầu pha lê để có thể đoán được thị trường năm 2013, nhưng nền kinh tế luôn có chuyện phát triển và suy thoái. Sẽ thật là không thỏa đáng nếu cứ luôn khư khư chú trọng vào việc cần phải làm gì trong thời gian hậu suy thoái khó tiên đoán này. Chúng tôi đã cảm nhận ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và do đó, đã phòng ngừa và thực thi các ý tưởng chiến thuật để tìm các nguồn khách mới. Nói cách khác, chúng tôi chuẩn bị cho những gì xấu nhất và cũng hy vọng cho những gì tốt đẹp nhất.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán