Top

Thành lập khu công nghiệp mới: nơi cấp- nơi không

Cập nhật 22/03/2012 08:40


VSIP là đơn vị rất thành công trong thu hút đầu tư và đang tiếp tục mở rộng phát triển hạ tầng khu công nghiệp và đô thị - Ảnh: Quỳnh Thanh
Một số địa phương cho biết những dự án khu công nghiệp (KCN) đã được Chính phủ duyệt quy hoạch sẽ tiếp tục để các nhà đầu tư hoàn tất thủ tục nhằm cấp mới, nhưng cũng có địa phương phân vân không biết xử lý như thế nào vì Chỉ thị 07 của Thủ tướng yêu cầu tạm dừng việc bồ sung quy hoạch, thành lập mới các KCN.

Công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) – cho biết vẫn đang theo đuổi đầu tư dự án khu phức hợp đô thị, công nghiệp và dịch vụ rộng hơn 1.000 héc ta tại tỉnh Quảng Ngãi.

Đây là khu phức hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị VSIP đầu tiên ở miền Trung và là khu công nghiệp thứ năm được VSIP đầu tư ở Việt Nam.

Mặc dù dự án còn chờ cấp phép, nhưng theo VSIP, dự án này nằm trong quy hoạch tổng thể khu kinh tế Dung Quất – không phải là khu mới nên sẽ không thuộc diện thành lập khu công nghiệp mới như Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Trước đó, đại diện nhà đầu tư cũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và cho biết dự án được chia làm 2 giai đoạn trong đó khoảng ½ diện tích đất của dự án sẽ được phát triển hạ tầng khu công nghiệp và dự kiến sẽ được khởi công vào quí 3/2012.

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cũng cho rằng dự án đầu tư của liên doanh VSIP nằm trong khu kinh tế Dung Quất - mà khu kinh tế này đã được Chính phủ duyệt quy hoạch phát triển một số khu công nghiệp. Do đó, dự án đầu tư của VSIP không phải là dự án đầu tư mới hoàn toàn như chủ trương trong Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các KCN.

Tương tự, tại TPHCM, theo đại diện Ban quản lý các khu chế xuất khu công nghiệp TPHCM (Hepza), trong tổng số gần 6.000 héc ta đất quy hoạch phát triển khu công nghiệp được Chính phủ phê duyệt, thành phố chỉ mới cấp phép chưa đến 4.000 héc ta phát triển khu công nghiệp - khu chế xuất. Do đó, trong thời gian tới TPHCM sẽ tiếp tục cấp mới hoặc mở rộng diện tích các khu công nghiệp hiện hữu trên diện tích đất còn lại đã được Chính phủ duyệt quy hoạch phát triển khu công nghiệp.

Cụ thể theo Hepza thành phố sẽ phát triển khu công nghiệp Đông Nam, khu công nghiệp Phước Hiệp, Xuân Thới Thượng, hoặc mở rộng giai đoạn 2 của khu công nghiệp Hiệp Phước… Hiện TPHCM có 3 khu chế xuất, 12 khu công nghiệp với tổng diện tích 3.500 héc ta. Ngoài ra, có 7 khu công nghiệp mới dự kiến sẽ được thành lập với tổng diện tích 849 héc ta. Đến năm 2020, TPHCM sẽ có tổng cộng 22 khu công nghiệp, khu chế xuất với tổng diện tích 5.918 héc ta.

Trong khi đó tại địa phương Long An – nơi đang phát triển mạnh về phát triển hạ tầng khu công nghiệp thì đang lo về cách xử lý những dự án chưa được cấp phép. Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Long An, đến nay trên địa bàn tỉnh có 21 khu công nghiệp được thành lập trong tổng số 30 khu được Chính phủ duyệt quy hoạch phát triển khu công nghiệp.

Với Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tạm dừng việc bồ sung quy hoạch, thành lập mới các KCN, nên tỉnh Long An hiện nay cũng chưa quyết định có được phép cấp mới các khu công nghiệp còn lại. Nguồn tin này cho hay 9 dự án khu công nghiệp còn lại này do một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang hoàn tất các thủ tục chờ cấp phép.

Với Chỉ thị 07 của Thủ tướng, hiện nay một số địa phương đang có cách nghĩ khác nhau do đó dẫn đến việc có địa phương cấp mới trên đất đã được duyệt quy hoạch, nhưng cũng có địa phương thì không vì sợ làm sai.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 07 yêu cầu tạm dừng việc bổ sung quy hoạch, thành lập mới các Khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên cả nước cho đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế, chính sách phát triển KCN, KCX, KKT, trên cơ sở đó dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, trình Chính phủ xem xét, quyết định trong quí 3-2012.

Đồng thời, Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tiến hành đánh giá việc thực hiện quy hoạch, thành lập, hoạt động của các KKT, KCN và đề xuất biện pháp xử lý đối với các KKT, KCN hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai, ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở đó rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển KKT, KCN Việt Nam đến năm 2020 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quí 4-2012.

Theo Thủ tướng Chính phủ, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình phát triển các KKT, KCN, CCN còn có một số vấn đề bất cập, chậm được khắc phục. Cụ thể như chất lượng quy hoạch chưa tốt; phát triển quá nhanh về số lượng; đầu tư phát triển còn dàn trải; cơ cấu đầu tư vào KKT, KCN, CCN còn bất hợp lý; tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp chưa cao; chưa khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường; nhà ở, thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động chưa được đảm bảo.

Tính đến tháng 12-2011, cả nước có 283 KCN với tổng diện tích lên đến 76.000 héc ta, trong đó có 180 KCN đã đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư kết cấu hạ tầng lên tới trên 9,5 tỉ đô la Mỹ. Tỷ lệ lấp đầy các KCN - khu chế xuất (KCX) khoảng 65%, còn khoảng 10.000 héc ta chưa có nhà đầu tư thuê. Cho đến nay, các KCN - KCX đã thu hút 86 tỉ đô la vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, đóng góp 23% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% kim ngạch xuất khẩu, nộp ngân sách 5,9 tỉ đô la và giải quyết việc làm cho khoảng 1,76 triệu lao động.

 

DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG