Việc cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai có thể phát sinh rủi ro, nhưng mức độ rất ít, chỉ từ 1-2%.
Là quan điểm của ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành trước quyết định cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
* Đề xuất cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai của Bộ Xây dựng đã được thông qua. Theo quan điểm của ông, việc nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai có thể tiềm ẩn những rủi ro nào? Ông có thể phân tích cụ thể, trong trường hợp dự án đã thế chấp nhưng chưa hoàn thành, doanh nghiệp mua nhà, người dân hay ngân hàng sẽ phải chịu thiệt hại?
Ông Nguyễn Văn Đực: - Đây là quyết định đúng đắn và có tính xã hội vì trước đây người nghèo không có gì để thế chấp nên không thể mua được nhà còn những người có tiền thì lấy tài sản bất động sản có sẵn để thế chấp và mua mới.
Tức là anh có một căn nhà đầu tiên mới có khả năng thế chấp để mua căn nhà thứ 2. Điều này tạo nên sự phân hóa xã hội lớn, đẩy người đã nghèo, không nhà ở lại càng không có điều kiện để có nhà ở. Đây là sự bất công xã hội mà nó đưa đến việc người đã nghèo, vô gia cư lại tiếp tục vô gia cư.
Tôi cho rằng quyết định này là sự đột phá rất lớn trong vấn đề giải quyết an sinh xã hội giúp người nghèo, thu nhập trung bình sớm có căn nhà đầu tiên.
Mặc dù điều có thể phát sinh rủi ro nhưng rủi ro rất ít, chỉ từ 1-2%. Thứ nhất là từ người mua nhà, không có nhà mà chỉ có số tiền ban đầu 30 - 40%, họ đặt cược theo tiến độ thi công thì điều này không có gì nguy hiểm hay rủi ro vì nhà đầu tư và ngân hàng đã nắm tài sản, tài sản không thể xuống giá quá 30% nên không thể mất trắng, chỉ có rủi ro là người mua nhà không đủ điều kiện để theo trả tiếp.
Lúc đó sẽ có 3 cách để xử lý: Yêu cầu người mua nhà bán lại cho người khác để người khác tiếp tục trả, hai là chủ đầu tư có cam kết chịu trách nhiệm bằng cách thu hồi căn nhà và bán cho người khác, ba là ngân hàng đấu giá, thanh lý căn nhà và trả cho người mua số tiền ban đầu. Với cách làm này không hề có rủi ro cho ngân hàng hay nhà đầu tư.
"Việc cho phép thế chấp nhà ở hình thành trong tương lại có thể phát sinh rủi ro, nhưng mức độ rất ít, chỉ từ 1-2%"
|
Rủi ro nhân lên gấp bội
Trước đó, trao đổi với PV báo Đất Việt, chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh cho biết, việc cho phép thế chấp tài sản hình thành trong tương lai sẽ khiến rủi ro nhân lên gấp bội.
Những rủi ro được chỉ ra là vấn đề định giá tài sản khi tài sản hiện hữu cũng đang xảy ra nhiều trường hợp định giá sai gây thiệt hại cho các tổ chức tín dụng nhận tài sản đảm bảo.
Trong trường hợp hợp đồng tín dụng có vấn đề họ sẽ phải xử lý tài sản đảm bảo thế chấp. Tài sản hình thành trong tương lai chưa thấy đâu nên rõ ràng việc xử lý cũng không hề dễ dàng.
Ngoài ra, không ngoại trừ trường hợp tài sản thế chấp là tài sản hình thành trong tương lai đem thế chấp ở nhiều nơi...
Tóm lại, rủi ro liên quan đến tài sản hình thành trong tương lai mang ra thế chấp bao gồm toàn bộ những rủi ro liên quan đến tài sản đảm bảo thế chấp bằng tài sản hiện hữu đồng thời cộng thêm rủi ro mới phát sinh xuất phát từ tính chất tài sản khác rất nhiều tài sản hiện hữu.