Trả lời Tiền Phong chiều 2/4, ông Vũ Xuân Thiện, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (QLN&TTBĐS), Bộ Xây dựng cho biết “những trường hợp ở nhà công vụ sai đối tượng đều phải thu hồi”. Mặt khác, Bộ sẽ báo cáo Chính phủ trường hợp sử dụng nhà công vụ, nhưng vượt hoặc không thuộc thẩm quyền.
“Chắc chắn quy định mới sẽ tránh được những tồn tại từ trước, tránh tình trạng sử dụng không đúng đối tượng hoặc lợi dụng, sử dụng không đúng mục đích nhà ở công vụ”. Cục phó Cục QLN&TTBĐS Vũ Xuân Thiện |
Đối với các trường hợp khác, Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch và quy trình xử lý cụ thể, thận trọng theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở công vụ, phù hợp thực tiễn đang quản lý sử dụng tại khu nhà ở công vụ Hoàng Cầu. Nguyên tắc là khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà công vụ thì dứt khoát phải trả nhà.
“Bộ có cơ chế, tạo điều kiện cho cán bộ về hưu có khó khăn về nhà ở có chỗ ở mới như: được ưu tiên, tạo điều kiện để các cán bộ này được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và được vay vốn ưu đãi để mua nhà”, ông Thiện cho biết.
Siết quản lý nhà công vụ
Theo ông Vũ Xuân Thiện, trước đây, việc quản lý sử dụng nhà ở công vụ chưa được quan tâm đúng mức. Vì nhiều lý do, việc thu hồi nhà ở công vụ của các cán bộ lãnh đạo của các bộ, ngành thành phố khi hết tiêu chuẩn nhà ở công vụ gặp khó khăn. Tới đây, công tác quản lý nhà ở công vụ sẽ khắc phục được những tồn tại. Nhà ở công vụ được bố trí trang thiết bị nội thất cơ bản. Do vậy, cán bộ được bố trí thuê nhà ở công vụ không phải trả chi phí cho việc trang bị nội thất, sửa chữa, cải tạo cho nhà ở công vụ.
Cùng đó, Nhà nước sẽ thực hiện ký hợp đồng giữa đơn vị quản lý vận hành nhà ở công vụ với người thuê nhà, trong đó quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ của bên cho thuê nhà và bên thuê nhà, giá thuê, thời hạn thuê và việc thu hồi nhà ở công vụ, có chế tài kèm theo.
Sẽ cưỡng chế nếu không trả nhà công vụ
“Nếu ai không còn đủ tiêu chuẩn ở nhà công vụ sẽ được thông báo để di dời trong vòng 6 tháng. Nếu ai không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. Đây cũng là mô hình điển hình để xử lý các trường hợp khác”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên nói với các phóng viên ngày 1/4. Trước việc nhiều quan chức không chịu trả nhà công vụ dù nghỉ hưu đã lâu, hoặc đang tại vị nhưng lại để con cái ở còn mình ở chỗ khác, thậm chí không ở nhưng vẫn khóa cửa “giữ chỗ” để đấy, ông Nên khẳng định sẽ sớm khắc phục tình trạng này. “Đây là câu chuyện không vui, rõ nét và tập trung nhất tại khu nhà công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội”, ông nói.
Ông Nên cho rằng, những quy định trước đây về nhà công vụ còn đơn giản, chỉ nghĩ khi cán bộ về hưu thì bàn giao lại nhà, nên các quy định, chế tài, hồ sơ giao nhà, thu hồi chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác. Sau khi xuất hiện tình trạng cán bộ về hưu không trả nhà công vụ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng thành lập tổ chức chuyên trách quản lý nhà công vụ, có quy định rõ ràng về thủ tục, chế tài…