Đó là nhận định của CBRE Việt Nam về Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII thông qua. Đáng chú ý là Luật Nhà ở sửa đổi lần này có quy định mở rộng sở hữu tài sản của các cá nhân và tổ chức nước ngoài tại Việt Nam, thay thế quy định thí điểm cũ đã hết hạn vào cuối tháng 12/2013.
Bộ luật mới, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015, sẽ loại bỏ nhiều ràng buộc trước đó áp dụng với khách hàng nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam với các điểm điều chỉnh chính về đối tượng sở hữu nhà ở, loại hình nhà ở, số lượng, mục đích sử dụng và thời hạn sở hữu.
Các điều kiện nới lỏng cho người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam thoáng hơn nhiều so với những dự đoán trước đó. Hai quy định duy nhất còn hạn chế đối với người nước ngoài là thời hạn sở hữu không quá 50 năm và số lượng bất động sản được sở hữu tối đa trong một tòa nhà chung cư/ một đơn vị hành chính cấp phường (hoặc tương đương).
Luật Nhà ở sửa đổi mới thông qua sẽ giúp thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam, có mong muốn đầu tư vào thị trường này và xóa đi những rào cản ban đầu, tạo sân chơi công bằng hơn giữa người nước ngoài và người dân Việt Nam. Điều cần lưu ý ở đây là việc sửa đổi lần này có thể chưa có tác động ngay lập tức, nhưng chắc chắn sẽ khiến thị trường nhà ở đã được cải thiện gần đây đi theo hướng tích cực hơn.
Trước đây, thị trường bất động sản Việt Nam luôn bị chi phối bởi các chủ đầu tư, nhà thầu, khách hàng và nhà đầu tư trong nước, một phần do các quy định giới hạn quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Việc thông qua Luật Nhà ở sửa đổi lần này sẽ tạo thế cân bằng, minh bạch và ổn định cho thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam.
DiaOcOnline.vn - Theo Công Thương