Top

Thanh khoản

Cập nhật 08/07/2011 09:55


Ảnh minh họa. Nguồn Dân Trí
Đó là vấn đề quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất trên thị trường bất động sản hiện nay. Không bán được hàng thì không thể thu hồi vốn, không thể trả nợ ngân hàng, không thể triển khai được dự án mới...

Hạ giá thành, khuyến mãi, chấp nhận bán rẻ, chia nhỏ thanh toán... các doanh nghiệp bất động sản đang làm đủ mọi cách để cải thiện thanh khoản nhưng bất lực. Sức mua trên thị trường ngày càng yếu. Từ các dự án cao cấp cho tới những dự án giá trung bình, giá rẻ đều có chung một kết quả như nhau: ế.

Nghịch lý là cung có, cầu có (nhu cầu thực sự về chỗ ở vẫn rất lớn) nhưng thị trường vẫn đóng băng. Không có lý lẽ gì cao siêu trong việc này. Nguyên nhân quan trọng nhất là vốn. Việc siết tín dụng không chỉ khiến các doanh nghiệp bất động sản gặp khó mà ngay chính người mua cũng không thể tiếp cận được vốn tín dụng cho nhu cầu này, dẫn đến sự ngưng trệ lan trên diện rộng. Đẩy thị trường bất động sản vào khó khăn.

Trước đây, các dự án khi ra hàng đều liên kết với ngân hàng hỗ trợ cho vay tới 80% giá trị bất động sản với thời hạn 10 năm, 20 năm. Người mua chỉ cần 20% vốn ban đầu là có thể sở hữu căn hộ, nhà hay đất. Nhưng giờ đây, rất nhiều dự án khi giới thiệu phải "lờ" đi khâu này. Nếu khách hàng có hỏi, cũng chỉ biết lắc đầu. Ngân hàng đang bị "siết" tín dụng bất động sản, làm sao dám sát cánh cùng doanh nghiệp cho vay. Đó là lý do, nhiều người có nhu cầu, có thể lo được tỷ lệ vốn ban đầu, nhìn thấy được cơ hội sở hữu bất động sản ở mức giá phù hợp cũng đành bó tay.

Chúng ta đều biết, Chính phủ chủ trương siết chặt tín dụng bất động sản nhưng Chính phủ cũng chủ trương an sinh xã hội. Thiết nghĩ, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, người có nhu cầu thực sự tiếp cận được vốn để sở hữu bất động sản trong giai đoạn hiện nay cũng là điều cần thiết để thực hiện mục tiêu an sinh xã hội. Không chỉ thế, việc này sẽ khiến thanh khoản trên thị trường bất động sản được cải thiện, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cải thiện tình hình thị trường. Như vậy, một mũi tên trúng nhiều đích. Vấn đề còn lại là các cơ quan liên quan đến việc này cần có sự phân loại rạch ròi, xây dựng những tiêu chí rõ ràng, minh bạch về các đối tượng được phép tiếp cận nguồn tín dụng để mua bất động sản. Có như vậy, mới giải quyết được nguy cơ "phá sản trên đống tài sản khổng lồ" mà các doanh nghiệp bất động sản đang phải đối mặt hiện nay.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên