Top

Nỗi niềm nhà tái định cư, biết bao giờ giải tỏa?

Cập nhật 22/05/2014 15:11

Lâu nay, nhà ở tái định cư đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân và cử tri cả nước. Việc “ra quân” nhằm rà soát lại chất lượng công trình, chất lượng sống…của các khu nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội (NOXH) theo quyết định 547/QĐ-BXD ngày 16/5 của Bộ Xây dựng đang kỳ vọng, sớm “giải khuây” được thực tế này. Tuy nhiên, cần phải có sự “xuống tay” mạnh hơn bởi, đây không phải cuộc ra quân đầu tiên từ phía các nhà quản lý.

Người dân và cử tri cả nước đang mong mỏi những giải pháp mạnh nhằm gạt bỏ định kiến về nhà ở TĐC.

Nhà tái định cư, “khối sầu” chưa nguôi…

Được đầu tư xây dựng từ “bầu sữa” ngân sách nhưng hầu hết các khu nhà ở tái định cư tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng lại không để lại “tiếng thơm” cho những người dân thuộc diện được sở hữu loại nhà ở này.

Tại Hà Nội, nhắc đến một số khu nhà ở tái định cư như Đền Lừ, Đồng Tàu hay Nam Trung Yên…nhiều người lại cảm thấy xót xa trước những cảnh sụt lún, người dân đi “đong” từng thùng nước, nhà để xe như bãi đá bỏ hoang hay việc bắc gạch “qua sông” mỗi khi đường ống vệ sinh bị tắc nghẽn.

Khảo sát tại khu TĐC Đền Lừ 2 (Hoàng Mai – Hà Nội), tình trạng xuống cấp đã ở mức báo động. Từ khu nhà A1 đến A5 tường, móng đã bị vênh nứt toàn bộ, riêng khu nhà A1, hệ thống tường móng, đường ống vệ sinh, thang máy đã bị hư hỏng nặng. “Do nền móng bị thụt sâu nên tường bao, hộp kỹ thuật đã bị tách dời đến hàng chục phân. Cuối năm 2013, toàn bộ khu dịch vụ của tòa nhà trước đây gồm ngân hàng chính sách, quán café, siêu thị đã được ban quản lý tòa nhà cho sơ tán khẩn cấp vì vách nứt, tường nghiêng và có thể sập bất cứ lúc nào”, bà Nguyễn Thị Phê, tổ trưởng tổ dân phố 84, nhà A1 cho biết. Hiện khu dịch vụ này đã được quây tôn và cho gắn biển “khu vực nguy hiểm, cấm vào”.

Đối với hệ thống cấp thoát nước, bà Phê cho biết, mặc dù được bàn giao từ cuối 2005 đầu 2006 nhưng đến nay, tòa A1 và A3 vẫn chưa được bàn giao cho nhà máy nước. Đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vợ chồng ông Nguyễn văn Dực ở tầng 12, tòa A1 vẫn thường xuyên thay phiên nhau xách nước từ tầng 1 lên sinh hoạt ở những “giờ cao điểm”. “Ở thế kỷ 21 rồi mà giờ vẫn còn thấy cảnh này!”, ông Dực than thở.

Không chỉ vậy, việc đường ống vệ sinh nhiều đoạn bị đứt gãy cũng đang khiến đời sống của người dân bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Nước thải ùn ứ, nhà để xe lúc nào cũng bốc mùi nồng nặc, mỗi khi vào lấy xe, các hộ dân chúng tôi phải bắc gạch, bịt khẩu trang”, anh Ngô Mạnh Sơn ngụ tại tòa nhà A1 chia sẻ.

“Lịch sử”, liệu có còn tiếp diễn?

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cũng thừa nhận: “Nhìn chung, chất lượng công trình các khu nhà ở tái định cư lâu nay đã được đảm bảo, tuy nhiên, do chất lượng hoàn thiện thấp nên nhiều khu trong thời gian ngắn sử dụng đã xuống cấp nghiêm trọng: sụt lún, tường bong chóc… nhưng chủ đầu tư cũng không kịp thời sửa chữa”.

Ông cũng cho biết, trước thực tế này, nhiều lần Bộ trưởng đã yêu cầu phải có quan điểm rõ ràng trong việc soạn thảo các quy định pháp luật, với quan điểm dù là nhà ở tái định cư hay NOXH thì chất lượng xây dựng công trình vẫn phải đảm bảo bền vững như các công trình khác.

Tuy nhiên, thực tế tại các khu nhà TĐC lại không giống như những “khái niệm”. bà Tô Thị Ánh Tuyết, tổ trưởng nhà A5 khu TĐC Đền Lừ 2 cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kêu cứu nhưng có lẽ, lời nguyện cầu chưa thấu được đến “trời xanh”. Phía đơn vị quản lý cũng đã nhiều lần cho người đến khảo sát song rồi cũng “bặt vô âm tín”.

Còn tại khu TĐC Đồng Tàu (Hoàng Mai – Hà Nội) sau nhiều lần làm đơn kiến nghị thì trung tuần tháng 3/2014, gần 10 ha của khu đã được Công ty TNHH MTV quản lý và phát triển nhà Hà Nội phối hợp với Ban Quản lý dự án đàu tư xây dựng các công trình có vốn ngân sách rà soát, cho sửa chữa lại toàn bộ hệ thống bị hư hại. Tuy nhiên, nhiều người vẫn quan ngại, bởi “lịch sử” có thể bị lặp lại.

“Năm 2009 cả khu đã được sửa chữa một lần nhưng đến 2012 đã hư hỏng lại. Chúng tôi lại tiếp tục kiến nghị sửa chữa nhưng cũng không thể khẳng định, tình trạng hư hỏng, xuống cấp không tiếp diễn thêm trong vài năm tới”, anh Đỗ Thế Phong, trú tại N05 khu TĐC Đồng Tàu (Hoàng Mai – Hà Nội) cho biết.

Tại TP. Hồ Chí Minh, nỗi ám ảnh nhà TĐC cũng khiến hàng ngàn căn hộ tại khu TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh phải đắp chiếu vì người dân không chịu về ở và buộc phải chuyển sang NOXH nhưng cũng chẳng có người mua.

Trước thực tế này, ngày 16/5, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đã ban hành quyết định 547/QĐ-BXD về việc thành lập đoàn kiểm tra công tác xây dựng và nhà tái định cư tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh. “Với mục tiêu rà soát lại chất lượng công trình, chất lượng sống, chất lượng dịch vụ, giá nhà ở tại các khu nhà ở TĐC, NOXH, đợt thanh, kiểm tra lần này sẽ xiết chặt từ công tác đầu tư xây dựng đến việc quản lý vận hành nhằm đảm bảo chất lượng nhà, giá nhà và nhu cầu chính sách phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân”, TS. Phạm Gia Yên cho biết.

Về phía đầu tư xây dựng, ông Phạm Ngọc Dũng, Chủ tịch HĐQT Sông Đà 207 cũng cho rằng: “Cần phải có cơ chế quản lý công tác đầu tư xây dựng chặt chẽ ngay từ ban đầu, tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột” nhằm xóa bỏ “định kiến” về nhà TĐC, đặc biệt là nỗi ám ảnh về những công trình mới nhưng chất lượng lại thua xa các công trình đã cũ”.

Đây không phải lần đầu tiên Bộ Xây dựng cho tiến hành thanh, kiểm tra nhưng kỳ vọng, cuộc “ra quân” sẽ giải quyết được những trăn trở về nhà TĐC, đặc biệt là chấm dứt được tình trạng xuống cấp nghiêm trọng như thực tế đã nêu.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng