Top

Thế chấp tài sản hình thành trong tương lai: Kỳ vọng giải tỏa tắc nghẽn

Cập nhật 03/07/2014 14:28

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), sau khi Thông tư liên tịch số 01 giữa NHNN, Bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai có hiệu lực thi hành (ngày 16/6/2014) đã giải tỏa được tắc nghẽn sức cầu thị trường bấy lâu nay.

Chị Nguyễn Thị Hiền dự định mua một căn hộ chung cư 2 phòng ngủ với mức giá xấp xỉ 1 tỷ đồng trên địa bàn quận 9, TP. Hồ Chí Minh với phương thức trả góp. Tìm hiểu nhiều nơi, nhưng ngặt một nỗi, căn hộ tại dự án mà chị định mua thì chủ đầu tư lại không có chương trình liên kết với ngân hàng để đứng ra bảo lãnh cho khách hàng mua trả góp. Vì vậy, gia đình chị chỉ còn cách tự thân vận động, vay mượn khắp nơi. Cũng bởi, vợ chồng chị không có bất cứ một tài sản đảm bảo, giấy tờ có giá nào để có thể đem đi thế chấp, cầm cố vay vốn tại ngân hàng.

Trường hợp như vợ chồng chị Hiền là khá phổ biến, có thể thấy nhan nhản suốt thời gian qua, ngay khi thị trường BĐS đóng băng với giao dịch ảm đạm. Phần lớn người có nhu cầu an cư thực sự đang khó thực hiện ước mơ sở hữu nhà đất của mình, không chỉ bởi giá nhà đất còn cao so với thu nhập thực tế, mà việc tiếp cận nguồn vốn vay tại các tổ chức tài chính, tín dụng khó khả thi khi họ không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn.


Thế chấp tài sản hình thành trong tương lai là cơ hội cho chủ đầu tư và người mua

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là điểm nghịch lý bởi đại đa số những người có nhu cầu mua nhà như trên đều chưa từng sở hữu bất cứ một căn nhà, mảnh đất nào, nên việc có được tài sản đảm bảo để được vay vốn là không khả thi. Đó là chưa nói đến việc nhiều người mặc dù có thu nhập khá và ổn định hàng tháng, nhưng là lao động tự do nên để có thể chứng minh được thu nhập cũng khá phức tạp. Chính vì lý do này, trong thời gian qua mặc dù sức cầu của thị trường BĐS luôn cao nhưng giao dịch thực tế lại không nhiều.

Tuy nhiên, theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh (HoREA), sau khi Thông tư liên tịch số 01 giữa NHNN, Bộ Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo Nghị định số 71 chính thức có hiệu lực thi hành (ngày 16/6/2014) đã mở ra cho thị trường BĐS một hướng đi mới, giải tỏa được tắc nghẽn sức cầu thị trường bấy lâu nay.

Theo như hướng dẫn tại Thông tư này, không chỉ chủ đầu tư dự án được quyền thế chấp dự án phát triển nhà ở tại các TCTD sau khi chung cư được phê duyệt và xây dựng xong phần móng, mà các cá nhân, tổ chức mua nhà ở hình thành trong tương lai nếu có hợp đồng mua bán, văn bản chuyển nhượng hợp đồng và chưa được sử dụng làm tài sản thế chấp ở bất kỳ TCTD nào cũng sẽ được vay vốn tại ngân hàng...

Về phía chủ đầu tư, nhiều DN kinh doanh BĐS tỏ ra khá hồ hởi với quy định mới của Thông tư nêu trên. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, trong bối cảnh khó khăn vừa qua, phần lớn các chủ đầu tư khá khó khăn, áp lực về nguồn vốn nên việc đi vay, thế chấp tài sản là bình thường. Tuy nhiên, không phải DN BĐS nào cũng sẵn có tài sản trong tay để phát triển dự án. Nên với việc cho phép dùng chính tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp cũng là một bước gợi mở, giúp các chủ đầu tư có thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh và hơn hết là tạo ra sự an sinh trong xã hội khi cả cung và cầu đều được giải tỏa.

Còn theo đánh giá của ông Trần Vĩnh Trân, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Nam Long, mặc dù trước đây, một số DN cũng đã bắt tay với các ngân hàng để làm chương trình liên kết giữa 3 nhà (ngân hàng - DN - khách mua nhà) cho vay mua căn hộ tại dự án ký kết, nhưng với quy định rõ ràng, cụ thể như hiện nay thì cả chủ đầu tư và người mua nhà cũng sẽ rộng đường trong việc thực hiện kế hoạch của mình. Ngoài ra, khi những vấn đề cốt lõi như nguồn vốn phục vụ phát triển dự án, sức cầu được giải tỏa… kỳ vọng sẽ giúp thị trường BĐS sớm hồi phục.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng