Ngày 29/12, UBND quận Hoàng Mai tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) lô đất xây dựng công trình hỗn hợp, thuộc địa giới hành chính phường Hoàng Văn Thụ và phường Tương Mai.
Cùng ngày, UBND quận Tây Hồ cũng tổ chức đấu giá QSDĐ các ô đất nhỏ lẻ, xen kẹt để xây dựng nhà ở tại các phường Nhật Tân và Quảng An.
Tại Hoàng Mai: Có đúng "mua 1 được 3"?
Lô đất đấu giá có ký hiệu HH1, nằm ở vị trí đắc địa có 2 mặt tiền, phía bắc giáp đường 2,5 (quy hoạch (QH) rộng 40 mét); phía đông giáp đường Đền Lừ III (QH rộng 30 mét); các phía còn lại giáp khu dân cư khu vực. Tổng diện tích lô đất là 4.958 m2, mật độ xây dựng 32%, hệ số sử dụng đất 2,94 lần, tầng cao xây dựng 15 tầng, tương ứng 14.582 m2 sàn xây dựng.
Đây là một trong những phiên đấu giá đất theo phương thức mới, cho kết quả rất đáng suy nghĩ. Bên lề trước phiên đấu giá, giới đầu tư cho rằng, quy định đấu giá lô đất này, như “mua 1 được 3”. Theo quy định, diện tích đất đấu giá (tính tiền sử dụng đất) là 1.626 m2 (chiếm 33%) tổng diện tích lô đất, nhưng nhà đầu tư trúng giá được phép quản lý, sử dụng 100% lô đất.
Phần đất còn lại, diện tích tổng cộng là 3.332 m2, (chiếm 67%) diện tích lô đất, người trúng giá có nghĩa vụ: đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật làm đường nội bộ và cây xanh, với 2.838 m2 (chiếm 57%); riêng 494 m2 (chiếm 10%) còn lại là mương thoát nước thuộc Cty TNHH nhà nước một thành viên quản lý dùng nạo vét, duy tu duy trì theo quy định, thì nhà đầu tư phải xây dựng tường rào sát nhà dân để bảo vệ, chống lấn chiếm và không được sử dụng xây dựng công trình hay làm việc khác.
Mỗi nhà đầu tư tham gia đấu giá phải nộp 1,8 tỷ đồng tiền bảo lãnh trách nhiệm. Việc đấu giá tiến hành 3 vòng bắt buộc và sau đó là các vòng tiếp theo cho tới khi xác định nhà đầu tư bỏ giá cao nhất. Mức giá khởi điểm (giá sàn) là 23 triệu đồng/m2, mỗi bước giá là 200 nghìn đồng/m2.
Theo một số nhà đầu tư, dự án đấu giá đất này như đấu giá “đất nhà vườn”, nhưng điểm hấp dẫn là, thông thường nhà vườn chỉ được xây 3 tầng, còn ở đây được xây cao tới 15 tầng, đáp ứng nhu cầu chiều cao để nhà đầu tư thực hiện công trình hoành tráng như mong muốn. Hơn nữa, diện tích mặt bằng và giá trị phù hợp với “lưng vốn” tài chính của nhiều nhà đầu tư, nên có tới 23 doanh nghiệp tham gia, cao hơn nhiều so với dự tính.
Phiên đấu giá diễn ra hơn 3 giờ. Đến vòng đấu thứ 7, còn 12/23 nhà đầu tư, mức giá bỏ là: 62,2 triệu đồng/m2 và 68 triệu đồng/m2, bước đấu giá chênh nhau 29 lần!. Từ vòng thứ 10 đến 17 còn lại 5 nhà đầu tư, mức giá bỏ lên tới 96,8 triệu đồng/m2. Từ vòng đấu 22 chỉ còn 2 nhà đầu tư và phiên đấu giá “khép lại” ở vòng đấu 33.
Mặc dù cả 2 nhà đầu tư đều bỏ giá là 132,2 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, một trong 2 nhà đầu tư, đó là ông Lê Thanh Thuấn, TGĐ Tcty cổ phần đầu tư và xây dựng Sao Mai, tỉnh An Giang đã xin dừng “cuộc chơi” và chúc mừng ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam - đơn vị thắng cuộc, với mức giá bỏ là 132,2 triệu đồng/m2.
Trao đổi với chúng tôi, một số nhà đầu tư dự kiến xây nhà ở cho rằng giá như vậy là quá cao, và “chốt” mức giá trên dưới 40 triệu đồng/m2 thì “chơi” được. Còn 2 ông Lê Thanh Thuấn và Phạm Huy Hùng đều dự tính dành lô đất xây dựng trụ sở làm việc, thì đã lường trước, giá không dưới 100 triệu đồng/m2! Đây là điều thú vị cho các nhà quản lý trong lĩnh vực bất động sản.
Ban đầu có ý kiến “mua 1 được 3”. Nhưng trên thực tế, một số nhà đầu tư cho rằng, phiên đấu giá thắng lợi. Bởi tính ước tính tổng giá trị lô đất HH1 thành tiền là 217 tỷ đồng (tương đương 13,56 triệu USD), gấp 5,6 lần so với giá sàn khởi điểm, còn nếu chia tiền cho toàn bộ diện tích lô đất, đạt bình quân tới 40 triệu đồng/m2 là mức giá khá cao so với mặt bằng. Nếu mảnh đất này, chia lô nhà vườn thì chưa chắc đạt giá trị trên.
Với quận Hoàng Mai, cái được lớn hơn là, sẽ có một ngân hàng tài chính lớn, thúc đẩy quận phát triển. Và bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2007, quận đã hoàn thành vượt mức kế hoạch chỉ tiêu về đấu giá QSDĐ. Tại Tây Hồ: Cả 5 mảnh đất “về tay” một chủ
5 ô đất đấu giá ở phường Nhật Tân, có diện tích 60 - 110 m2, giá sàn 12 triệu đồng/m2 tại đường vào qua ngõ 654 và ngách 612/1 đường Lạc Long Quân, mặt cắt ngang đường 2 m. Tại phường Quảng An đấu giá 2 ô đất, có diện tích 100 - 150 m2, giá sàn tương đương 50 - 60 triệu đồng/m2, đường vào tiếp giáp đường Tây Hồ và ngõ 67 Tô Ngọc Vân có quy hoạch mở rộng với mặt cắt ngang 20,5m. Các khu đất đã được quy hoạch đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với đường giao thông, điện sinh hoạt, chiếu sáng, cây xanh…
Tại buổi đấu giá, 2 ô đất tại phường Quảng An, ô số 1 có 6 người tham gia, chị Nguyễn Thị Thu đã trúng với giá 75 triệu đồng/m2; ô số 2 ông Lê Quang Ngọc trúng với giá 82,5 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá kịch tính nhất lại nằm vào 5 ô đất thuộc phường Nhật Tân. Tại ô số 1 có 18 người tham gia và anh Vũ Ngọc Đức đã bỏ giá tới 50 triệu đồng/m2, gấp đôi so với 17 người kia (người cao nhất cũng chỉ bỏ tới 23,5 triệu/m2).
4 ô còn lại cũng do anh Vũ Ngọc Đức bỏ giá cao hơn mọi người mà trúng được với thứ tự ô số 2 giá 32,5 triệu/m2; ô số 3 giá 31,5 triệu/m2; ô số 4 giá 30,5 triệu/m2; ô số 5 giá 28,5 triệu m2. Như vậy, anh Vũ Ngọc Đức đã trúng liền một lúc 5 ô đất đem đấu giá của quận Tây Hồ bỏ lại nhiều nỗi niềm với những người không trúng giá.
Bên lề phiên đấu giá, qua trao đổi với một số chuyên gia về bất động sản, chúng tôi được biết, với “công thức” đấu giá trên - tức khi lấy cả 5 ô để được một ô lớn sẽ đem lại cho chủ sở hữu số lời gấp nhiều lần.
Tuy nhiên, với 5 ô đất kể trên do không có đường ô tô vào, nên sẽ không đem lại hiệu quả như mong muốn. Bởi số tiền như vậy có thể dễ dàng mua đất ở vị trí khác đẹp hơn. Theo tính toán các ô đất trên mua với giá 18 triệu đồng/m2 là hợp lý. Còn vì sao Anh Đức bỏ số tiền lớn để lấy cả 5 ô đất trên thì chúng tôi chưa hiểu.
Trao đổi với một quan chức quận Tây Hồ thì được biết, vị trí ô đất số 1 có lẽ do anh Đức bỏ giá nhầm (50 triệu đồng/m2). Nếu anh Đức không lấy ô này sẽ mất tiền đặt cọc là 35 triệu đồng. Chúng tôi sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc những thông tin tiếp theo.
Theo Hanoinet